Ươm chữ trên cao nguyên đá

Ươm chữ trên cao nguyên đá

Tôi gặp họ, những thiếu nữ tuổi thanh xuân -những thầy cô giáo, bằng đam mê, sức trẻ, tri thức đang ngày đêm miệt mài cõng chữ lên núi, ươm mầm tương lai nơi cao nguyên khắc nghiệt của Hà Giang.

Ươm chữ trên cao nguyên đá ảnh 1
Học sinh cấp 1 trường PTCS Tả Lủng trong giờ thể dục. Ảnh: N.T.G

“Chúng mình dạy chữ cũng gian khó như người Mông tra hạt bắp trên nương núi đá vậy” -cô giáo Nhữ Thu Hiền, Hiệu trưởng trường THCS xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ nói với tôi.

 Cái lạnh tháng 3 nơi cửa ngõ cao nguyên sao mà buốt giá đến vậy. Ngôi trường Lùng Tám nằm giữa thung lũng nhưng ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển. Trường được xây kiên cố 2 tầng, có bàn ghế khang trang.

Cô Hiền dẫn tôi đi thăm nơi ăn ở, học tập của học sinh bán trú. Một dãy nhà chừng 70 m2 với những vách liếp bằng cót ép và tre nứa, những tấm gỗ tạp ghép lại để làm giường cho các cháu. Mỗi học sinh có một chiếc hòm nhỏ đựng quần áo, đồ dùng cá nhân và sách vở. Chăn màn các em đem từ nhà đi, nhìn kỹ cũng chỉ là mấy tấm chăn chiên mỏng manh đã cũ. Với những cơn gió cao nguyên này, tôi chắc rằng các em sẽ bị rét.

“Rét cũng phải cố mà học chữ. Biết nhiều chữ mới làm cô giáo được vì cháu thích làm cô giáo lắm” -cô bé Lù Thị Mai, 11 tuổi học lớp 6, đã có 2 năm học ở trường, trả lời những câu hỏi của tôi bằng tiếng phổ thông còn hơi ngọng. Cô bé lễ phép chào rồi chạy ra sân nô đùa với các bạn cùng lớp.

Ở lại trường vào buổi trưa, chứng kiến bữa ăn của các cháu, chúng tôi cảm thấy se lòng. Theo định mức những lớp dân nuôi như thế này, tỉnh sẽ hỗ trợ cho mỗi cháu 100 ngàn đồng/tháng. Còn lại, gạo, củi, rau gia đình phải tự lo thêm cho con em mình. Bữa cơm trưa chỉ có đu đủ xào và rau cải luộc đạm bạc. Với 100 ngàn đồng/ tháng, tính ra một ngày 2 bữa, mỗi bữa các cháu có 1.660 đồng. Cô Hiền tâm sự: “Lo chỗ học hành nơi ở cho các em đã là một sự cố gắng lớn, nhưng lo cho các em ăn no, mặc ấm cũng muôn vàn khó khăn. Giáo viên chúng tôi đang nỗ lực vượt qua khốn khó này”.

Tốt nghiệp ngành toán tin trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, như một duyên nợ với mảnh đất cao nguyên này, Cao Thị Hà tình nguyện lên Hà Giang dạy học. “Như một định mệnh anh ạ, em tên Hà lại làm việc ở Hà Giang. Cái duyên kỳ ngộ, không biết sau này có lấy ai tên là Giang không nhỉ”. Hà lại nhỏ nhẹ: “Liên tưởng đến những điều đó đã làm em cố gắng với nghề rất nhiều anh ạ. Cao nguyên mùa lạnh thiếu nhiều thứ lắm, nào nước, nào áo ấm, thương trò và thương cả mình nữa, cuộc sống nơi đây vất vả đã tạo ra những con người rất chịu khó”.

Khi tôi hỏi Hà có người yêu chưa, cô ấy chỉ cười như cố dấu đi nỗi buồn của tuổi thanh xuân. Tôi hiểu đối với em và nhiều giáo viên nữ khác cùng tuổi, cuộc sống riêng tư còn bộn bề lắm! Nỗi khổ này chẳng thể giãi bày cùng ai được. Nhưng trong thân hình nhỏ nhắn này lại là một ý chí, tâm huyết với nghề. “Tuổi trẻ mà anh, phải cố gắng phấn đấu chứ. Với lại cao nguyên đá và ngành giáo dục nơi đây rất cần những người trẻ nhiệt huyết gắn bó với nghề. Thế hệ mà chúng em đang dạy là tương lai của đất nước mà” -thầy Hiệu trưởng trường THCS Lùng Tám Phạm Vũ Tiệp mới 23 tuổi nói. Làm công tác quản lý ở tuổi như em có gặp trở ngại gì không? -tôi hỏi Tiệp. “Có chứ anh, ngại nhất là đi họp, bởi phải gặp nhiều lãnh đạo hơn tuổi mình, em còn trẻ kinh nghiệm chưa nhiều, cần phải học hỏi rèn luyện thêm”.

Thế mới biết, cao nguyên khắc nghiệt nhường nào! Đến Tả Lủng huyện Đồng Văn mùa này tôi càng cảm nhận được sự kiên cường của cư dân xứ núi. Họ là những “anh hùng” cao nguyên đá. Trên cao nguyên này chỉ đá và đá, nước thì khan hiếm, nông dân phải gùi từng gùi đất trên hốc đá để tra hạt nuôi người. Miền xuôi, cô giáo, thầy giáo đi xe đến trường dạy học. Học sinh miền xuôi đồng phục đẹp, sách vở nhiều. Ở cao nguyên đá, cô giáo đến lớp phải leo dốc, vượt rừng, dạy học trong những căn nhà đơn sơ chênh vênh nơi vách núi. Học sinh miền cao nguyên áo không đủ ấm, đồ dùng học tập thiếu thốn. Sự đối chứng quá khập khiễng chăng? Thầy Nguyễn Thanh Giang tâm sự: Nếu không yêu nghề, yêu trẻ chắc khó lòng ở lại nơi đây. Tập thể trường Tả Lủng với 13 phân hiệu ở các bản làng của xã quyết tâm không để các em thiếu chữ”.

Những con người mà chúng tôi đã gặp đại diện cho hàng trăm giáo viên trên cao nguyên đá này. Hà Giang cái rét tháng 3 âm lịch lại thêm những đợt không khí lạnh tăng cường khiến cho vùng đất này càng hanh khô, xào xạc. Trên đường trở về phố thị, trong tôi vẫn đầy ắp bao hình ảnh về miền đất khắc nghiệt này. Nhưng có lẽ điều làm tôi ấn tượng là những rừng thông xanh tốt trên núi đá tai mèo -tháng ba mùa thông reo! Và hơn cả là những con người -những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; những thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài “cõng chữ” xây đắp tương lai cho những thế hệ trẻ trên cao nguyên đá. Họ chính là những cây thông kiên cường nhất, xanh tốt và đầy sức sống trên miền đất địa đầu của Tổ quốc: cao nguyên đá Hà Giang.

Nguyễn Trường Giang

Tin cùng chuyên mục