Đường vô Mường Ải

Đường vô Mường Ải

Tháng 9-2012, khi vượt cung đường tắt vào đồn biên phòng A Nông thuộc huyện biên giới Tây Giang tỉnh Quảng Nam - theo Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng Quảng Nam giới thiệu - là “đường mòn Hồ Chí Minh nguyên thủy”, xe chúng tôi bị mắc kẹt, suýt lật bởi mặt đường quá xấu. Vậy mà, khi nghe tin chúng tôi sẽ đi vào đồn biên phòng Mường Típ, thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An để trao trang thiết bị đồ dùng sinh hoạt cho các em học sinh một trường nội trú trong đó, Trưởng ban Vận động quần chúng BCH Biên phòng Quảng Nam, đã thốt lên: “Đường sá đây xấu vậy nhưng so với ngoài đó thì khó khăn ở đây chỉ là “con cháu” thôi anh chị ạ”.

Từ TP Vinh lên huyện lỵ Kỳ Sơn gần 300km, đi xe mất già một buổi. Trước khi lên đường, Phó Chính ủy BCH Biên phòng Nghệ An Nguyễn Việt Hà đã thông báo tình hình là đường vào Mường Ải xe hơi không thể đi được. Nếu không có mưa lũ gây sạt lở thêm nữa thì đoàn sẽ đi vào bằng xe máy…

Chiều 19-9, chúng tôi đến Mường Xén ngủ lại. Đồn biên phòng Mường Típ đã cử 7 sĩ quan đi xe máy ra đón và thông tin cho biết đường thông, chỉ mất gần tiếng đồng hồ từ trung tâm xã Mường Típ là ra đến thị trấn Mường Xén. Phó Chính ủy Hà bảo như thế là tốt. Nếu đêm nay không mưa thì sáng mai chúng ta đi thuận lợi.

Không ngờ đêm ấy, ông trời muốn thử thách quyết tâm của chúng tôi nên mưa như trút. Nằm trong nhà khách ủy ban huyện nghe tiếng nước đổ từ trên núi xuống ào ào rền rĩ tới sáng, cả khi mưa tạnh, Phó Chính ủy Hà thực sự lo ngại. Anh vừa có nhiệm vụ đại diện BCH trong lễ bàn giao công trình, vừa phải lo bảo đảm an toàn cho chúng tôi, nhất là chị em phụ nữ.

Mới hơn 6 giờ sáng, sau khi hội ý với các sĩ quan tài xế và điện thoại cho ban chỉ huy đồn tham khảo tình hình đường đi, anh thông báo với tôi: “Không ai biết diễn biến trận mưa đêm qua đối với tuyến đường như thế nào. Nếu thận trọng thì không đi. Nhưng chẳng lẽ chúng ta đã lên đến đây mà bỏ cuộc? Do vậy, nếu các anh chị đồng ý, chúng ta cứ đi, đến khi nào không đi được nữa thì quay trở lại”. Tôi hỏi các thành viên trong đoàn và nhận được quyết tâm: Cứ đi!

7 giờ sáng, 7 xe máy chở 14 người xuất phát. Xe bon trên đường 7 về hướng cửa khẩu biên giới Nậm Cắn khoảng hơn 1km thì rẽ trái. Con đường cấp phối lô nhô đá củ đậu, sau trận mưa đêm nước đọng loang lổ. Tôi hỏi Lầu Bá Nênh, trung úy, người dân tộc Mông, lái xe chở tôi: “Đường thế này cũng đi được đấy chứ?”. Chưa đâu chú ạ, vào trong đó có mấy đoạn xấu lắm!

Quả nhiên, chỉ vài phút sau đã gặp sự cố: một xe tải bị sa lầy. Con đường trước mặt là một vũng bùn sền sệt. Chiếc xe tải sa lầy kẹt cứng ở giữa. Xe máy và người đi bộ phải lách qua hai bên rìa. Nếu không thực nghiệm trước, chắc không xe máy nào dám qua vì không biết bên dưới lớp bùn bền sệt ấy có cạm bẫy nào không. Tôi đề nghị xuống xe đi bộ cho an toàn nhưng Nênh trấn an: “Chú cứ ngồi yên, khi nào không đi được thì cháu bảo”.

Dốc Xốp Phong - “trọng điểm” cuối cùng trước khi tới đồn Biên phòng Mường Típ. Ảnh: VIỆT NGA

Dốc Xốp Phong - “trọng điểm” cuối cùng trước khi tới đồn Biên phòng Mường Típ. Ảnh: VIỆT NGA

Hai bánh xe máy ngập trong bùn một quãng dài. Tôi nhìn nét mặt các thành viên trong đoàn, tất cả tỏ ra hào hứng như vừa vượt qua một thử thách. Xe lại tiếp tục lăn bánh vào bản Cánh (xã Tà Cạ). Đường xấu vì bùn nhão và lổn nhổn ổ voi nhưng xe vẫn đi được với tốc độ khoảng 10 - 12 km/giờ. Nhưng qua cầu treo khu vực bản Cánh thì thực sự mới là… vật lộn.

Con đường độc đạo quanh co uốn lượn, lên dốc xuống đèo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là lưu vực sông Nậm Mộ sâu hút, nếu được đầu tư sẽ là con đường đẹp. Nhưng từ con dốc qua bản Cánh trở đi, trận mưa đêm qua đất đá trên núi đổ xuống thành nhiều đống sát mép vực, nước từ thượng nguồn đổ về ngoạm vào taluy âm khiến nền đường nứt ra, lún xuống cả tấc.

Cứ đến mỗi điểm tắc như vây, chúng tôi lại xuống đi bộ. Nói là đi bộ cho oai chứ thực chất là phải tham gia khiêng xe, đẩy xe, kéo xe. Chỗ thì người trước bắt bánh trước nhấc lên, người sau đẩy. Chỗ thì người lái nắm tay lái đi thụt lùi, người sau khom lưng ghị lại. Có chỗ, cả đất đá, cả cây đổ chắn lối, 2 người không khiêng được thì 3 - 4 người xúm lại, khiêng lần lượt hết xe này đến xe khác. Cũng may là đông nhân lực nên việc khiêng, đẩy, kéo dành cho cánh đàn ông, phụ nữ được rảnh tay chụp ảnh.

Vượt qua điểm sạt lở thứ 20. Ảnh: A. THƯỞNG

Vượt qua điểm sạt lở thứ 20. Ảnh: A. THƯỞNG

Nhưng ngay cả đi bộ trên các đoạn sụt lở ấy cũng bất an. Nhìn xuống chân, thấy chỗ đất sụt xuống như rung rinh. Nghĩ dại, ngộ nhỡ đất dưới chân tiếp tục sụt rồi đổ ập xuống dòng Nậm Mộ chảy xiết dưới kia, không biết sẽ ra sao. Tôi mà biết đường xấu thế này thì chắc chắn để mấy phụ nữ ở lại ngoài thị trấn Mường Xén. Cánh đàn ông chân khỏe tay mạnh, nhỡ có gì, đỡ ân hận…

Khoảng 10 giờ, đoàn vào đến trạm kiểm soát biên phòng Tha Đo. Nhìn bóng áo xanh biên phòng, tưởng đã vào đến nơi, ai nấy thở phào. Nhưng Nênh bảo: “Còn khoảng 10 cây số và 2 “chướng ngại vật” nữa mới đến đồn chú ạ. Không sao, đến đây là coi như đến nơi vì nếu khó khăn quá thì đồn huy động anh em ra cùng khắc phục chú ạ”.

Thôi thế cũng được. Chịu khó một lát nữa, chúng tôi sẽ đến nơi, để có thể tự hào rằng mình đã đến được vùng sâu vùng xa nhất trong những vùng sâu vùng xa trên biên giới. Chỉ tội hai cái gác chân xe không chịu nổi sức nặng của tôi trên những quãng dằn xóc nên đã bị bẻ gập xuống. Tôi hỏi thăm sức khỏe các thành viên trong đoàn? - Đang ổn! Ai cũng trả lời vậy tuy trên gương mặt phấn khích vẫn thoáng chút mệt mỏi, âu lo.

11 giờ 15, sau 4 giờ 15 phút hành trình vượt hơn 40km, chúng tôi vào đến địa điểm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nậm Típ - nơi tổ chức trao lễ trao trang thiết bị đồ dùng sinh hoạt cho học sinh ký túc xá nội trú của trường. Toàn thể học sinh cơ sở Mường Ải, các thầy cô giáo, Ban Giám hiệu nhà trường và đại diện chính quyền địa phương cùng các sĩ quan chỉ huy Đồn biên phòng Mường Típ đã tề tựu.

Thấy chúng tôi xuất hiện, trên nét mặt mọi người dãn ra như thể vừa trút được một gánh nặng… “Tưởng các anh chị không thể vô được, tội cho các thầy cô và các em học sinh háo hức chờ đợi cả mấy ngày nay”, thầy Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng nhà trường, nắm chặt tay tôi, nói. 

NGUYỄN ĐỨC

Công ty CP Sáng Ban Mai và Công ty CP Thiết bị y tế Việt Thắng
Ủng hộ máy phát điện và xe gắn máy cho Mường Ải (Nghệ An) 

Ngay sau chuyến đi trao quà của nhà tài trợ PepsiCo Việt Nam tại Mường Ải trở về, trước những khó khăn của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nậm Típ, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã trao đổi với một số mạnh thường quân.

Chưa đầy 1 tuần sau, vào đầu tháng 10 vừa qua, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã nhận được cam kết tài trợ của hai đơn vị: Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Thắng (Nghệ An).

Công ty CP Sáng Ban Mai đăng ký tài trợ 1 máy phát điện hiệu SBMPOWER có công suất 5,5kVA, trị giá 22 triệu đồng tặng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nậm Típ (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Đây là trường cấp 2 duy nhất ở xã Mường Ải, có 400 học sinh, trong đó 120 em ở nội trú vì nhà xa trường.

Công ty CP Thiết bị y tế Việt Thắng đăng ký tặng một xe gắn máy trị giá 20 triệu đồng cho Đồn Biên phòng Mường Típ, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là đồn nằm trong địa bàn có đường sá hiểm trở, đi lại khó khăn. Xe máy là phương tiện thuận tiện nhất để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, nhất là trong mùa mưa lũ.

V.NGA

Tin cùng chuyên mục