Đại học ngoài công lập đang bị thả nổi?

Vật chất quyết định... ý thức
Đại học ngoài công lập đang bị thả nổi?

Bài 1: Thuê và... mượn

Đại học ngoài công lập (ĐHNCL) ở nước ta đã ra đời ngót nghét 20 năm. Một thời gian khá ngắn so với sự phát triển của một trường ĐH, nhưng cũng đủ dài để xem “đứa con” này phát triển như thế nào. Tiếc là cho đến nay, chưa ai “thăm khám” một mô hình xã hội hóa phù hợp với xu thế phát triển, nhưng cũng ẩn chứa nhiều “khuyết tật” cần uốn nắn.

Vật chất quyết định... ý thức

Chỉ đi một vòng qua vài trường ĐHDL, chúng tôi đã thấm thía câu nói chua chát của SV các trường ĐHNCL: “Không thuê, không mướn, không phải trường… dân lập”. Nhưng “phát biểu” trên vẫn chưa… khái quát được hết tình hình “ăn nhờ ở đậu” của các trường trước những thực tế “giật mình”.

 
Sau 14 năm thành lập, cơ sở chính của Trường ĐHDL Hùng Vương vẫn còn là miếng đất trống tại 736 Nguyễn Trãi, Q5.Ảnh: T. HÙNG

Sau 14 năm thành lập, cơ sở chính của Trường ĐHDL Hùng Vương vẫn còn là miếng đất trống tại 736 Nguyễn Trãi, Q5.Ảnh: T. HÙNG

Hơn 14 năm thành lập, Trường ĐHDL Hùng Vương (1995) với quy mô đào tạo lên đến 10 ngàn SV, có cơ sở chính đặt tại số 736 Nguyễn Trãi, quận 5. Với quy mô đào tạo hoành tráng, cơ sở chính nằm ngay mặt tiền quận trung tâm, quả thật, trường đủ “tiếng thơm” để tuyển sinh.

Nhưng khi chúng tôi tìm đến… cơ sở chính của trường, dọc đường Nguyễn Trãi, số nhà 736 chỉ là một miếng đất trống nằm lọt thỏm giữa hai căn nhà cao tầng. Còn các cơ sở… phụ của trường: 342 bis Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình), 239 Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) và 146 Võ Thị Sáu (quận 3) đều là… nhà thuê.

TS Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hùng Vương cho biết, trường đã đầu tư và đưa vào sử dụng phòng thư viện, phòng thí nghiệm đặt tại cơ sở 146 Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, địa điểm tại số 146 Võ Thị Sáu lại là cơ sở của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và ngoại ngữ (Trường Cán bộ TPHCM), trong đó, Trường ĐHDL Hùng Vương chỉ thuê 3 khu phòng khiêm tốn: khu C, khu D và B1.

Dạo một vòng quanh các phòng học, chúng tôi không tài nào tìm được phòng thí nghiệm lẫn thư viện. Hỏi 2 SV năm thứ 3 của trường lối vào phòng thí nghiệm, 2 SV này… hồn nhiên: “Em chỉ biết trường có thư viện thôi mà tụi em chưa vào lần nào nên cũng không rõ, còn phòng thí nghiệm chắc… không có”.

Đi thêm vài vòng chúng tôi mới phát hiện phía cuối hành lang, dưới chân một cầu thang cũ kỹ có hai căn phòng nhỏ nối liền với căntin, đó chính là phòng thí nghiệm của bộ môn vi sinh rộng chừng… 12m². Sát bên cạnh là phòng thư viện rộng gần gấp đôi với vài chiếc giá dựng sách.

Theo người bán căntin, hai căn phòng này (phòng thí nghiệm và thư viện) không phải xây mới mà là hai phòng chức năng cũ của trung tâm được Trường ĐHDL Hùng Vương thuê rồi… tân trang lại.

Nhiều phụ huynh, SV Trường ĐHDL Văn Hiến đều đinh ninh cơ sở tại AA2 Đường D2, P25, quận Bình Thạnh là cơ sở chính của trường và là tài sản của trường từ sự đóng góp của… bản thân. Ít ai biết, cơ sở này chỉ là… của thuê. PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐHDL Văn Hiến cho biết, 12 năm thành lập, qua 3 đời hiệu trưởng, nhưng đến nay trường vẫn phải cho SV học tạm tại 4 cơ sở thuê mướn.

Chúng tôi đến một cơ sở đào tạo của trường ở quận Bình Thạnh, các bức tường ngăn các giảng đường A, B đều bằng những tấm thạch cao cũ kỹ, nứt nẻ, có bức bị bong tróc rớt từng mảng lớn trông nham nhở như một khu nhà hợp tác xã ở nông thôn cách đây vài chục năm. Các giảng đường sát nhau, việc cách âm là điều… không tưởng.

Vào giờ học, các âm thanh từ các phòng “va” vào nhau tạo thành những tiếng ồn chói tai. 15 phút ngồi trong giảng đường A cùng 300 SV năm nhất của… “hợp chủng” khoa: Kinh tế, Ngữ văn, Xã hội học trong giờ học môn chính trị Mác - Lênin, chúng tôi cố lắng tai vẫn không tài nào nghe được bài giảng của các giảng viên.

Ngoài tiếng ồn từ các phòng học dội qua, còn có âm thanh từ 35 chiếc quạt trần, 5 chiếc quạt công nghiệp cùng với hơi nóng từ trần nhà khiến hàng trăm SV dở khóc dở mếu trước… khái niệm “vật chất và ý thức” của bài học.

Trường đi thuê, lãi gửi ngân hàng!

Không chỉ vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi thành lập các trường ĐHNCL, mặc dù tổng giá trị tài sản của các trường đều tăng, nhưng giá trị tài sản thuộc sở hữu thực của các trường chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn.

Chẳng hạn ở Trường ĐHDL Hồng Bàng, năm 2001 tổng diện tích sử dụng là 16.900m², trong đó diện tích thuê mướn là 11.900m². Đến năm 2005, tổng diện tích sử dụng là 35.100m² thì diện tích thuê mướn đã là 21.000m². Riêng Trường ĐHDL Lạc Hồng thì tổng diện tích sử dụng đến năm 2005 trên 25.000m² đều là… của thuê.

Một cơ sở của Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng thuê trong Công ty cổ phần Bao bì dược tại quận Phú Nhuận. Ảnh: MAI HẢI

Một cơ sở của Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng thuê trong Công ty cổ phần Bao bì dược tại quận Phú Nhuận. Ảnh: MAI HẢI

Phải đi thuê và thay đổi địa điểm thuê khá nhiều nên mức chi cho khoản thuê mặt bằng của nhiều trường đã chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khoản chi, cao hơn cả chi lương giáo viên! Ở năm 2005, ĐHDL Lạc Hồng chi thuê cơ sở 17,2% trong khi chi lương cán bộ cơ hữu chỉ 15,5%; riêng ĐHDL Hồng Bàng, chi thuê cơ sở chiếm đến 32,6%, trong khi chi lương cán bộ cơ hữu chỉ là 14,3%.

Không đầu tư cơ sở vật chất không phải do các trường thiếu tiền. Trên thực tế, tổng số vốn hoạt động của các trường tăng đều đặn hàng năm, trong đó nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận tăng cao nhất với mức 2,51 lần từ năm 2001 đến 2005.

Nhiều trường sau một thời gian ngắn hoạt động đã có tích lũy nhưng không đưa vào đầu tư mà đem… gửi ngân hàng để thu lãi hàng tháng. Trong khi đó, quy mô tuyển sinh mỗi năm đều tăng, số lượng SV mỗi trường ngày càng nhiều, nhưng cơ sở vật chất trường lớp thì không được đầu tư tương xứng.

Giảng viên cơ hữu: đã ít lại còn giảm

Thật khó để biết đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường hiện nay là chính xác hay không thông qua “giới thiệu” khá kêu của các trường, nhưng cũng thật dễ để phát hiện tỷ lệ này thông qua mức chi lương hàng năm của các trường.

Quy chế trường ĐHDL quy định “tại thời điểm khai giảng khóa đầu tiên, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường phải đảm bảo không dưới 20% và trong vòng 4 năm đạt không dưới 50% khối lượng giảng dạy từng môn học”.

Theo điều tra của chúng tôi, khoản chi lương cho giảng viên cơ hữu ở các trường luôn thấp hơn thỉnh giảng. Chỉ lấy con số của năm 2005, ĐHDL Thăng Long chi lương cán bộ cơ hữu 16%, cán bộ thỉnh giảng 44,7%; ĐHDL Hồng Bàng chi lương cán bộ cơ hữu 14,3%, cán bộ thỉnh giảng 25,9%; ĐHDL Hùng Vương chi lương cán bộ cơ hữu 21,3%, cán bộ thỉnh giảng 25,7%; ĐHDL Lạc Hồng chi lương cán bộ cơ hữu 15,5%, cán bộ thỉnh giảng 44,9%...

Một con số càng ngạc nhiên hơn khi ở ĐHDL Hồng Bàng, năm 2001 chi lương giảng viên cơ hữu 15,4% thì đến năm 2005 con số này chỉ còn 14,3%, có nghĩa là đội ngũ giảng viên cơ hữu chẳng những không phát triển sau 5 năm mà lại còn giảm đi! Vì vậy, đội ngũ giảng viên chiếm phần nhiều là thỉnh giảng, tức giảng viên… mượn!

Là trường ĐHNCL đầu tiên ở phía Nam thành lập năm 1992, nhưng ông Huỳnh Thế Cuộc, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Ngoại ngữ và Tin học (HUFLIT) cho rằng đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường hiện khó phát triển nhiều hơn.

Ngay khi vừa thành lập, trường đã gửi giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài và tập trung tuyển chọn, đào tạo tại chỗ, đến nay đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường dao động ở mức 114 – 117 người. Vì vậy, trường cũng chỉ giới hạn quy mô SV vừa phải để đảm bảo chất lượng đào tạo. Thế nhưng nhìn chung, rất ít trường có đội ngũ cơ hữu ổn định như HUFLIT.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, giảng viên cơ hữu ở các trường hiện vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là độ tuổi 35 – 50, nhiều giảng viên có học hàm học vị ở các trường công lập được mời sang, tuy nhiên đội ngũ này phần lớn đều lớn tuổi. Giảng viên trẻ dù được quan tâm hơn nhưng do tuyển dụng có tính chắp vá, bị động nên chất lượng chưa cao…

Một lối ra tất yếu

Một trong những thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam cuối những năm 80 của thế kỷ trước là sự ra đời của hệ thống các trường ĐHNCL. Mở đầu là sự ra đời của Trung tâm đại học dân lập (ĐHDL) Thăng Long vào năm 1989.

Đến cuối năm 2008, theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 64 trường ĐH, CĐ NCL. Trong đó, 40 trường ĐH (chiếm 25% tổng số trường ĐH trên cả nước), 24 trường CĐ (chiếm 11,48%). Đây là một bước chuyển biến đáng kể trong tư duy của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cũng như của những người trực tiếp làm công tác giáo dục ĐH, CĐ.

Sau gần 20 năm nhìn lại, không thể phủ nhận sự ra đời của các trường ĐHNCL đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập to lớn của xã hội trong khi hệ thống trường ĐH công lập và ngân sách nhà nước chưa cáng đáng nổi. Số SV ĐHNCL đến nay đã trên 143.000 SV (chiếm 12% tổng số SV cả nước).

Bên cạnh đó, quy mô, các ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng, hàng trăm ngành nghề từ các ngành xã hội cho tới các ngành khoa học kỹ thuật được đưa vào đào tạo…

Có thể nói, trong những năm qua, các trường ĐHNCL đã có công trong việc góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, đào tạo một lực lượng tri thức không nhỏ để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một xu hướng tất yếu, một chủ trương đúng đắn ngay từ khi ra đời đã được đón nhận một cách tích cực của xã hội.

Tuy nhiên, cũng ngay từ khi ra đời, xu hướng mới này đã nảy sinh những khuyết tật mà lẽ ra, nếu không có những khuyết tật đó, chủ trương xã hội hóa giáo dục còn có thể phát triển mạnh hơn, đúng đắn hơn để thực hiện chiến lược giáo dục giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ, là Việt Nam phải “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường ngoài công lập, nâng tỷ lệ SV ngoài công lập lên khoảng 30%, nâng tỷ lệ SV/vạn dân từ 118 (năm 2001) đến 200 (năm 2010)”. Vậy mà, chỉ còn một năm nữa kết thúc giai đoạn chiến lược, tỷ lệ SV NCL chỉ đạt chưa được 50% so với mục tiêu đề ra.

Bài 2: “Gà đẻ trứng vàng”

Một giáo sư có tiếng trong làng giáo dục Việt Nam ví von: Nhìn lại trong khoảng mươi năm qua, lĩnh vực đầu tư không lớn nhưng mang lại siêu lợi nhuận, đó là đầu tư cho… giáo dục. Tất nhiên, ý của vị giáo sư này muốn nói đến việc mở trường dân lập. Ông minh chứng, một công ty kinh doanh thu lợi khoảng 15%/năm là đã thành công lớn, trong khi có trường chia cổ tức hàng năm từ 25% đến 30%!

Học phí: 99% tổng thu

Khi tìm hiểu ở các trường, nơi nào cũng cho rằng mình hoạt động không vì lợi nhuận, mà vì sự nghiệp giáo dục. Điều đó nghe có lý, nhưng không chính xác. Vị giáo sư nói trên đã đưa ra một phép tính nhỏ để khái quát con đường đạt được… siêu lợi nhuận này.

Một lớp học của trường ĐH Dân lập Hồng Bàng tại cơ sở trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận. Ảnh: Mai Hải

Một lớp học của trường ĐH Dân lập Hồng Bàng tại cơ sở trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận. Ảnh: Mai Hải

Nếu lấy mức học phí trung bình ở các trường đại học dân lập (ĐHDL) cách đây 2 năm là 4 triệu đồng/năm/SV (mức thấp nhất), mỗi năm SV học khoảng 800 tiết, như vậy mỗi tiết học có học phí khoảng 5.000 đồng. Trung bình mỗi lớp học có khoảng 60 SV (mức thấp nhất) thì mỗi tiết học nhà trường thu về 300 ngàn đồng. Sau khi trả lương giảng viên trung bình 80 ngàn đồng/tiết, 80 ngàn đồng cho cơ sở vật chất và 20 ngàn đồng cho các chi phí khác (theo tính toán thông thường, chi lương cho con người chiếm 50%, và 50% chi cho cơ sở vật chất và các khoảng khác), như vậy, mỗi lớp quy mô 60 SV thì nhà trường đã lãi khoảng 120 ngàn đồng/tiết. Con số lãi này quả là quá lớn so với… kinh doanh các ngành khác.

Có những trường mức học phí nhìn đã “chóng mặt”, đó là chưa so với cơ sở vật chất có tương ứng hay không. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chỉ đào tạo ngành khoa học máy tính, quản trị kinh doanh và tiếng Anh (những ngành không đòi hỏi đầu tư nhiều về cơ sở vật chất) nhưng nhìn mức học phí được “niêm yết” đã “sốc”: chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt 2.000 – 2.300 USD/năm, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh 5.200 – 5.700 USD/năm!

Theo điều tra của chúng tôi, nguồn thu học phí chiếm tỷ lệ cực cao trong tổng thu của các trường ngoài công lập (NCL), thậm chí có trường nguồn thu này chiếm đến… 99% tổng thu! ĐHDL Thăng Long năm 2001 thu học phí chiếm 94,1%, đến 2005 chiếm 94,6% tổng thu; ĐHDL Hùng Vương năm 2001 chiếm 97,1%, đến 2005 chiếm đến 99,6% tổng thu; ĐHDL Hải Phòng năm 2001: 96,5%, năm 2005: 91,3% tổng thu…

Theo quy chế ĐHDL, nguồn thu của trường bao gồm: nguồn thu tại trường (học phí, lệ phí, giá trị hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, lãi tiền gửi ngân hàng, thanh lý tài sản…); vốn góp của các tổ chức cá nhân (nhà đầu tư) để đầu tư và phát triển trường; nguồn tài trợ, viện trợ, quà tặng; vốn vay… Thế nhưng, đa số các trường ngoài công lập được thành lập với “một vài đồng tiền lẻ” ban đầu, sau khi tuyển sinh thì dựa hẳn vào nguồn thu học phí và lấy nguồn thu này nuôi lại tất cả bộ máy, hoạt động, gửi ngân hàng, chia cổ tức…

Điều đáng mổ xẻ là dù nguồn thu hàng năm cực lớn, nhưng mức chi thực tế cho mỗi SV cực thấp, trung bình chưa đến 4 triệu đồng/SV/năm (trong khi mức đầu tư/SV ở các trường công khoảng trên 20 triệu đồng/năm). Với mức chi này, khả năng nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐHDL là hết sức khó khăn – Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT nhận định.

