Giáo dục đại học ở Việt Nam - Cần chính sách thích hợp

Ngày 22-12, tại cuộc Hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học ở Việt Nam”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng giáo dục ĐH thời gian qua có nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: Lượng và chất, xã hội hóa đến đâu, thương mại trong giáo dục có hay không, học phí như thế nào, quản trị tài chính ra sao, và nhất là vấn đề tự chủ được giải quyết ra sao…? Đó là những vấn đề chính yếu được đặt ra trước các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý để trình Quốc hội trong năm 2010.
Giáo dục đại học ở Việt Nam - Cần chính sách thích hợp

Ngày 22-12, tại cuộc Hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học ở Việt Nam”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng giáo dục ĐH thời gian qua có nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: Lượng và chất, xã hội hóa đến đâu, thương mại trong giáo dục có hay không, học phí như thế nào, quản trị tài chính ra sao, và nhất là vấn đề tự chủ được giải quyết ra sao…? Đó là những vấn đề chính yếu được đặt ra trước các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý để trình Quốc hội trong năm 2010.

Kinh tế giáo dục: Trống vắng cơ sở lý luận

TS Cao Đắc Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tự động hóa Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng: Chúng ta cần xác định giáo dục ĐH phục vụ ai và ai là khách hàng. Chúng ta không nên dùng tư duy cũ để áp đặt nữa khi đã hội nhập và phải xác định người học là khách hàng và họ được quyền chọn lựa khi quyết định mua, sử dụng sản phẩm. Khi xác định được mục tiêu của giáo dục là khách hàng thì phải làm cho tốt mới có người mua, người sử dụng. Cho nên, chúng ta phải đặt vấn đề tận gốc thì mới giải quyết được vấn đề của giáo dục ĐH hiện nay. Vì vậy mục đích của hội thảo hôm nay là đi đến vấn đề gì hay chỉ đề cập cho xong rồi lại bỏ như lâu nay vẫn làm và nó đã trở thành căn bệnh mãn tính.

GS Văn Như Cương phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Mai Hải

GS Văn Như Cương phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Mai Hải

Với phần nghiên cứu của mình, GS Phạm Phụ trình bày 7 “bài toán” nan giải và đan xen của nền giáo dục ĐH Việt Nam. 7 bài toán với các nhóm giải pháp được trình bày tại hội thảo và được sự đồng thuận của nhiều đại biểu là các chuyên gia của các trường ĐH. Và lời giải chính cho 7 bài toán đó chính là lựa chọn chính sách để làm nền tảng cho phần “luật nội dung” của Luật Giáo dục ĐH.

Về vấn đề thành lập trường ĐH quá nhiều, GS Phạm Phụ lại không đồng tình, ông cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là tốc độ tăng trưởng sinh viên bao nhiêu. So sánh với các nước thì Việt Nam chỉ tăng ở mức tương đối. Cho nên chủ trương thành lập thêm trường ĐH là đúng, nhất là các trường ĐH ở địa phương góp phần giải quyết công bằng xã hội. Chúng ta nên lập thêm trường, việc tăng trưởng sinh viên hoàn toàn không sai. Cái sai nằm ở chỗ buông lỏng quản lý, để các trường không đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo. Sinh viên đi học ĐH còn đóng góp vào sự tăng trưởng giá trị xã hội kinh tế. Thế nhưng, sinh viên phải chịu đóng học phí quá cao, điều này là bất công.

Dù vấn đề “Vì lợi nhuận hay không lợi nhuận” vẫn thường bị… né tại các buổi hội thảo, nhưng trước sự lắng nghe của các đại biểu dân cử, GS Phạm Phụ một lần nữa nhắc lại với vẻ tha thiết: “Từ năm 2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã yêu cầu soạn thảo và làm rõ cơ chế về giáo dục vì lợi nhuận và giáo dục không vì lợi nhuận. Thế nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có, dường như chúng ta cố tình lơ đi vấn đề này. Ranh giới giữa trường công và trường tư thục, dân lập không ý nghĩa bằng việc chúng ta phải xác định trường hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận….”.

Sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM trong giờ thực hành nặn tượng. Ảnh: Mai Hải
Sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM trong giờ thực hành nặn tượng. Ảnh: Mai Hải

Hiện nay, chi phí đào tạo ít nhất là 1.200 USD/năm/sinh viên mới có thể cạnh tranh. Ở VN, ngân sách không thể bao tiêu nên chẳng lẽ học phí phải tăng gấp 3 lần, phải làm sao? GS Phạm Phụ bức xúc: “Tôi vừa gặp Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cách nay không lâu và thật bất ngờ khi được biết ở VN không có ai phụ trách về kinh tế giáo dục. Chúng ta hoàn toàn trống vắng về cơ sở lý luận cho vấn đề quan trọng này. Điển hình Trung Quốc từ năm 1980 đã mời giáo sư nước ngoài hướng dẫn tính toán kinh tế giáo dục và thành lập cả hội đồng chuyên phụ trách vấn đề này”.

Đất cho trường: Mãi mãi... rêu phong!

Theo trình bày của bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, từ năm 2006 đến năm 2009 có 22 trường ĐH mới thành lập nhưng có đến 13 trường ĐH (ĐH CNTT Gia Định, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Thành Tây, ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Đại Nam, ĐH Công nghệ và Quản lý hữu nghị…) trong tình trạng “đang làm thủ tục về đất để chuẩn xây dựng và phải đi thuê cơ sở để đào tạo”.

Bà Hà cho rằng những khó khăn và hạn chế trong công tác thành lập trường ĐH là do sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của các địa phương đối với việc xây dựng và phát triển các trường ĐH, cao đẳng tại địa phương chưa nhiều, chưa thường xuyên. Các nhà đầu tư xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục xây dựng trường. Cũng chính một phần vì lý do này mà đa số các trường chưa thực hiện đúng các cam kết trong để án khả thi thành lập trường, chủ yếu trong các công việc như xây dựng cơ sở vật chất mới. Đây cũng là một trong những nội dung mà bà Hà kiến nghị, mong muốn các đại biểu Quốc hội địa phương quan tâm.

Chia sẻ quan điểm này, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam, nhấn mạnh: “Tôi nhớ Chính phủ đã ra nghị định về việc miễn thuế và giao đất sạch cho các trường ĐH, thậm chí còn phải xây dựng trường rồi giao cho các trường... Thế nhưng không hiểu sao đến nay đã có nghị định nhưng các địa phương lại không triển khai? Vì vậy, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng và các đại biểu Quốc hội cần kiến nghị lên Quốc hội”.

Nhận thấy sự quan tâm của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trước những thông tin mà mình nêu ra, bà Hà tiếp tục… gửi gắm bức xúc: “Như tại TPHCM, chuyện giao đất sạch cho các trường vẫn là bài toán quá khó. Ngay cả ĐH Quốc gia TPHCM, quy hoạch tại Làng ĐH Thủ Đức hơn 10 năm trời vẫn chưa giải quyết xong và các thầy phải đi “giành” đất với người dân. Thêm nữa, các trường ngoài công lập như ĐH DL Văn Lang, ĐH DL Văn Hiến khi giao đất, các trường phải mệt mỏi với việc giải phóng mặt bằng…”.

Bà Hà nói: “Nhân có chị Phương Thảo ở đây, tôi cũng nói rõ, ngày 21-12, Bộ GD-ĐT kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở vật chất của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. Trường được giao 5ha đất nhưng đã giải tỏa được 85% diện tích. Phần còn lại dù các hộ dân đòi tiền đền bù cao trường vẫn chấp nhận nhưng UBND TP lại… không đồng ý vì như thế sẽ… phá vỡ mức giá đền bù trước đó?”.

Rõ ràng, không chỉ đất mà chính sách cho giáo dục ở Việt Nam hiện nay vẫn dường như chưa được “xới lên” và đặt để một cách đúng luật, hiệu quả.

Bên lề hội thảo, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Nâng chất bắt đầu từ chương trình phổ thông

- PV: Thưa GS Văn Như Cương, chương trình phổ thông hiện nay quá nặng nhưng lại có nhiều môn không cần thiết. Đó có phải là trở lực cho việc đổi mới phương thức dạy và học?

- GS VĂN NHƯ CƯƠNG: Vâng, việc thay đổi cách dạy và học ở bậc phổ thông là cần thiết nhưng sẽ không thực hiện được nếu như chương trình học còn quá nặng như hiện nay. Chỉ 3 tiết toán/tuần thì thầy và trò chỉ có cách “dạy nhồi”, “học nhét”. Vấn đề không phải chương trình quá nặng mà vì thời gian quá ít, trên thế giới không nước nào chỉ có 3 tiết toán/tuần cả. Chương trình ở bậc THPT được thiết kế nhiều môn học trong cùng một thời gian (hàng tuần đều có 13 môn học) khiến học sinh rất căng thẳng và mệt mỏi, vì thế việc nảy sinh ra môn chính, môn phụ là điều không tránh khỏi.

- Học sinh phải học chương trình nặng như vậy nhưng vẫn yếu các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và vận dụng vào những bậc học cao hơn. Vì sao lại nghịch lý như vậy, thưa GS?

- Như tôi đã nói, chương trình ở bậc phổ thông thừa khá nhiều môn học nên phần kiến thức người học có thể ứng dụng lên các bậc học cao hơn chỉ 15%. Điều này khiến mục tiêu giáo dục toàn diện đôi khi gây lãng phí. Tôi nghĩ nên dạy chương trình cần thiết cho người học, có trọng tâm theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, để phân luồng học sinh ngay từ những bậc học dưới.

- Vậy, việc phân luồng học sinh ngay từ những bậc học dưới liệu có nâng cao chất lượng đầu vào đại học?

- Chất lượng đầu vào ĐH sẽ không được nâng cao nếu ở bậc phổ thông không được phân luồng một cách có hiệu quả. Không phải tất cả học sinh tốt nghiệp bậc PT đều vào ĐH bởi vậy không nên phân ban như hiện nay mà nên phân luồng theo định hướng nghề nghiệp. Nên thiết kế hệ thống giáo dục sao cho sau khi tốt nghiệp THCS có khoảng 30% học sinh chuyển sang học nghề, và sau khi tốt nghiệp THPT có khoảng 30% - 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào các trường cao đẳng dạy nghề, và có những quy định một cách hợp lý để những ai có đủ điều kiện mới được dự thi vào ĐH.

AN - HÙNG - HÀ

Tin cùng chuyên mục