Bộ trưởng Bộ TT & TT Lê Doãn Hợp: Tăng tốc phát triển Công nghiệp phần mềm

LTS:
Bộ trưởng Bộ TT & TT Lê Doãn Hợp: Tăng tốc phát triển Công nghiệp phần mềm

LTS: Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã có nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Năm 2006 doanh thu ngành công nghiệp này đã đạt 350 triệu USD, thu hút 35 ngàn lao động, đạt  tốc độ tăng trưởng trung bình 40%/năm, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT & TT Lê Doãn Hợp: Tăng tốc phát triển Công nghiệp phần mềm ảnh 1

Trước bối cảnh hội nhập với nhiều cơ hội đang mở ra, PV Báo ĐTTC đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin –Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp (ảnh).

Phóng viên: - Thưa Bộ trưởng, thực tế mục tiêu đặt ra cho phát triển Công nghiệp phần mềm giai đoạn 2001-2005 đã không hoàn thành. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ TT&TT LÊ DOÃN HỢP: - Những mục tiêu đặt ra cho giai đoạn này không đạt được như mong muốn, có nhiều nguyên nhân; trong đó có việc đặt mục tiêu chưa thật sát với điều kiện thực tế kinh tế - xã hội của nước ta thời điểm đó.

Các cơ chế triển khai và sự đôn đốc, chỉ đạo của Nhà nước cũng chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, chúng ta không dự báo được cuộc khủng hoảng công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu giai đoạn 2001-2003 diễn ra vào những năm đầu thực hiện kế hoạch. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế và hạ tầng, tuy nhiên với một ngành công nghiệp rất non trẻ, trong một giai đoạn ngắn những chính sách này chưa thể phát huy tác dụng ngay.

Biện pháp nhằm thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp được thực hiện và triển khai chưa đồng bộ. Các chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp trong nước phần lớn đều có quy mô nhỏ, năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, chưa sản xuất theo quy trình công nghiệp. Thêm vào đó, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cả trên thị trường quốc tế và nội địa. 

Dù vậy cũng phải nhìn nhận Việt Nam thuộc vào nhóm những nước có tốc độ tăng trưởng cao về ngành này so với khu vực và trên thế giới. Hiện tại chúng ta đã có một số doanh nghiệp phần mềm có số nhân lực trên 1.000, có 2 doanh nghiệp đạt chứng nhận CMMI mức 5, (mức cao nhất của quốc tế về quy trình sản xuất phần mềm), hơn 30 doanh nghiệp có CMM bậc 3 hoặc ISO 9001.

Những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của Ấn Độ, Trung Quốc. Điều này khẳng định việc phát triển công nghiệp phần mềm của chúng ta là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể đưa ngành công nghiệp này trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn như mục tiêu đề ra.

-Với thực lực như vậy, những mục tiêu đặt ra trong Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như tổng doanh thu 800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 35%-40%... là có khả thi?

-Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam được Bộ BCVT, nay là Bộ TT&TT, xây dựng khoa học, có sự tham gia đóng góp tích cực của các chuyên gia đầu ngành về CNTT trong và ngoài nước. Những mục tiêu đặt ra trong Chương trình đã được tính toán nghiêm túc, trên cơ sở phân tích cẩn thận các kịch bản phát triển khác nhau và sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về thực trạng ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Theo tôi mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu chúng ta nỗ lực ở mức cao nhất.  

“Nhà nước cần tăng cường nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp phần mềm, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng cường đầu tư cho hạ tầng CNTT, đặc biệt là tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. 

Hiện nay chúng ta đang đứng trước những thời cơ rất thuận lợi để đạt được mục tiêu đó. Nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO, các tập đoàn CNTT đa quốc gia có xu hướng chuyển hướng đầu tư sang những nước có nguồn nhân lực trẻ, giá nhân công hợp lý.

Để biến mục tiêu trên thành hiện thực, Bộ TT&TT đang khẩn trương thực hiện các giải pháp mạnh đã được đề ra trong Chương trình. Bộ cũng đang xúc tiến để sớm cho ra mắt Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số; một cơ quan nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ về quy trình, kỹ thuật và công nghệ; thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, sản phẩm nhằm tạo sự đột phá phát triển cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

-Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay ta có những thuận lợi và thách thức gì phải vượt qua?

- Các doanh nghiệp phần mềm nước ta đang phải cạnh tranh gay gắt với các công ty Trung Quốc, Ấn Độ để tham gia vào thị trường quốc tế. Cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước cũng sẽ quyết liệt hơn. Việt Nam gia nhập WTO sẽ mang lại rất nhiều cơ hội mới trong kinh doanh.

Việc thực hiện các cam kết hội nhập, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào công nghiệp phần mềm tại Việt Nam. Thị trường CNTT thế giới hiện đang hồi phục và phát triển nhanh chóng. Hội nhập cũng bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp trong nước phải đổi mới hoạt động, ứng dụng CNTT nhiều hơn trong sản xuất kinh doanh. Thị trường CNTT do đó sẽ được mở rộng.

Chúng ta cũng có nhiều cơ hội tiếp cận trào lưu thuê gia công (outsourcing) phần mềm và dịch vụ cho các công ty, tập đoàn CNTT ở các nước phát triển. Nhân lực CNTT trên thế giới đang thiếu trầm trọng, đây là cơ hội cho chúng ta tham gia vào thị trường gia công phần mềm toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ TT & TT Lê Doãn Hợp: Tăng tốc phát triển Công nghiệp phần mềm ảnh 2
Lắp ráp máy vi tính tại công ty Allied - TPHCM. Ảnh: Anh Thư

-Thưa Bộ trưởng, vậy ta cần phải làm gì để Việt Nam có thể cạnh tranh ở tầm vóc quốc tế?

-Công nghiệp phần mềm là một ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao đặc thù, trong đó chất xám đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra các sản phẩm. Để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này cần có sự đầu tư thích đáng của cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, các cơ chế chính sách hỗ trợ ổn định, nhất quán; ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư phát triển các khu công nghiệp phần mềm tập trung, các tòa nhà CNTT để tạo mặt bằng đất đai cho các doanh nghiệp phần mềm thuê với giá ưu đãi; đầu tư mạnh để phát triển hạ tầng truyền thông, Internet. Bộ TT&TT hiện đang nỗ lực để đẩy mạnh việc  triển khai thực hiện những giải pháp trên.   

 “Bên cạnh sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tăng cường đầu tư, chủ động, nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, xác định cơ cấu sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm chủ đạo, công nghệ chủ đạo và xây dựng quy trình sản xuất chuyên nghiệp theo chuẩn CMM, CMMI”.

Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường đầu tư phát triển thương hiệu, tìm kiếm đối tác chiến lược, liên doanh liên kết, tạo ra các liên kết ngành (cluster) đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần xác định rõ chiến lược kinh doanh phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay Việt Nam nên tập trung vào dịch vụ làm outsourcing (gia công xuất khẩu) cho nước ngoài, qua đó tiếp nhận công nghệ, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất, từng bước hình thành sản phẩm chủ lực của mình.

- Theo một kết quả khảo sát, mức độ hiểu biết và tham gia vào các chương trình, dự án nhà nước của doanh nghiệp phần mềm trong nước nói chung còn rất thấp. Vì sao và ta phải làm gì?

- Đối với thị trường CNTT nội địa, khách hàng lớn nhất hiện nay là khu vực Nhà nước. Luật đấu thầu đã quy định tất cả các dự án của Nhà nước đều phải đăng thông tin trên Website đấu thầu của Bộ KH-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các doanh nghiệp phần mềm cần theo dõi các trang thông tin này để có thể tham gia dự thầu các dự án CNTT của Nhà nước.

Bên cạnh đó, để có thêm thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường CNTT trong nước cũng như thị trường nước ngoài, Bộ TT&TT đang tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu đầu tư, mua sắm, ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để thông tin cho các doanh nghiệp.

Bộ TT&TT sẽ giao Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam xây dựng và vận hành Cổng thông tin công nghiệp phần mềm nhằm cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ phần mềm Việt Nam cho các doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hoài Trâm (thực hiện) 

Gỡ nút thắt: Thị trường, nhân lực

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 750 doanh nghiệp phần mềm với 35.000 nhân công, trong đó có 150 công ty làm trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm với quy mô khoảng 100 - 150 nhân viên.

Một số doanh nghiệp đã đạt hoặc vượt ngưỡng 1.000 lao động như FPT Software, FPT Information, TMA, PSV... Có hai doanh nghiệp đã đạt chứng nhận chứng chỉ chất lượng quốc tế CMMI mức 5 và hàng chục đơn vị đạt CMM-4, CMM-3 hoặc ISO-9001.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ TT&TT, doanh số thị trường phần mềm trong nước hiện khoảng 240 triệu USD. “Tuy nhu cầu về thị trường CNTT trong nước là rất lớn nhưng thị trường công nghiệp phần mềm vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng” - ông Đường nhận xét.

Về xuất khẩu, theo số liệu từ Hiệp hội DN phần mềm Việt Nam, năm 2006 đạt kim ngạch 90 triệu USD vào các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, giá trị gia công xuất khẩu phần mềm vào thị trường Nhật Bản chiếm ưu thế, mặc dù giá trị hợp đồng thực hiện chưa tới 1% tổng giá trị phần mềm và dịch vụ hàng năm của người Nhật.

Tuy nhiên đối với hai thị trường gia công phần mềm lớn trên thế giới là Bắc Mỹ và châu Âu, các công ty phần mềm Việt Nam đến nay dường như vẫn chưa phá vỡ được thế bế tắc. Nhìn chung các DN phần mềm VN còn ít thực hiện những chuyến đi “gõ cửa” hai thị trường này, hoặc có đi cũng còn rất “rón rén”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm VN đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015 với nhiều giải pháp cụ thể để “đánh thức” tiềm năng của ngành công nghiệp này. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2010, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 35-40%/năm.

Tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 800 triệu USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%. Giải pháp đưa ra là nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm...Hiện nay, nhu cầu nhân lực CNTT Việt Nam đã vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo. Để khai thác các cơ hội đang mở ra trong lĩnh vực này, đến năm 2015 nước ta cần có 1 triệu nhân lực CNTT các trình độ.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Thông tin – Truyền thông cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp xây dựng chuẩn đào tạo CNTT cho các trình độ, chậm nhất trong vòng 5 tháng phải hoàn thành. Chính phủ khuyến khích các  DN mở trường đào tạo về CNTT bên cạnh những trường công lập.

Bảo Minh 

Tin cùng chuyên mục