Chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Tại Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM, những tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư như Intel Products, Jabil Circuit… đều cam kết sẽ nội địa hóa từ 60-70% các nguyên liệu cung ứng cho các dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của mình.

Tuy nhiên, để tham gia được vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu quản lý chất lượng nghiêm ngặt, mang tính quốc tế.

Yêu cầu tiên quyết: chất lượng

Chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Thiết kế phần mềm tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: Hùng Tín

Ông Đinh Quang Thịnh, Trưởng phòng Tổng hợp – hợp tác, Sở Công nghiệp TPHCM cho biết, trong quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010, TPHCM chọn các ngành CNC như điện tử - CNTT, cơ khí chế tạo máy, hóa chất, chế biến tinh thực phẩm… để đầu tư phát triển chiến lược.

Điều đó đòi hỏi các DN của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phải phát triển tương xứng để đáp ứng nhu cầu trên. Đây là một cơ hội cho các DN nội địa. Tuy nhiên họ phải đối mặt với nhiều thách thức vì các công ty lớn luôn đặt ra những yêu cầu rất cao cho các DN cung ứng sản phẩm cho họ.

Nhấn mạnh yêu cầu đối với nhà cung ứng sản phẩm phụ trợ, ông Simon Leong, Giám đốc quản lý nhà cung cấp vật liệu Intel tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi cần những nhà cung cấp sản phẩm đáp ứng được sáu yêu cầu: đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và môi trường; duy trì khả năng kiểm soát, tuân thủ đúng quy tắc ứng xử của Intel và luật pháp của chính quyền sở tại; sản phẩm cần đạt các quy chuẩn chất lượng quốc tế; luôn sẵn sàng cung cấp sản phẩm kịp thời theo yêu cầu; sử dụng CNC và giá cả hợp lý. Intel rất quan tâm đến uy tín của DN, đòi hỏi đối tác phải đảm bảo cung ứng đúng yêu cầu”.

Intel đưa ra đòi hỏi khắt khe: Khách hàng có quyền yêu cầu Intel bảo đảm 100% về chất lượng và số lượng sản phẩm thì Intel cũng có quyền yêu cầu trở lại với đơn vị cung cấp phụ kiện.

Như vậy, DN cung ứng phải luôn chủ động điều chỉnh, dự trữ sản phẩm. Jabil – nhà cung cấp cho các tập đoàn hàng đầu về sản phẩm điện tử  như HP, Canon, Fuji Xeror… cũng đưa ra nhiều yêu cầu cho đối tác cung ứng. Tiêu chuẩn hàng đầu để “thu hút”  là chất lượng sản phẩm và sự sáng tạo trong công nghệ sản xuất, đạt hiệu quả cạnh tranh về chi phí.

Ông Travis Custer – Giám đốc phụ trách nhà cung cấp vật tư tại Việt Nam của Jabil, cho biết họ đang tìm kiếm những đối tác cung ứng các phụ kiện như: bo mạch điện tử, dây nguồn, nhà lắp ráp dây cáp nguồn… nhằm đáp ứng mô hình sản xuất ngay tại khuôn viên của công ty để hạ tối đa giá thành sản phẩm. Jabil sẵn sàng hỗ trợ, nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức để các DN vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội nào cho DN Việt Nam?

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TMA Solutions dường như vẫn còn băn khoăn về năng lực của các DN Việt Nam khi Intel Products hay Jabil Circuit quan tâm sẵn sàng tạo cơ hội tham gia vào vệ tinh hỗ trợ sản xuất linh kiện điện tử. “Đây chính là cơ hội để DN Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu những yêu cầu của các tập đoàn lớn từ đó tự đánh giá khả năng, cơ hội của mình có thể trở thành những nhà cung cấp phụ kiện”.

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn, DN Việt Nam cần phải tự đánh giá đúng được trình độ và khả năng của mình. Nếu như cứ đầu tư thiết bị thật đắt tiền, hiện đại về rồi khẳng định là có đủ trình độ và công nghệ để tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, là sai lầm.

Bà Trương Vân Tiên, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khánh - đơn vị đang cung cấp phụ kiện cho nhiều hãng lớn như Fujitsu, Segis (Đan Mạch), Kimberly Clark (Mỹ)- thú nhận chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với những tập đoàn lớn, hiện đại. Các đối tác của công ty đều đánh giá trình độ kỹ sư Việt Nam không hề thua kém, nhưng do không được tiếp xúc với công nghệ hiện đại, nên họ thường bỡ ngỡ, không biết sử dụng.

Vì vậy, khi được tham gia vào chuỗi cung ứng phụ trợ cho các tập đoàn lớn, là cơ hội để học tập kinh nghiệm, cách quản lý, điều phối. Từ đó, các đơn vị mới có thể vững mạnh, tự đứng trên đôi chân của mình để hình thành một ngành công nghiệp phụ trợ CNC Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Mỹ, Phó trưởng ban quản lý Khu CNC TPHCM cho biết, ngay từ khi được cấp phép đầu tư nhà máy 1 tỷ USD, tập đoàn Intel đã thường xuyên làm việc, thông tin, về việc lựa chọn nhà cung ứng.

Tiêu chí của Intel cũng như các tập đoàn lớn khi tham gia đầu tư sản xuất tại Khu CNC là lựa chọn những đối tác cung ứng phụ kiện địa phương, nhằm hạ giá thành linh kiện. Vì vậy, các DN Việt Nam cần phải nâng mình lên để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó.

Trọng Anh – Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục