Ngân hàng không lãi suất

Người ta khó hình dung được một ngân hàng cho vay không tính lãi, thế nhưng trên thế giới đã xuất hiện một hình thức ngân hàng cho vay  không lãi suất mà cùng chia sẻ lãi hay rủi ro trong kinh doanh với khách hàng.

“Người khôn giúp kẻ khó”

Khởi đầu hình thức ngân hàng không tính lãi được áp dụng ở một số nước châu Á,  trong đó có Indonesia và Malaysia duy trì song song cả hai mô hình truyền thống và phi lãi suất. Các ngân hàng này khởi đầu được thành lập để phục vụ các khách hàng Hồi giáo (cá nhân và tổ chức) nhưng sau đó đã trở nên hấp dẫn do huy động được các khoản tiền gửi và cung cấp các khoản vay không lãi suất cho cả các đối tượng khách hàng khác. Hiện nay, khách hàng của các ngân hàng này trải rộng khắp châu Âu, châu Mỹ và vùng Viễn Đông với khoảng 53 nước.

Đặc thù nổi bật nhất của ngân hàng Hồi giáo là việc không đưa ra lãi suất được định trước đối với khoản cho vay tiêu dùng. Lý do nếu  tính thêm lãi suất sẽ trái với các nguyên tắc Hồi giáo về tính nhân đạo - là người khôn giúp kẻ khó. Những khoản cho vay này thường là cho những người không có các khoản tiền tiết kiệm lớn để đáp ứng nhu cầu đột xuất hoặc không có cơ hội tiếp cận các nguồn cho vay khác.

Đối với các khoản vay nhằm mục đích sản xuất, việc tính lãi suất sẽ không công bằng khi người cho vay được đảm bảo bằng lãi suất, trong khi người sử dụng khoản vay đó lại không hề có đảm bảo nào về quy mô lời hay lỗ phát sinh từ khoản vay. Cũng với cách lý giải này, sẽ là không công bằng khi các tổ chức tài chính thu khoản lãi suất cố định đối với các khoản cho vay được sử dụng cho các đầu tư không chắc chắn có thể đem về các khoản lãi cao.

Chia sẻ với khách hàng

Theo nguyên tắc của mô hình ngân hàng Hồi giáo không lãi suất người cho vay phải cùng chia sẻ khoản lãi hay lỗ phát sinh từ việc làm ăn có sử dụng khoản vay đó. Họ khuyến khích người có tiền đầu tư và trở thành đồng đầu tư để cùng chia sẻ lãi hay rủi ro trong kinh doanh thay vì làm chủ nợ.

Tài chính của mô hình ngân hàng này  được tạo dựng trên niềm tin, cả người cấp vốn lẫn người sử dụng vốn phải cùng chia sẻ các rủi ro kinh doanh, dù đó là hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hay thương mại. Điều này khác hẳn với hệ thống ngân hàng thương mại dựa vào lãi suất, khi mọi áp lực đều đổ lên vai người vay khi họ phải trả khoản vay kèm theo khoản lãi suất định trước bất kể kinh doanh của họ thành công hay thất bại.

Theo nguyên tắc ngân hàng Hồi giáo, tiền chỉ là công cụ trao đổi, là cách để định giá đồ vật; bản thân tiền không có giá trị và do vậy không thể chấp nhận việc tiền tạo ra tiền thông qua việc tính thêm khoản lãi cho vay định trước chỉ đơn giản bằng các đưa tiền đó vào ngân hàng hay cho ai đó vay. Các nỗ lực và sáng kiến của con người, cùng các rủi ro liên quan tới hoạt động sản xuất quan trọng hơn là khoản tiền được dùng để tài trợ hoạt động đó. Do vậy việc mua cổ phần của công ty được khuyến khích.

Một trong những nguyên tắc của ngân hàng Hồi giáo là tài chính không được khuyến khích đầu tư vào các hoạt động hay sản phẩm có hại cho người tiêu dùng, thiếu trách nhiệm xã hội, sản xuất đồ uống có cồn. Một khoản cho vay để đầu tư bất động sản không được dùng để xây dựng sòng bạc, sản xuất và kinh doanh vũ khí và bất kỳ hoạt động phi đạo đức khác và một ngân hàng không được cho ngân hàng khác vay để kiếm tiền trên lãi suất...

Trịnh Ngọc Lan
(Theo tài liệu của TS Ramin Cooper
Maysami - Trường ĐH Bắc Carolina-Hoa Kỳ)

Tin cùng chuyên mục