Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh: Rượu tôi uống là... nước sông(!)

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh: Rượu tôi uống là... nước sông(!)

Tết năm nay (2008) Hà Nội “cháy” taxi. Phần vì trời quá rét, phần vì người ta ăn mặc đẹp nên không ai muốn chụp cái mũ bảo hiểm lên đầu! Đúng mùng 1 Tết, đứng ở vỉa hè một con phố của Hà Nội cả tiếng đồng hồ mà tôi không thể nào vẫy được một chiếc taxi. Đành chịu rét đi Honda ôm đến chúc tết Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh. Lão nghệ sĩ (82 tuổi) này lại kéo tôi đi chúc tết họ hàng.

Cả nhà ai cũng can ngăn vì biết không thể nào vẫy được taxi... mà đi xe ôm thì chịu sao được cái rét thấu xương. Vậy mà, NSND Trịnh Thịnh vẫn kéo tôi ra phố. Một chiếc taxi đang chạy phăm phăm bỗng vòng lại, anh tài xế tuổi trung niên bước ra khỏi xe, mở cửa sau mời chúng tôi lên... Trước khi hỏi chúng tôi đi đâu, anh ta vui vẻ tuyên bố: “Có khách gọi... nhưng thấy bác Trịnh Thịnh thì tôi không thể để bác đứng chịu rét phút nào nữa!”.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh: Rượu tôi uống là... nước sông(!) ảnh 1

NSND Trịnh Thịnh, Tết Mậu Tý 2008.

Thì ra người Hà Nội yêu quý nghệ sĩ Trịnh Thịnh như thế. Những vai hài của Trịnh Thịnh lúc nào cũng đem lại niềm vui cho cuộc sống. Trịnh Thịnh có một vốn văn hóa và một vốn sống phong phú làm bệ phóng cho nghệ thuật của ông mà có lẽ còn ít người biết.

Trước ngày Hà Nội giải phóng 1954, Trịnh Thịnh là một “ông ký” của Ngân hàng Đông Dương (Banque de L’Indochine), anh ký này còn là một cây vợt tennis có hạng lúc đó, từng hạ gục cả các tay vợt Tây đen, Tây trắng! Sau 1954, Ngân hàng Đông Dương ngưng hoạt động, Trịnh Thịnh đẩy xe nước mía trên hè phố Hà Nội.

Cánh tay từng đập những cú bóng hiểm hóc xưa kia càng dẻo dai quay nước mía! Lúc vắng khách giải khát, anh đọc sách. Có thời anh còn ra ngoại thành làm ruộng! Rồi một hôm, một lão nghệ sĩ kịch nói có tên tuổi ở Hà Nội “phát hiện” ra anh và đưa anh thẳng lên sân khấu trong vai chính của một vở kịch Pháp nổi tiếng, vở Topaze. Trịnh Thịnh đã làm “kinh ngạc” giới nghệ sĩ sân khấu thời đó trong vai “Thầy Tú” của vở Topaze.

Trịnh Thịnh đã sống đến tận cùng những buồn vui sướng khổ của nhân dân mà ông yêu quý nên ông đã “sắm” được nhiều vai trong nghệ thuật thứ bảy một cách sinh động. Khi là một ông Củng trong phim Vợ chồng anh Lực, khi là một lão thuyền chài cả đời u uất trong Lời nguyền một dòng sông, khi còn là ông Chú của Thằng Bờm, khi là một ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh...

Chính ông đã có lần tâm sự với tôi: “Tôi xuất hiện không phải để hài, mà để gửi gắm tâm trạng bi hài của tôi, của một cõi người đến những cõi người! Khi đã xuất hiện trong nhiều vai hài, hễ thấy mặt tôi trên phim là khán giả đã cười! Vì thế với vai ông lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông, nếu tôi xuất hiện mà khán giả cười thì... thất bại!”. Người xem phim VN thập niên 90 hẳn không quên thành công lớn của Trịnh Thịnh trong vai “bi” đó. Cái gì đã làm nên tài năng đa dạng của một diễn viên điện ảnh như Trịnh Thịnh nếu không phải là vốn sống phong phú và sự khổ luyện của ông.

Nhân đầu năm mới, nhớ lại chuyện cũ, tôi hỏi ông: “Cả đời không uống một giọt rượu, vậy mà “cụ” đóng vai ông lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông uống rượu say giỏi quá!”. NSND Trịnh Thịnh trợn mắt: “Làm gì có rượu mà uống, lúc đó uống nước... sông!”. Tôi ngạc nhiên: “Sao kỳ vậy?”. Ông giải thích: “Diễn đi diễn lại cảnh uống rượu trên thuyền; hết cả nước uống, đang ở giữa sông, bí quá... phải múc cả nước sông lên... uống rượu!”.

Lê Phú Khải

Tin cùng chuyên mục