Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội

Sáng 5-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 của thành phố và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội

(SGGPO).- Sáng 5-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 của thành phố và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác về quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài để triển khai đầu tư cũng như quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, đất đai 2 bên tuyến đường theo quy hoạch, tạo dựng một trục đường mới hiện đại, tạo điểm nhấn cảnh quan kiến trúc đô thị cho khu vực; tạo động lực phát triển kinh tế quan trọng cho phía bắc Sông Hồng nói riêng và Thủ đô nói chung. Phương án quy hoạch 2 bên tuyến đường đã được tổ chức thi tuyển quốc tế; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định của Luật.

Hiện hồ sơ quy hoạch chi tiết do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tổ chức lập, cơ bản đã được hoàn thành và lắp đặt mô hình để xem xét, thẩm định, phê duyệt.

Theo đồ án Quy hoạch này, vùng quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có quy mô 2.080 ha, chiều dài toàn tuyến 11,7km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân. Đồ án quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài được lập trên ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, với “xương sống” chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây. Đây là cửa ngõ Việt Nam và thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững với dải phân cách trải dài 2 bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và thành phố Hà Nội xem mô hình Đồ họa quy hoạch xây dựng trục Nhật Tân - Nội Bài

Đồ án quy hoạch phân làm 4 đoạn: đoạn 1 từ sân bay Nội Bài đến đường Vành đai 3; đoạn 2 từ đường Vành đai 3 đến sông Thiếp; đoạn 3 từ sông Thiếp đến đường đê sông Hồng, đoạn 4 là phần còn lại ngoài đê sông Hồng.

Theo đó, Đoạn 1 từ sân bay Nội Bài đến đường Vành đại 3 có diện tích 390,2 ha, dân số khoảng 6.535 người. Trong khu này sẽ gồm đất nông nghiệp chất lượng cao với các trang trại nông sản, cây hoa đặc sản Hà Nội và vùng miền, công viên công nghệ phần mềm kết hợp cây xanh hồ điều hòa Sơn Du; Trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại nông sản; trung tâm thương mại dịch vụ ga Bắc Hồng.

Đoạn 2 từ đường Vành đai 3 đến đầm Vân Trì có diện tích 526,72 ha, dân số 20.291 người, gồm: Trung tâm kho vận, Thương mại dịch vụ nam ga Bắc Hồng, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia- quốc tế; Trung tâm thương mại, dịch vụ, y tế Nam đường Vành đai 3; Trung tâm văn hóa thương mại; Trung tâm dịch vụ ga đường sắt đô thị.

Đoạn 3 từ đầm Vân Trì đến đê Sông Hồng có diện tích 888,3 ha, gồm: Tổ hợp Trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hỗn hợp Phương Trạch bố trí ở phía tây tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài mang tầm cơ quốc tế, trong đó điểm nhấn chính là tòa tháp tài chính cao 108 tầng. Ngoài ra trong đoạn này còn có Công viên kết hợp hồ điều hòa Hải Bối, Công viên Kim Quy tái hiện lại hình ảnh lịch sử thành Cổ Loa, Công viên đầm Vĩnh Thanh, các khu nhà ở tái định cư, nhà xã hội.

Đoạn 4, khu vực ngoài sông Hồng, có diện tích 274,6 ha, dân số 29.620 người, gồm các chức năng chính như Trung tâm triển lãm văn hóa, thương mại dịch vụ cao cấp; Khu đô thị sinh thái - đô thị nước; Công viên Hoa Sen.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị 2 bên đường Nhật Tân - Nội Bài. Cụ thể là phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện; cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư, có đề xuất dự án khả thi, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế xã hội…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục