Chiếc đồng hồ ấy

Chiếc đồng hồ ấy
Chiếc đồng hồ ấy ảnh 1

Chiếc đồng hồ đã hoạt động liên tục ngót 30 năm nay. Ảnh: MỸ ANH

Chả phải chỉ những người có tuổi, mà cả những người trẻ mỗi khi đi qua khu vực bờ hồ cũng đều ngước lên nhìn chiếc đồng hồ trên nóc bưu điện. Chiếc đồng hồ vuông vuông ấy từ gần ba chục năm nay đã trở thành vật thân thiết của người Hà thành.

Từ ngay sau khi được lắp đặt, chiếc đồng hồ ba mặt này lập tức là “cái rốn của thời gian”, hễ có dịp là ai cũng phải ngó mặt nó bằng được. Từ chị công nhân cọc cạch trên chiếc xe đạp với cạp lồng cơm toòng teng trên ghi đông, đến dăm ba anh bộ đội chờ xe điện, tới mấy bà mấy cô từ ngoại tỉnh kéo về tham quan Tháp Rùa, dù vội vã hay thư thả vẫn cứ ngước lên nóc bưu điện với vẻ vừa tò mò vừa trang trọng.

Có người nhìn đồng hồ xem thời gian, nhưng nhiều người ngó lên không phải để xem giờ mà để chiêm ngưỡng cái đồng hồ nổi tiếng nhất nước kia xem “mặt mũi” nó thế nào. Mỗi khi sắp giao thừa, người Hà thành lại đoàn đoàn lũ lũ đổ về khu vực bờ hồ, mọi con mắt đều hướng lên chiếc đồng hồ để chờ đợi thời khắc chuyển giao năm mới năm cũ.

Vai trò của chiếc đồng hồ trên nóc bưu điện là thế, nhưng sự ra đời và vận hành của nó thì nào phải mấy ai cũng tỏ tường. Chiếc đồng hồ này được lắp năm 1978, thoạt tiên do các chuyên gia Trung Quốc giúp, nhưng chưa hoàn thành thì họ đột ngột rút về nước, thế là chúng ta phải tự mày mò hoàn thiện tiếp. Đồng hồ được đặt trên nóc tòa nhà năm tầng của bưu điện, với trụ cột cao 15 mét. Ba mặt đồng hồ thực ra cũng chính là ba chiếc đồng hồ hoạt động riêng lẻ và được điều khiển bởi một “đồng hồ mẹ” đặt ở tầng một. Nhiều người nhìn chiếc đồng hồ này và ngạc nhiên không hiểu sao tiếng chuông điểm giờ của nó lại kêu vang to đến thế. Điều bí mật nằm ở chỗ: cụm đồng hồ này có 4 dàn loa phóng thanh với tổng cộng 16 chiếc loa.

Phương Tân

Tin cùng chuyên mục