“Đẻ” ngành để “hút” sinh viên!

Nguồn thu học phí gắn rất chặt đến sự “phong phú” ngành đào tạo của các trường. Một cán bộ phòng đào tạo của một trường công (xin được giấu tên) “e dè” khi chúng đề cập đến việc đăng ký mở ngành.

Vị này cho biết, để mở được một ngành đào tạo mới, nhà trường phải chuẩn bị hết sức chu đáo từ chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và nhất là nhu cầu của xã hội… Thế nhưng, tất cả những điều đó cũng chưa đáng ngại bằng… mang hồ sơ xin mở ngành.

Vậy mà theo quan sát của phóng viên, các trường dân lập mấy năm gần đây cứ đều đặn cho ra đời hàng loạt ngành nghề mới, có những ngành nghe rất… xa lạ. Trường ĐHDL Hồng Bàng đến nay đã có đến hơn 60 ngành và chuyên ngành đào tạo, trong đó có các ngành khá xa lạ, đặc thù như: điều dưỡng đa khoa, kỹ thuật y học, công nghệ spa và y sinh học…

Điều bất bình thường ở chỗ, cơ sở vật chất, trường lớp không tăng, đội ngũ giảng viên không tăng… mà ngành thì vẫn được duyệt mở đều đều!

Xin nêu ra những điều kiện đăng ký mở ngành đào tạo do Bộ GD-ĐT quy định, sẽ thấy… những khuất tất đằng sau việc mở ngành ồ ạt này. Bộ GD-ĐT quy định, để được xem xét mở một ngành đào tạo mới thì đội ngũ giảng viên cơ hữu phải đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình đào tạo; có ít nhất 1 giảng viên trình độ tiến sĩ và 2 giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký mở ngành đào tạo bậc đại học.

Về cơ sở vật chất, phải có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập, có các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, xưởng thực hành và các phần mềm đáp ứng nhu cầu đào tạo; thư viện trường có đủ giáo trình, tập bài giảng của môn học đó.

Quan trọng hơn, hồ sơ đăng ký mở ngành phải có phân tích, chứng minh cơ sở khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực này đối với xã hội và quy mô đào tạo trong từng giai đoạn. Cụ thể, phải chứng minh được rằng nhu cầu xã hội về ngành đào tạo chuẩn bị mở trong 4-5 năm sau, lúc SV tốt nghiệp, cần thiết đến mức nào.

Dĩ nhiên, mở ngành với các điều kiện khó là vậy, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu xã hội hết sức cụ thể, nhưng các trường vẫn cho ra đời đều đặn ngành mới mỗi năm, có những ngành rất xa với nhu cầu, chỉ có thể giải thích là nhằm thu hút SV càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy, quy mô đào tạo, khối lượng tuyển sinh của nhiều trường trong các năm gần đây đã ít nhiều bị “tác động” bởi yếu tố học phí.

Trường ĐHDL Lương Thế Vinh chỉ có 711 SV năm 2004, đến 2006 đã là 3.516 SV; ĐHDL Phương Đông có 1.769 SV vào năm 2002 thì đến 2006 tổng số SV đã là 8.586; ĐHDL Hồng Bàng năm 2003 tuyển 1.692 SV, đến 2006 đã có tổng số 8.669 SV…

Ngành nghề tăng, số lượng SV tăng nhưng trường lớp không tăng thì lợi nhuận thu về từ học phí càng tăng nhanh. Hình ảnh hàng trăm SV nhiều khóa chen nhau trong những phòng học chật chội có thể minh chứng điều đó.

Một cán bộ Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, muốn mở một ngành đào tạo mới thuộc khối y dược thì phải thông qua hội đồng thẩm định gồm những chuyên gia đầu ngành của Vụ Khoa học – đào tạo của Bộ Y tế. Sau khi thẩm định chương trình, Bộ Y tế sẽ có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép đơn vị đào tạo được mở ngành.

Hiện nay, các ngành đào tạo ĐH thuộc khối y dược ở Việt Nam chỉ có các cơ sở bệnh viện, trường y dược thuộc Bộ Y tế mới có khả năng đào tạo vì có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, vấn đề đội ngũ giảng viên đối với ngành này cũng là một khó khăn lớn vì lực lượng giảng dạy mỏng, trang thiết bị chưa theo kịp trình độ của thế giới. Thế nên, khi nghe nói có trường ngoài công lập đã được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh, đào tạo các ngành kỹ thuật y học, ngành điều dưỡng, công nghệ spa và y sinh học, nhiều chuyên gia rất ngỡ ngàng.

Bài 3: “Khuyết tật” ngày càng lớn  

Sự bất ổn ở các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) không phải đến giờ này Bộ GD-ĐT mới biết. Một hội nghị được xem là lớn nhất đánh giá hoạt động loại hình trường này diễn ra tháng 1-2007 tại Đồng Nai đã bày ra rất nhiều “khuyết tật” của các trường. Tiếc là nó đã không được “bốc thuốc” để đến giờ sự bất ổn càng khó kiểm soát hơn.

  • Xây trường… trên giấy

Trước đây, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 cả nước phải đạt khoảng 30%-40% SV NCL. Tuy nhiên gần đây, cũng với mục tiêu này nhưng thời gian đã được “di dời” đến năm 2020. Thực tế hiện nay, tỷ lệ SV NCL mới đạt khoảng 11%-12%.

Đến năm 2020, cả nước có khoảng 4,5 – 5 triệu SV. Nếu đạt mức 30%-40% thì lúc đó có khoảng 1,35 – 1,85 triệu SV NCL. Nếu trừ đi số SV hiện nay khoảng 200 ngàn thì từ nay đến 2020, mỗi năm cần có thêm 115 ngàn – 145 ngàn SV NCL.

Đạt được con số này nếu nhìn từ thực tế hiện nay là điều không tưởng.

SV Khoa Kiến trúc Trường ĐH Dân lập Văn Lang trong giờ thực tập họa thất. Ảnh: Mai Hải

SV Khoa Kiến trúc Trường ĐH Dân lập Văn Lang trong giờ thực tập họa thất. Ảnh: Mai Hải

Các trường đang hoạt động thì tỷ lệ đầu tư cơ sở vật chất gần như không có gì, chỉ có thể “cầm cự” với quy mô hiện tại. Vì vậy, việc phát triển hệ thống trường NCL là cần thiết, nhưng phải đi kèm một cơ chế quản lý minh bạch và bền vững. 

Để mở một trường, khâu cơ sở vật chất là hết sức quan trọng và bắt buộc phải chứng minh là có thể đáp ứng được quy mô đào tạo. Thế nhưng, quy chế hiện hành thì... chưa có đất cũng có thể mở trường khi quy định trong hồ sơ xin thành lập chỉ cần “hồ sơ sử dụng đất hoặc văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền về giao quyền sử dụng đất để xây dựng trường” và “bản cam kết trong vòng 10 năm xây dựng trường sở tương ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo dự kiến của trường”.

Quy chế trường ĐHDL ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/TTg ngày 18-7-2000 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những điều kiện và thủ tục thành lập trường ĐHDL là bản cam kết trong vòng 10 năm xây dựng được trường sở tương ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo dự kiến của trường.

Hầu hết các trường ĐHDL hiện nay đều trên 10 năm trong khi cơ sở vẫn là thuê mướn, SV nhiều khoa phải chen nhau… học gộp. Điều này chỉ có thể lý giải, các trường đã vì lợi nhuận mà phớt lờ quy định trên và cơ quan kiểm tra theo quy định là Bộ GD-ĐT đã “quên” hậu kiểm!

Trong tình trạng hiện nay, có đất chưa chắc có thể triển khai dự án xây dựng được huống hồ chỉ cần… văn bản thỏa thuận về giao quyền sử dụng đất!

Tất nhiên, đây là một trong những điều kiện thoáng để khuyến khích phát triển loại hình này, nhưng do không quản lý, kiểm soát và chấn chỉnh kịp thời nên cơ chế này chẳng khác nào khuyến khích các trường đầu tư… đủng đỉnh.

Gần 20 năm ra đời nhưng đến nay đa số các trường ĐHNCL vẫn còn đi thuê mướn cơ sở là một minh chứng.

  • Tài sản của ai?

Hiệu trưởng một trường ĐHDL cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hậu quả như ngày nay là ngay từ đầu Bộ GD-ĐT quản lý các trường dân lập rất lỏng lẻo. Bộ GD-ĐT quản lý trường công bằng hai công cụ: thứ nhất là tiền do nhà nước rót xuống cho các trường thông qua Bộ Tài chính rồi qua Bộ GD-ĐT phân bổ đến các trường. Vì vậy bộ rất “có uy” với các trường công; thứ hai là bộ quản lý về mặt con người, toàn quyền chỉ định các chức danh hiệu trưởng ở các trường. Còn đối với các trường NCL, bộ chỉ quản lý được chỉ tiêu, chương trình đào tạo. Chính vì vậy mà trường nào thích làm đúng thì làm, còn thích làm… trái thì làm, vì các vấn đề quyết định như tiền và con người đều do họ tự quyết. Do đó, từ không quản lý chặt dẫn đến lại càng không biết nội tình như thế nào nên đặt bộ vào thế khó xử.

Chủ trương chuyển các trường dân lập sang tư thục đã được các nhà giáo, các trường ủng hộ, nhưng dường như đang “mắc cạn” bởi không thể giải quyết được vấn đề chủ sở hữu.

Theo quy chế tạm thời ban hành kèm Quyết định số 196/TCCB ngày 21-4-1994 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì ĐHDL do các cá nhân, tập thể hoặc các tổ chức kinh tế - xã hội đầu tư xây dựng với mục đích không kinh doanh, không vụ lợi cá nhân.

Quy chế tạm thời này đã là cơ sở ra đời nhiều trường ĐHDL trong thời điểm đó. Đến năm 2000, quy chế trường ĐHDL ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18-7-2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định tài sản của trường ĐHDL thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên của trường.

Các trường NCL hiện nay đều được thành lập và hoạt động theo cơ chế này, trong khi nguồn tài sản đã không được quy định rõ.

Sau một thời gian hình thành, tài sản của các trường đã tăng một cách chóng mặt, chỉ từ một vài tỷ đồng vốn ban đầu, đến nay tài sản các trường đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng không biết đó là… của ai!

Nếu nói là tài sản của những người góp vốn ban đầu thì đầu tư trường học quả là siêu lợi nhuận bởi khối bất động sản khổng lồ. Còn nếu nói tài sản là của cộng đồng thì các cá nhân góp vốn không đồng tình.

Giãi bày với chúng tôi về trường hợp “mắc cạn” của trường mình, Tiến sĩ Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Văn Lang dẫn chứng: Tháng 11-1999, trường mua khu đất tại cơ sở chính trên đường Nguyễn Khắc Nhu quận 1 với giá 13,9 tỷ đồng (từ quỹ tích lũy xây dựng cơ sở vật chất) do nhà nước bán lại theo Nghị định 60. Nếu bây giờ chuyển sang tư thục thì phải định giá lại tài sản này.

Tại thời điểm mua, công ty thẩm định giá trị đất là 8 tỷ đồng và giá trị nhà là 5,9 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, tính theo giá thị trường thì khu đất rộng 1.200m2 của trường có giá 80 triệu đồng/m2, tương đương 96 tỷ đồng. Vấn đề hiện nay là tài sản này được xác định sở hữu như thế nào, của cộng đồng, của tập thể cán bộ nhân viên trường hay của cá nhân góp vốn ban đầu?

Bài 4: “Lát cắt” từ một trường tư thục

Từ khi có chủ trương chuyển dần các trường đại học dân lập (ĐHDL) sang tư thục (TT), đã có một số trường chuyển đổi. Tuy nhiên, kết quả việc chuyển đổi này, do chính sách chưa rõ ràng và thiếu kiểm soát, nên “khiếm khuyết” vẫn hoàn… “khiếm khuyết”. Chúng tôi cũng tìm cách “mục sở thị” một trong những trường “thay máu”. Đó là Trường ĐHTT Công nghệ thông tin Gia Định.

Nguy cơ khánh kiệt tài chính?

Được thành lập từ 31-7-2007, mới 2 mùa tuyển sinh nhưng Trường ĐHTT CNTT Gia Định đã rối như tơ vò vì mâu thuẫn nội bộ, tài chính không minh bạch, tập thể cổ đông mâu thuẫn với một số thành viên HĐQT…

Cơ sở 1 của Trường ĐHTT CNTT Gia Định đang thuê trong khuôn viên của sân quần vợt. Ảnh: T.HÙNG

Cơ sở 1 của Trường ĐHTT CNTT Gia Định đang thuê trong khuôn viên của sân quần vợt. Ảnh: T.HÙNG

Sự việc đã được hội đồng cổ đông, ban kiểm soát đưa ra tại đại hội cổ đông vào ngày 8-11-2008. Tính đến ngày 30-9-2007, tổng vốn góp của cổ đông và học phí của SV là 30 tỷ đồng (hơn 27 tỷ đồng tiền cổ đông và gần 3 tỷ đồng tiền học phí).

Thế nhưng, tổng chi của nhà trường tính đến 30-10-2008 lên đến 34 tỷ đồng. Như vậy, trường đã vay nợ đến 4 tỷ đồng. Việc sử dụng cơ sở vật chất cũng gây lãng phí lớn như: cơ sở thuê tại lô A15 – A19 Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 có diện tích 2.500m² (giá thuê 207 triệu đồng/tháng) được đầu tư 1,5 tỷ đồng nhưng chưa sử dụng.

Tương tự, cơ sở trên đường Lê Văn Sỹ đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, tiền thuê tổng cộng gần 1 tỷ đồng trong niên học 2007-2008 cũng không sử dụng hiệu quả. Riêng cơ sở chính hiện nay tại 285/291 CMT8 rộng 1.000m² cũng được thuê với giá 120 triệu đồng/tháng và đầu tư thêm khoảng 4,5 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, kết quả kiểm toán cho thấy nhà trường đang đứng trước nguy cơ khánh kiệt tài chính, rất nguy cho tương lai tồn tại của nhà trường. Các khoảng chi đa phần không phù hợp như: cơ sở tại  Củ  Chi chi cho khảo sát, thiết kế, san lấp… hơn 4,6 tỷ đồng, nhưng thực chi chỉ có 2,5 tỷ đồng, sửa chữa cơ sở quận 10 chi đến 1,86 tỷ đồng nhưng thực chi là 1 tỷ đồng, cơ sở tại quận 3 và quận 7 thất thoát khoảng 40% trên tổng số tiền đã chi, học thể chất – giáo dục quốc phòng chi 400.000đồng/SV trong khi các trường khác chỉ chi 180.000 đồng/SV…

Nhân sự thiếu ổn định

Trước thực trạng này, ban kiểm soát đã yêu cầu ban giám hiệu giải trình vốn góp cổ đông sáng lập (vốn báo cáo trước 30-7-2007 là 19 tỷ đồng của 16 cổ đông -  đã chi hết theo kiểm toán ngày 15-9-2007 và sau 30-7-2007 có thêm 14 cổ đông mới góp thêm gần 8,4 tỷ đồng) là vốn thật (tiền mặt hoặc những tài sản sáng lập cấu tạo nên) hay vốn ảo (vốn do các cổ đông sáng lập nên)?

Ban kiểm soát phản ánh, điều các cổ đông bức xúc nhất là không được ban giám hiệu thông tin minh bạch về tài chính, số vốn góp của cổ đông được sử dụng ra sao? Bởi vì điểm không minh bạch trong việc thu chi là vốn cổ đông mới gần 8,4 tỷ đồng từ tháng 11-2007 đến tháng 3-2008 đa số sử dụng để trả nợ cũ trong khi kiểm toán đến 31-7-2008 nhà trường không còn nợ mà dư trong quỹ 80 triệu đồng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong biên bản cuộc họp HĐQT của trường ngày 2-8-2008, các thành viên ban giám hiệu và HĐQT đã thống nhất nội dung: theo ý nguyện của TS Trần Hiếu Hạnh vì tuổi cao (năm nay 76 tuổi) sức yếu, không đảm đương trọng trách chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng nên xin rút lui và đề cử TS Nguyễn Xuân Sơn (Việt kiều Mỹ) thay thế vào chức vụ này trong nhiệm kỳ từ 2007-2012.

Được biết, trong thời gian ông Sơn làm thủ tục pháp lý đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận chính thức nhiệm vụ trên, ông Sơn được ủy quyền làm quyền chủ tịch HĐQT kiêm quyền hiệu trưởng nhà trường để quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của trường. Thế nhưng sự việc vẫn kéo dài.

Theo phản ánh của HĐQT, hiệu trưởng nhà trường không tạo sự ổn định trong quản lý nhân sự, đào tạo. Từ tháng 4 đến tháng 8-2008, hiệu trưởng ra quyết định thay đổi… 4 phó hiệu trưởng đào tạo! Chưa kể nhiều chức danh tại các khoa đào tạo, phòng ban bị bãi miễn liên tục.

Đánh giá của Thanh tra Bộ GD-ĐT vào tháng 6-2008 nêu rõ: “Trường chưa có đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải thuê mướn cơ sở để phục vụ công tác giảng dạy. Thiếu phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện đầu sách còn ít... Đội ngũ giảng viên cơ hữu không đáp ứng yêu cầu mở mã ngành đào tạo. Chưa xây dựng đề cương chi tiết các môn học...”. Điều này cho thấy, trường cần có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời Bộ GD-ĐT cũng kịp thời kiểm soát để tránh những sai sót tiếp tục xảy ra, mà ảnh hưởng đầu tiên là SV.

Vẫn chưa giải quyết được vấn đề sở hữu

Ngày 17-4-2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT. Quy chế này đã được soạn thảo và lấy ý kiến trong thời gian qua, cơ bản không khác mấy so với dự thảo.

Theo đó, hiệu trưởng ĐHTT phải có học hàm từ phó giáo sư hoặc học vị từ tiến sĩ trở lên với ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH từ cấp trưởng bộ môn, phòng hoặc ban; không phải là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước. Việc thành lập ĐHTT phải có ít nhất từ 3 thành viên (tổ chức hoặc cá nhân) tham gia góp vốn điều lệ, trong đó mỗi thành viên chỉ được góp vốn điều lệ ở không quá 2 trường ĐH, CĐ TT với mức góp vốn tại mỗi trường tối đa 51%.

Tuy nhiên, vấn đề rất đáng quan tâm, hy vọng có thể giải quyết được ách tắc trong chuyển đổi từ DL sang TT ở các trường hiện nay là chủ sở hữu thì vẫn không được đề cập ở quy chế này.

Bài 5: Đừng ác cảm với lợi nhuận.

Một trong những vấn đề khúc mắc đang tồn tại hiện nay, tác động lớn đến việc quyết định nên phát triển đại học ngoài công lập (ĐHNCL) đến mức độ nào, quy mô nào, quản lý ra sao, vai trò trong hệ thống quản lý giáo dục quốc dân như thế nào, ở cấp nhà nước, là quan điểm: có hay không thương mại hóa trong giáo dục?

Thay thế hơn là hạn chế

Theo NGƯT-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng và nhiều nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục, vấn đề đang tồn tại và thực sự đáng suy nghĩ, đó là: Lợi nhuận thu được từ kinh doanh trong giáo dục được sử dụng cho ai và như thế nào, nếu có những đơn vị giáo dục quá quan tâm lợi nhuận đến mức tìm mọi cách tăng sự đóng góp của người học trong khi lại nỗ lực giảm chi phí bằng cách không đầu tư xứng đáng vào phương tiện học tập, cắt giảm chương trình?

Sinh viên Trường ĐH Dân lập Văn Lang tra cứu tài liệu học tập trong thư viện điện tử. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Trường ĐH Dân lập Văn Lang tra cứu tài liệu học tập trong thư viện điện tử. Ảnh: MAI HẢI

Sẽ có rất nhiều lo ngại nếu lợi nhuận từ hoạt động giáo dục không được phân bổ phần lớn cho đầu tư mở rộng phương tiện vật chất và hiện đại hóa hình thức đào tạo, mà lại được sử dụng để tăng tài sản cá nhân của một số người. Trước hết là lo ngại khuynh hướng thương mại hóa trong giáo dục. Tuy nhiên, không nên vì thế mà vội vàng đưa ra những chính sách hạn chế sự phát triển đầu tư của tư nhân vào giáo dục trong tình hình ngân sách nhà nước không thể tài trợ nổi. Chúng ta hoàn toàn có thể có những chính sách thay thế tốt hơn là hạn chế nó. Hơn nữa, một khi chấp nhận tư nhân đầu tư vào giáo dục, chúng ta không nên và không thể ngăn cản họ mưu cầu lợi nhuận, cũng như không có quyền tham gia vào việc quyết định sử dụng lợi nhuận ấy như thế nào.

Hai loại hình trường tư

Nhưng làm cách nào để có thể giải quyết được những tồn tại này? Từ mô hình quản lý hệ thống trường ĐHNCL của các nước phát triển, nhiều nhà nghiên cứu quản lý giáo dục của Việt Nam cho rằng, Nhà nước có thể phân các nhà đầu tư tư nhân vào giáo dục thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất là nhóm mưu cầu lợi ích, nhưng tình nguyện không sử dụng phần lớn lợi ích vào mục đích tăng tài sản cá nhân, mà dùng lợi ích này để phát triển mở rộng quy mô và chất lượng cơ sở giáo dục.

