Khi gió… “hú”

Khi gió… “hú”

Trong bối cảnh thiếu điện hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu, phát triển sử dụng những nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng gió. Nhưng khi các turbin gió ngày càng to lớn kềnh càng thì số tai nạn nguy hiểm cũng tăng cao.

Làm ẩu và nhiều rủi ro

Turbin gió bị cháy và đổ sụp.
Turbin gió bị cháy và đổ sụp.

Một turbin cao 100 m sau một tiếng nổ kinh hoàng đã bị xô đổ hồi cuối tháng 11-2006 tại vùng Oldenburg (phía Bắc nước Đức). Nó bị một cơn lốc “bứt tung” một cánh quạt dài 10 m rồi ném ra xa 200m. May mắn là không thiệt hại về người.

Đó chỉ là một trong vài vụ gãy đổ turbin gió ở Đức trong vài năm gần đây. Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra 6 turbin cùng loại. 4 turbin được yêu cầu chấm dứt hoạt động vì lý do an toàn. Chúng đều có những dấu hiệu do sản xuất, lắp đặt cẩu thả, nên không đạt độ bền vững trong ít nhất 20 năm như các nhà sản xuất đã hứa. Ví dụ các hộp số giấu trong khung đặt trên đỉnh turbin có tuổi thọ ngắn, thường hỏng trước 5 năm, hoặc những vết nứt dọc động cơ sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn. Các cánh quạt và ổ ngắt điện bị nóng nên có thể gây cháy.

Cung cấp năng lượng gió là lĩnh vực hứa hẹn lãi to nên thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Nhưng cũng từ sự hấp dẫn đó khiến một số người làm ẩu, ít dành thời gian kiểm tra kỹ thuật đối với các turbin gió. Do nhu cầu của thế giới cao, các động cơ phải mất nhiều tháng mới đến tay khách hàng, còn phụ tùng thì rất khó kiếm. Trong khi sản phẩm làm ẩu khiến người ta phải thay ồ ạt và các đơn vị bảo hiểm thiết bị phải bồi thường lớn. Với các nhà bảo hiểm vốn tranh nhau thị trường turbin gió từ những năm 1990, đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro. Trong năm 2006, tập đoàn khổng lồ Allianz đối diện với 1.000 lá đơn kiện tụng. Nhiều công ty rút kinh nghiệm bằng cách yêu cầu các chủ trang trại gió cứ 5 năm phải thay những phần dễ hỏng một lần, như động cơ chẳng hạn, mỗi lần thay tốn khoảng 10% kinh phí xây dựng turbin nên lãi chẳng còn bao nhiêu.
 
Vẫn tiếp tục đeo đuổi

Các turbin yếu ớt ra lò từ các phân xưởng lắp ráp của một số công ty sản xuất, đe dọa công nghệ năng lượng xanh nhiều năm qua được ca ngợi là một thành quả lớn, niềm tự hào của nước Đức. Hồi cuối tháng 7-2007, Hiệp hội Năng lượng gió Đức (BWE) khoe công nghệ turbin gió tăng vững chắc 40% trong năm 2006 và hiện cung cấp việc làm cho khoảng 74.000 người. Đức cũng đi đầu thế giới về năng lượng gió, với hơn 19.000 turbin gió trên toàn lãnh thổ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ cũng tài trợ đáng kể nên năng lượng gió trở thành một kỹ nghệ trị giá 1 tỷ euro chỉ trong vài năm.

Gần đây tạp chí  Erneuerbare Energien chuyên về năng lượng gió đăng tải bài viết: “Doanh số số 1, phục vụ hạng bét”. Bài báo nêu những hậu quả nghiêm trọng dưới dạng “thắc mắc” gởi đến các ủy viên BWE và đề nghị họ phải có thái độ cương quyết hơn đối với các nhà sản xuất turbin gió. Chỉ mỗi công ty Enercon ở Đức được đánh giá “tốt”, do họ sản xuất turbin gió không có hộp số nên loại trừ được một trong những mắt xích yếu nhất trong toàn hệ thống thiết bị. Vậy mà ngành năng lượng gió vẫn tính chuyện sản xuất các turbin lớn hơn nữa.

Bộ trưởng Môi trường Đức Sigmar Gabriel đang tính xây thêm những trang trại gió lớn dọc bờ biển Baltic và biển Bắc, để từ năm 2030 có thể sản xuất tổng cộng 25.000 megawatt. Trong khi Công ty turbin gió hàng đầu thế giới là Vestas của Đan Mạch  đã phải di dời toàn bộ cánh đồng gió ở bờ biển phía Tây Đan Mạch hồi năm 2004, do các turbin này chịu không nổi sức gió biển và điều kiện thời tiết xấu. Những vấn nạn tương tự cũng đã từng xảy ra ở vùng biển Anh vào năm 2005. Do vậy, Đức cũng chẳng thể là ngoại lệ.

Trần Trí
(Theo Spiegel)

Tin cùng chuyên mục