Giáo dục ĐBSCL: Bao giờ thoát khỏi “vùng trũng”?. Bài 3: Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng

Giáo dục ĐBSCL: Bao giờ thoát khỏi “vùng trũng”?. Bài 3: Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng

Quyết định 20/QĐ-TTg (ngày 20-1-2006) của Thủ tướng về “Phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010” đã tạo ra diện mạo mới cho trường, lớp ở ĐBSCL. Các điểm trường khang trang hơn nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp; một bộ phận giáo viên (GV) an tâm giảng dạy nhờ có nhà công vụ. “Nhưng do cơ sở hạ tầng xã hội của vùng ở mức xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư chưa đồng bộ và đủ mạnh để tạo ra đột phá cho sự nghiệp GD-ĐT toàn vùng” – Đây là nhận định của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vừa đúc kết trong tháng 7 qua.

  • Chuyển biến từ Quyết định 20 của Thủ tướng

Cách đây 4 năm (tháng 8-2005), tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Phát triển GD-ĐT ĐBSCL lần thứ 2. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực) đã chỉ ra những nguyên nhân yếu kém trong sự phát triển giáo dục là: “Nhận thức và cách tổ chức thực hiện chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Từ năm 1999, Thủ tướng đã chỉ đạo tổng đầu tư cho giáo dục ĐBSCL phải ở mức 22% tổng đầu tư cho giáo dục cả nước (tương đương với tỷ lệ dân số), nhưng sau 5 năm thực hiện, chỉ ở mức 17,17%! Thời gian tới, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính phải bảo đảm ngân sách đầu tư cho mảng giáo dục ĐBSCL, tối thiểu cũng phải 22% như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.

Sau hội nghị này, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 20/QĐ/TTg vào tháng 1-2006, tạo nền tảng cho ĐBSCL tập trung đầu tư mới và nâng cấp cơ sở vật chất.

Nhìn lại 3 năm qua, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông trong vùng được củng cố phát triển. So với năm học 2005-2006, năm học 2008-2009 toàn vùng có 6.537 trường, tăng 10,5% số trường; số đạt chuẩn quốc gia là 561 trường, tăng 83,1%.

Hệ thống trường học được rà soát quy hoạch lại phù hợp với đặc điểm dân cư, ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển GD-ĐT; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư, đã tạo bước chuyển biến tích cực...

Điểm trường thuộc trường Tiểu học Long Đức (thị xã Trà Vinh) trong tình trạng xuống cấp.

Điểm trường thuộc trường Tiểu học Long Đức (thị xã Trà Vinh) trong tình trạng xuống cấp.

  • Đầu tư vẫn thiếu...

Tuy nhiên, trong hội nghị hồi tháng 6-2009, tổ chức tại An Giang, ngành giáo dục ĐBSCL vẫn chưa đưa ra số thống kê về tỷ lệ đầu tư ngân sách cho vùng. Nhiều người băn khoăn: Liệu mức đầu tư như hiện nay có “bảo đảm ngân sách đầu tư cho mảng giáo dục ĐBSCL, tối thiểu cũng phải ở mức 22%” như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cách đây 4 năm hay chỉ là mức 17,17% như cũ!?

Một điều đáng buồn cho giáo dục ĐBSCL là tình trạng phòng học tre lá vẫn còn tồn tại. Đây là thiệt thòi lớn cho học sinh vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh Kiên Giang hiện có 8.939 phòng học, trong đó có 386 phòng học cây lá. Theo Sở GD-ĐT Kiên Giang, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường trong tỉnh còn thiếu phòng học chức năng, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi và bãi tập.

Tại Hậu Giang hiện không còn phòng học tre lá. “Nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu các phòng chức năng. Đặc biệt, Hậu Giang còn 27 xã, phường chưa có trường mẫu giáo mầm non” – ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết.

Ngay tại thị xã Trà Vinh, vì không có trường nên học sinh tại điểm trường phụ thuộc Trường Tiểu học Long Đức phải học “ké” trên nền đất của đình Vĩnh Yên; học “nhờ” ở dãy phòng của Trường THCS Long Đức.

Còn tại huyện Trà Cú, Trà Vinh, nơi có đông học sinh dân tộc Khmer theo học thì cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các trường mẫu giáo. Hiện Trà Cú còn khoảng 40 phòng học bán kiên cố và tre lá…

Nhìn chung, hệ thống hạ tầng giáo dục ĐBSCL còn thấp kém, đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH toàn vùng. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng: Cần triển khai sâu rộng xã hội hóa GD-ĐT ở ĐBSCL để huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Các địa phương phải quan tâm đúng mức vấn đề này. Trong đó, nên tập trung nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho GD-ĐT. Ưu tiên cho vùng tiếp cận và phát huy các nguồn vốn ODA…

Đề xuất này xem ra cũng “chẳng khác gì mấy” so với cách đây 4 năm, thậm chí là gần 10 năm trước! Vấn đề là các bộ ngành hữu quan đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về tỷ lệ đầu tư cho GD-ĐT là 22% hay chưa? Bộ máy quản lý ngành giáo dục và lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL đã quyết tâm, tận dụng hết các nguồn vốn? Hay vốn đầu tư có nhưng do năng lực quản lý yếu chưa tận dụng hết? Đó là những câu hỏi cần giải đáp cho bài toán nâng cấp cơ sở vật chất ngành giáo dục ĐBSCL.

C.PHONG – L.CHINH – B. ĐẠI

>> Giáo dục ĐBSCL: Bao giờ thoát khỏi “vùng trũng”? 

- Bài 1: Học sinh bỏ học, lỗi tại ai?

- Bài 2: Cần chính sách để giữ giáo viên

Tin cùng chuyên mục