Ở các nước phát triển, các trường nhóm này được gọi là đại học tư không vì lợi nhuận cá nhân. Chính phủ cấp đất và hầu như miễn thuế hoàn toàn cho đơn vị, với một ràng buộc nhất định là trên 70% lợi nhuận thường niên được sử dụng để tăng quy mô vật chất, củng cố chất lượng cơ sở và phân bổ cổ phần cho những người có quá trình làm việc, cống hiến cho sự phát triển của trường liên tục từ 10 năm trở lên.

Chính sách trên dẫn tới một hệ quả là những ngôi trường này chỉ vài mươi năm sau đã trở thành những trường có hệ thống hạ tầng và chất lượng hoạt động được xã hội thừa nhận. Cũng như từ chỗ nó là sở hữu của một nhóm người, trở thành sở hữu của hàng ngàn, hàng vạn người do cổ phần liên tục được mở rộng sau mỗi năm.

Với các trường đại học tư không đăng ký tình nguyện sử dụng lợi ích của cơ sở đào tạo vào việc phát triển chất lượng và quy mô cơ sở như loại hình nói trên, họ không nhận được bất kỳ ưu đãi nào của nhà nước. Nhà nước để họ tự do quyết định lợi nhuận sau thuế của mình, nhưng đánh thuế rất nặng như một loại hình kinh doanh dịch vụ, rồi dùng những khoản tiền thu được này củng cố chất lượng của những cơ sở giáo dục công lập.

Bằng cách này, các nước hạn chế việc tích tụ tài sản vào một nhóm cá nhân, và do mức thuế nặng, trong khi vẫn phải tốn kém cho đầu tư mở rộng trang thiết bị nhằm thu hút người học, đa số các cơ sở giáo dục nhóm này ở các nước phát triển sau một thời gian hoạt động, đều tình nguyện chuyển sang loại hình thứ nhất. Nguy cơ sử dụng lợi nhuận giáo dục vào mục tiêu tăng tài sản cá nhân dần bị loại trừ, trong khi vẫn khuyến khích được tư nhân đầu tư vào giáo dục có chất lượng.

Quy định chi tiết, kiểm tra chặt chẽ và công khai thông tin

Về việc cắt giảm chương trình, phương tiện và điều kiện hỗ trợ của cơ sở giáo dục vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, Nhà nước có thể hạn chế bằng nhiều cách: Đưa ra những hệ thống tiêu chí chi tiết quy định điều kiện vật chất và phương tiện tối thiểu để cơ sở đào tạo phải chấp hành nếu muốn được phép tuyển sinh, và mỗi năm đều phải tiến hành kiểm tra. Có thể thành lập hội đồng xếp hạng đại học một cách khách quan theo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo hàng năm, rồi phổ biến bảng phân hạng này cùng những thông tin đầy đủ về từng trường đến với xã hội. Các trường sẽ thấy sức ép phải không ngừng củng cố điều kiện và trang bị để không rớt hạng, bởi việc rớt hạng rất dễ dẫn tới việc bị sinh viên tẩy chay.

Một khi thông tin về tình hình các cơ sở giáo dục được cung cấp đầy đủ và cân xứng đến người dân, tự họ sẽ quyết định một cách chính xác việc nên chọn học ở trường nào và chính sức ép của người học sẽ gián tiếp buộc các cơ sở đào tạo phải không ngừng củng cố chất lượng. Nhà nước không cần và không quyết định thay cho người học việc họ nên học trường nào.

Một khi thông tin về điều kiện học hành đã cân xứng, đầy đủ, mà vẫn còn những trường tư có mức học phí rất cao, thì điều đó có nghĩa là người học vẫn chấp nhận do thấy có chất lượng cao hoặc có nhiều cơ hội ở một trường tốt. Chúng ta không thể và không có quyền ngăn cản việc muốn đóng học phí cao vào một trường nào đó của những công dân có khả năng.

Trách nhiệm hợp lý của Bộ GD-ĐT là tiến hành kiểm tra và công khai thông tin để đảm bảo rằng trường ấy có đủ điều kiện tạo ra sản phẩm chất lượng.

Trong những năm qua, công lao và sự đóng góp của các trường ĐHNCL cho xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cách quản lý của Bộ GD-ĐT khiến hệ thống trường ĐHNCL tồn tại những “khuyết tật” đáng kể. Một hệ thống non trẻ với sự hình thành chỉ chừng 20 năm, khiếm khuyết là điều đương nhiên. Song, nếu bộ có cách tiếp cận quản lý đúng đắn ngay từ đầu sẽ không bị quá tải trong quản lý, dẫn đến “thả nổi” như hiện nay, để rồi khiếm khuyết của “chàng trai 20 tuổi” ấy không thể khắc phục.

Dù còn đầy rẫy “khuyết tật”, các nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục đều cho rằng: vẫn phải tiếp tục phát triển hệ thống trường ĐHNCL với các đòi hỏi trước mắt: quy trình thành lập trường rõ ràng, minh bạch, có tiến độ để tránh tiêu cực; thủ tục kiểm soát phải rõ ràng, nghiêm túc; các trường phải có một hội đồng trường đúng nghĩa... Và, để “uốn nắn” những khuyết tật, để củng cố lại chất lượng đào tạo từ các trường ĐHNCL mà lịch sử để lại, hơn lúc nào hết, đang cần bàn tay sắt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

LINH AN – THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục