Vi phạm quản lý thuê bao trả trước - Cần mạnh tay xử phạt

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Bộ Công an và 7 mạng thông tin di động vừa có cuộc họp tổng kết 2 năm thực hiện công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Theo Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), hiện nay nhiều đối tượng tội phạm đã lợi dụng dịch vụ điện thoại di động trả trước cho các hoạt động phạm pháp như: dùng SIM trả trước kích nổ mìn tự chế, quấy rối, trộm cước viễn thông…

Tháng 7 vừa rồi, theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ TT-TT ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, 100% thuê bao di động đang hoạt động trên mạng đều đăng ký thông tin. Thế nhưng vẫn còn trường hợp nhà mạng chưa thực hiện xong việc thay đổi thỏa thuận đăng ký thông tin thuê bao.

Tại các cửa hàng trực tiếp của một số doanh nghiệp, nhân viên cũng không đăng ký đủ thông tin của khách hàng như thiếu địa chỉ cấp chứng minh nhân dân (CMND), thiếu ngày, tháng cấp, chữ ký...

Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp là chủ điểm giao dịch được ủy quyền hoặc công ty con thuộc doanh nghiệp đăng ký dưới hình thức là cơ quan với số lượng lớn thuê bao di động trả trước mà chưa kích hoạt. Vi phạm này đều diễn ra ở tất cả các mạng di động. Vào thời điểm nói trên, các cơ quan quản lý cũng đã tự nhận một phần trách nhiệm là đã chậm ban hành quy định về khuyến mãi; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn nặng tính hình thức, chưa xử lý nghiêm. Đặc biệt là dù đã có văn bản quy phạm pháp luật, song thực tế vẫn có kẽ hở nên các chủ đại lý mới lách luật. Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp di động cũng chạy theo lợi nhuận, thiếu trách nhiệm và quyết tâm trong vấn đề này.

Theo số liệu của Vụ Viễn thông Bộ TT-TT, tính đến tháng 4-2010 vẫn còn khoảng 7 triệu thuê bao đăng ký thông tin nhưng chưa kích hoạt (con số này ở Viettel là 4,6 triệu, MobiFone là 2,2 triệu). Trong thời gian qua, các sở TT-TT trên toàn quốc đã thanh tra 26.093 điểm giao dịch, 143.020 đại lý trên toàn quốc và xử phạt hành chính với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã phát hiện 4.821 hợp đồng ủy quyền nhưng không ghi rõ đầy đủ thông tin như ngày tháng, địa điểm của chủ điểm giao dịch...

Thừa nhận còn có những vi phạm về vấn đề này song các mạng di động đều cho rằng cần phải sớm thiết lập cơ sở dữ liệu CMND để có thể xác thực được thông tin thuê bao đã đăng ký. Bên cạnh đó, các mạng di động cũng cần bắt tay nhau để cùng chia sẻ thông tin về những đại lý vi phạm và cùng đầu tư trang thiết bị chung cho đại lý để giảm chi phí và tăng cường hơn việc giám sát các đại lý này…

Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn cho biết, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ TT-TT để tăng cường việc quản lý thuê bao di động trả trước. Trước mắt, Bộ Công an sẽ đôn đốc thí điểm đối soát thông tin cá nhân của những thuê bao trả trước sử dụng CMND do Công an Hà Nội cấp, sau đó sẽ tiến hành tiếp tại Đà Nẵng và TPHCM.

Còn theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp, đã đến lúc các doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Các đơn vị của bộ sẽ làm việc với công an tại 3 TP lớn nói trên để rà soát, đối chiếu cơ sở dữ liệu CMND với việc đăng ký của các thuê bao. Bộ sẽ kiên quyết cắt liên lạc và thu hồi số đối với thuê bao đăng ký thông tin không chính xác. Được biết, sắp tới Bộ TT-TT cũng sẽ nghiên cứu chính sách để hạn chế dần thuê bao trả trước và khuyến khích phát triển thuê bao di động trả sau.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục