Nhà văn Trang Thế Hy: Với văn chương, tôi là người tình đắm say và... hờ hững!

Nhà văn Trang Thế Hy: Với văn chương, tôi là người tình đắm say và... hờ hững!

Chúng tôi ngồi bên ông trong chái lá tuyềnh toàng. Không gian Bến Tre dịu dàng mùi hoa bưởi. Nắng hè ửng một màu cam kêu than giữa cơn mưa rây rây của “tháng sáu trời mưa... trời mưa không dứt!”. Ông lặng phắc nhìn ly rượu đầy trong tay còn chúng tôi nhìn ông cầm ly rượu cạn trong bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Trung - những đường nét cũng lặng phắc. Như nhà văn Trang Thế Hy vừa có một giây để uống cạn và hoạ sĩ bắt kịp một giây ấy để lia chỉ một nhát cọ mà nhà văn đã “nhập” vào tranh!

* Bức chân dung này Nguyễn Trung vẽ tặng tôi đã lâu. Tôi nghĩ Nguyễn Trung đã “nhìn thấy” tôi rõ nhất. Nhà chật hẹp, không có chỗ nào treo tranh được.

Nhà văn Trang Thế Hy: Với văn chương, tôi là người tình đắm say và... hờ hững! ảnh 1

Nhà văn Trang Thế Hy. Ảnh: THÙY DƯƠNG

* Nhiều tấm carvisit phải oằn vai gồng gánh bao nhiêu là “nhà”. Ông là nhà văn, lại làm thơ và từng là nhà báo. Ông thích “nhà” gì nhất?

* Có lẽ tôi thích “nhà tôi” nhất! Một ngôi nhà còm cõi, gầy hao sau chừng đó năm tháng lặng lẽ buồn nhìn tôi ra đi và lặng lẽ vui thấy tôi trở về.

* Khi ngồi trước trang giấy, ông nhắc mình điều gì?

* Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến.

* Theo ông nhà văn và nhà báo có điểm nào riêng, chung?

* Điểm chung: lương tâm. Điểm riêng: tùy hoàn cảnh, nhà báo có thể viết lập lờ hai mặt - ví dụ làm báo công khai trong lòng địch. Nhưng nhà văn không thể như vậy.

* Theo ông, điều cần có của một nhà báo là gì?

* Tôi e rằng mình không thể trả lời... (im lặng)...

* Trở lại chuyện văn chương, ông từng nói rằng mình chưa thật sự là nhà văn. Ông khiêm tốn hay ông không ham nổi tiếng?

* Giả bộ khiêm tốn cũng lố bịch như giả bộ yêu mến! Còn nói không ham nổi tiếng là nói dối! Tôi ham có chừng mực, ham trong biết phận mình. Trong giới hạn của sự “biết phận mình” ấy, tôi thấy mình chưa thực sự là nhà văn! Một nhà văn – như tôi nghĩ - phải dành cho người – tình - văn - chương một tình yêu thủy chung và đắm say theo đuổi. Với văn chương, tôi là một người tình thủy chung nhưng hờ hững!

* Nên hiểu “hờ hững” như thế nào? Một mối tình si nhưng không phảng phất ý tưởng chiếm đoạt?

- Hờ hững hàm chứa vương vấn, bịn rịn, lòng vẫn biết không thể sống trọn vẹn cho nhau nhưng không thể đành lòng dứt bỏ - Một tình yêu không mãnh liệt nhưng đến chết... vẫn còn yêu.

* Nhiều người tiếc Trang Thế Hy viết không nhiều...

* Tôi không yêu văn chương đủ như Roméo có thể chết vì Juliette. Người – tình – văn – chương độc chiếm trái tim tôi nhưng nếu người ta có thể giành cả đời viết văn, làm thơ... để nồng nhiệt tỏ tình với nàng thì tôi tuy rất yêu nhưng - nhiều khi - chỉ nghĩ về nàng! Ai cũng hiểu văn chương là nghệ thuật ngôn từ - chỉ nghĩ thôi thì tác phẩm chưa được sinh thành. Bởi vậy nói tôi chưa thực sự là nhà văn là tôi đã rất “biết phận mình”!

* Đối với ông mục đích viết văn là gì?

* Là tu thân, là đương đầu với nỗi buồn trong thế thượng phong. Các gánh hát về làng quê thường phát loa dọc các bến sông: “Tối nay gánh hát chúng tôi sẽ trình diễn vở tuồng... Xin mời bà con đến coi, trước mua vui, sau làm nghĩa”. Tại sao trước mua vui? Vì cuộc sống vốn đầy nỗi buồn. Xin đừng gắn cho văn chương những lời hoa mỹ, to tát kiểu như “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Đối với tôi, văn chương mà có tác dụng “giảm đau” đã là quý lắm rồi! Văn chương còn lại gì trong lòng người nếu nó không giúp người ta nhìn thẳng vào nỗi buồn nhưng không chết chìm mà được “giảm đau” để vượt lên nỗi buồn và tồn tại?!

* Điều gì đối với ông là nỗi ân hận lớn nhất, là nỗi sợ lớn nhất?

* Ngày xưa ... xưa lắm... có một người bạn thân hỏi tôi: “Khi một nhà văn bị lăng nhục mà tự mình không bảo vệ nổi mình thì nhà văn còn cái gì nữa?”. Tôi buột miệng trả lời” “còn cái chết”... Và đó là điều tôi ân hận nhất... (thẫn thờ nhìn vào ly rượu còn đầy nguyên)... Còn sợ? Tôi chưa bao giờ sợ chết. Thần chết cứ điểm danh tôi khi nào ông ta muốn. Tôi sợ sự già nua. Nói như nhà thơ Erenbua: “Học làm người già là một khoa học đầy khó khăn!”.

Trong buổi sáng có nắng, mưa, hương hoa bưởi ấy, nhà thơ Cát Hoàng (Bến Tre) đọc cho chúng tôi nghe một truyện ngắn ông viết 50 năm trước. Những rung động say đắm cách nay nửa thế kỷ tràn ngập vào lòng chúng tôi. Ba đứa “lặng phắc”. Một đứa khóc vùi vì thấy mình “trong tấm kiếng của Trang Thế Hy” từ chữ đầu đến chữ cuối: Tình yêu mãnh liệt và ước mơ chỉ một ngày có nhau phải ký chuyển vào kiếp sau. “Hiện tại là gì?”. Câu hỏi “em” vừa thốt xong đã thành quá khứ. Nhân loại liên tục làm ra quá khứ, đắm mình trong quá khứ...

Phải chăng “hờ hững” là cách duy nhất để tình yêu giành cho nhau còn mãi?!

Một tình yêu “ám ảnh” suốt đời! 

NGUYỄN THỊ KỲ - PHƯƠNG YẾN

Tin cùng chuyên mục