Nghĩa tình trả mãi

Tri ân Trường Sơn là quyết tâm của cả dân tộc
Nghĩa tình trả mãi

Giao lưu nghệ thuật tổng kết chương trình Nghĩa tình Trường Sơn

Tối 10-11, tại Nhà hát Bến Thành TPHCM, Báo SGGP, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức giao lưu nghệ thuật tổng kết chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, với sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Đến dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Lê Thành Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB TPHCM; Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền và Thiếu tướng Nguyễn Phước Lợi, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh, thành dọc đường Trường Sơn; các cựu chiến binh, cựu TNXP đã từng chiến đấu, phục vụ tại đường Trường Sơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chúc mừng tập thể Báo SGGP và 2 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Ảnh: An Dung

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chúc mừng tập thể Báo SGGP và 2 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Ảnh: An Dung

Tri ân Trường Sơn là quyết tâm của cả dân tộc

Lên sân khấu trong chiếc áo khoác rộng thùng thình, ông Hồ Uôi (đến từ Làng Ho, Quảng Bình) tần ngần xúc động, chậm rãi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình mà nghe giọng rưng rưng: “Người làng Ho mừng lắm, nay ai cũng có nhà, có nơi che nắng che mưa, bão vào, lũ dữ không còn sợ nữa rồi”. Đôi hốc mắt hõm sâu, giọng nói ngập ngừng do không rành tiếng Kinh nhưng trong giọng nói của ông vẫn thấy rõ chất hào sảng của núi rừng Trường Sơn.

Ông nói: “Được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm; được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và các nhà tài trợ xây cho những mái nhà, còn niềm vui nào hơn. Tôi tới đây, mang cả tình cảm của người dân làng Ho quê tôi, của bà con Vân Kiều, mong có mãi những chương trình như Nghĩa tình Trường Sơn để mái nhà vững chãi hơn, trẻ con được đến trường, người già được khám bệnh”. Biết ông Hồ Uôi lần đầu về thăm TP mang tên Bác, người dẫn chương trình hỏi vui ông có cảm tưởng như thế nào. Vẫn với chất hào sảng ấy, ông Hồ Uôi trả lời rõ ràng: “TP mang tên Bác rộng lắm, nhà nhiều lắm, như núi đồi Trường Sơn vậy, dân cư tấp nập, phấn khởi lắm…”.

Được mời lên sân khấu giao lưu cùng khán giả chương trình, CCB Trường Sơn Đàm Xuân Dẻn (đến từ tỉnh Bình Phước), không quên cầm túi quà kỷ niệm của chương trình lên sân khấu, lui cui cất vào một góc rồi mới tìm đến ghế ngồi. “Lần đầu tiên trong cuộc đời, được lên sân khấu, tôi run lắm. Bây giờ ngồi đây nhìn xuống, thấy cũng bớt bớt, tạm ổn rồi”, ông Đàm Xuân Dẻn nói.

Là CCB Trường Sơn, cũng như nhiều người lính khác, hòa bình lập lại, trở về quê nhà, ông Dẻn chỉ có hai bàn tay trắng. 38 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông Dẻn vẫn nghèo, vợ bị bệnh khớp không làm được gì, các con lam lũ, người làm nông, người làm mướn. Vậy nên, khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tặng ông căn nhà mới, ông rất xúc động. Ông Dẻn chia sẻ trên sân khấu: “Tôi không dám nói nhà mình nghèo, mà chỉ dám nói nhà mình khó khăn, bởi xung quanh còn nhiều đồng đội khó khăn hơn tôi nhiều. Có cái nhà mới che nắng, che mưa, không còn lo gì nữa, giờ cha con tôi sẽ nỗ lực vượt khó…”.

Các đơn vị tài trợ, cá nhân được trao tặng nhà tình nghĩa giao lưu tại chương trình. Ảnh: AN DUNG

Các đơn vị tài trợ, cá nhân được trao tặng nhà tình nghĩa giao lưu tại chương trình. Ảnh: AN DUNG

“Nghĩa tình không chỉ là phong trào uống nước nhớ nguồn đơn thuần mà là cách tri ân của lớp trẻ chúng tôi đối với cha ông đi trước, phải sống xứng đáng với những gì mà Tổ quốc đã trao cho tuổi trẻ hôm nay”, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank chia sẻ tại chương trình. Ngay từ khi mới khởi động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (tháng 7-2009), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã quyết định đồng hành cùng chương trình với số tiền 40 tỷ đồng. Lý do, rất đơn giản, theo ông Nguyễn Hòa Bình - một CCB Trường Sơn: “Trường Sơn, là xúc động, là cảm xúc dâng trào. Tri ân Trường Sơn là thể hiện quyết tâm của cả dân tộc. Và chúng tôi vinh dự được thực hiện sự quyết tâm ấy”.

Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương - VietinBank, đơn vị tài trợ giai đoạn 2 của chương trình với số tiền 52 tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng, nhìn nhận: “Chúng tôi đến với chương trình này với cái tâm trong sáng, nói là làm và làm thật”. Với cái tâm ấy, VietinBank đã chung tay chia sẻ với cộng đồng, không chỉ với Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP mà còn đến với những vùng đất, chia sẻ với những con người hoàn cảnh ngặt nghèo với tổng số tiền tài trợ lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.

“Lửa” Trường Sơn vẫn cháy

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng biên tập Báo SGGP, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, điểm lại kết quả của chương trình. Đồng chí khẳng định: “Chúng tôi tự hào về những thành công đã đạt được và thành công đó có vai trò quan trọng quyết định của “tinh thần Trường Sơn”. Chính truyền thống Trường Sơn năm xưa đã khiến những con người hôm nay dễ dàng xích lại gần nhau, vượt qua mọi khó khăn trong việc thực hiện đền ơn đáp nghĩa Trường Sơn. Trong hành trình mang đậm ý nghĩa nhân văn này, Báo SGGP đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thành ủy, UBND TPHCM; của cấp ủy, chính quyền các địa phương có dự án, công trình. Thành công đó cũng không thể tách rời sự hỗ trợ của các nhà tài trợ”.

Ban Biên tập Báo SGGP, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã nỗ lực cao nhất để chương trình phát triển đúng mục tiêu đề ra, góp phần với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ, chăm lo cho đồng bào nghèo ở các địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, góp phần xây dựng đất nước. Đồng chí Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh: “Hy vọng rằng Trường Sơn sẽ mãi trong tim chúng ta. Vùng đất và những con người Trường Sơn huyền thoại sẽ không bao giờ lẻ loi trong hành trình phát triển của mình. Tổng kết chương trình nhưng chúng tôi mong mỗi nén tâm nhang mà chúng ta cùng thắp lên cho Trường Sơn hôm nay sẽ cháy mãi”.

Trao tặng nhà tình nghĩa cho CCB Trường Sơn. Ảnh: PHÚ KHUYNH

Trao tặng nhà tình nghĩa cho CCB Trường Sơn. Ảnh: PHÚ KHUYNH

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo SGGP đã xây dựng và thực hiện tốt chương trình đầy tính nhân văn này, góp phần nhắc nhớ Trường Sơn đến các tầng lớp nhân dân, tạo được dấu ấn đậm nét. Đồng chí cũng đánh giá cao và cảm ơn các nhà tài trợ như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và nhiều nhà tài trợ khác, tuy tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nhưng vẫn trích một phần lợi nhuận để tham gia, đồng hành cùng chương trình.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo TPHCM mong rằng kết quả đạt được của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn không chỉ nằm trong những con số mà báo cáo tổng kết đã nêu, mà đó còn là sự khơi gợi tinh thần “Vì một Trường Sơn vinh quang trong chiến tranh, phát triển trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc”  trong tương lai gần”.

Từ những kết quả đáng trân trọng trong suốt hơn 4 năm qua, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã tạo thành phong trào rộng lớn, cả nước cùng vào cuộc hướng về Trường Sơn huyền thoại. Đúng như lời mà các thế hệ các anh đi trước thường nói: “Nghĩa tình trả mãi không thôi”…

Một tiết mục văn nghệ trong đêm giao lưu nghệ thuật.

Một tiết mục văn nghệ trong đêm giao lưu nghệ thuật.

THẠCH THẢO - ÁI CHÂN


Lời cảm ơn

Sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã thành công tốt đẹp, tạo nên sức lan tỏa rộng trong xã hội với tổng số tiền cam kết tài trợ của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân lên đến hơn 138,358 tỷ đồng.

Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xin chân thành cảm ơn hai đơn vị tài trợ chính là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tài trợ 43,9 tỷ đồng (giai đoạn I) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), tài trợ 52 tỷ đồng (giai đoạn II). 

Ban Tổ chức cũng xin cảm ơn một số tổ chức, đơn vị tài trợ khác: Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 10 tỷ đồng; Công ty PepsiCo Việt Nam (hiện nay là Công ty Suntory PepsiCo): 5,318 tỷ đồng; Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO): 5 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank): 4 tỷ đồng; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): 3 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: 2 tỷ đồng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX): 1 tỷ đồng; Tổng Công ty cổ phần Phong Phú: 1 tỷ đồng; Quỹ Thiện Tâm: 1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Quê Hương: 1 tỷ đồng; Trung tâm Thông tin di động Khu vực II: 456 triệu đồng…

Ngoài các tổ chức, doanh nghiệp, chương trình còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều cá nhân như: cô Karishma Annan: 112 triệu đồng; nghệ sĩ Fan Yang: 70 triệu đồng; ông Vũ Hồng Dụ: 45 triệu đồng; bà Chu Thị Bình: 45 triệu đồng; ông Lê Công Minh và gia đình: 12 triệu đồng; bà Phan Thị Bích Hậu: 10 triệu đồng; bà Lê Hạ: 10 triệu đồng; ông Phan Văn Duy: 10 triệu đồng; các cựu chiến binh tham gia đoàn “Trở lại chiến trường xưa” và một số cá nhân ủng hộ xây dựng bia tưởng niệm ở Lằng Khằng: 57 triệu đồng…

Để tổ chức thành công lễ tổng kết và Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nghĩa tình Trường Sơn ngày 10-11, ban tổ chức chân thành cám ơn sự đồng hành của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và hai đơn vị tài trợ chính: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, cùng sự hỗ trợ của các đơn vị: Công ty cổ phần Quê Hương, Công ty Suntory Pepsico Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Công ty 28, Nhà hát Bến Thành, Khách sạn Rex …

Ban Tổ chức Chương trình
Nghĩa tình Trường Sơn, Báo SGGP


Một số công trình đã thực hiện

- Xây dựng và bàn giao 1.351 nhà tình nghĩa tại 44 tỉnh, thành trị giá 49 tỷ 975 triệu đồng.

- Xây dựng và khánh thành 2 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn với kinh phí 21 tỷ đồng tại các trọng điểm: Bến Phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị). Chuẩn bị khởi công đền tưởng niệm liệt sĩ tại cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) trị giá 15 tỷ đồng.

- Xây dựng và trang thiết bị cho 17 trạm xá tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An và Ninh Bình trị giá 20,5 tỷ đồng.

- Xây dựng mới Bản Văn hóa Di tích lịch sử Làng Ho (Quảng Bình) - di tích lịch sử, căn cứ đầu tiên của bộ đội Trường Sơn Đoàn 559 - trở thành Làng văn hóa dân tộc Vân Kiều kiểu mẫu trị giá hơn 3 tỷ đồng.

- Trao tặng hơn 2.000 suất học bổng, trị giá gần 4 tỷ đồng.

- Xây dựng một điểm trường mầm non Hoa Pơ Lang tại tỉnh Đắk Nông trị giá 1 tỷ đồng; một trường tiểu học tại thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trị giá 3 tỷ đồng.

- Cứu trợ bão lụt và tặng quà tết đồng bào miền Trung, Tây Nguyên 1,5 tỷ đồng.

- Xây dựng 2 cầu nông thôn ở Long An 170 triệu đồng; trao tặng 149 ti vi cho các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng, Long An, Thừa Thiên - Huế trị giá gần 300 triệu đồng.

- Trao tặng 4 phòng máy vi tính cho các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Nam Định trị giá 400 triệu đồng.

- Xây bia tưởng niệm liệt sĩ tại Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn (CHDCND Lào) trị giá 146  triệu đồng…

- Nối dài chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hiểu thêm về đường Trường Sơn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc, Báo SGGP phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sản xuất bộ phim ký sự 60 tập Trở lại Trường Sơn huyền thoại, phát sóng trên kênh HTV7 Đài Truyền hình TPHCM trong năm 2012 và phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản sách ảnh Trường Sơn hôm nay.

Tin cùng chuyên mục