Khởi sắc giáo dục ở Côn Đảo

Khó mấy cũng phải học
Khởi sắc giáo dục ở Côn Đảo

Giữa tháng 4, cùng tham gia chuyến thị sát chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), tôi ngẩn ngơ trước một hòn đảo quá đỗi xinh đẹp, thanh bình và có cảm giác thời gian đã kịp xóa mờ những vết tích đau thương ở nơi trước đây từng được mệnh danh “địa ngục trần gian”. Thay vào đó, những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đã mọc lên với không gian đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ (Côn Đảo - Vũng Tàu) trong giờ tập hát.

Học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ (Côn Đảo - Vũng Tàu) trong giờ tập hát.

Khó mấy cũng phải học

Ấn tượng nhất là sự chuẩn hóa hệ thống trường lớp ở Côn Đảo, “chuẩn” từ trong ra ngoài, “chuẩn” trong chiều sâu của định hướng giáo dục bài bản. Đoàn chúng tôi thật sự ngạc nhiên khám phá điều kiện cơ sở vật chất tối ưu với sĩ số chuẩn mỗi lớp 30-35 học sinh. Cả huyện có 5 trường: 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS - THPT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng đã có tới 4 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hầu hết các trường ở đây đều được trang bị đầy đủ hệ thống phòng máy vi tính nối internet, kể cả các trường mầm non cũng sử dụng máy tính trong dạy và học. Hệ thống công nghệ thông tin được giáo viên và học sinh Côn Đảo tận dụng tối đa và được coi là phương tiện hữu ích để tiếp cận thông tin ở vùng đảo xa này.

Em Lê Võ Hùng Như, Trường THCS - THPT Võ Thị Sáu, chia sẻ: “Ở đây phương tiện vào đất liền chủ yếu bằng máy bay và tàu thủy nên kinh phí đi lại rất tốn kém, vì vậy tụi em ít có cơ hội học hỏi, giao lưu với các trường ở đất liền, ít có sách tham khảo và phương tiện học tập nên chủ yếu phải tìm hiểu qua internet và truyền hình”. Tuy ở xa đất liền, phương tiện dạy và học còn khó khăn nhưng 3 năm qua sự nghiệp giáo dục ở đây đã chuyển biến rõ rệt.

Bà Trần Thị Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Tỷ lệ đậu tốt nghiệp 3 năm qua đều đạt 100%, đậu vào cao đẳng - đại học 50%-70%. 100% giáo viên đều đạt chuẩn, 39% giáo viên đạt trên chuẩn ở mầm non, 96% ở tiểu học và 88% ở THCS. So với một số trường ở đất liền thì các trường ở đây cũng có nhiều hoạt động nổi trội không kém. Sống ở vùng đất linh thiêng nên tinh thần hiếu học của người dân Côn Đảo rất cao. Đặc biệt, ở vùng đất đảo này chưa bao giờ có khái niệm học sinh bỏ học”.

Chính tinh thần hiếu học của học sinh nơi đây đã níu giữ nhiều giáo viên tình nguyện ở lại Côn Đảo công tác sau khi hết thời gian phân công nhiệm sở. Trong đó, Trường THCS - THPT Võ Thị Sáu và Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc là các trường có truyền thống nhiều thế hệ giáo viên tình nguyện, hơn 70% là giáo viên tình nguyện ở các nơi khác đến.

Giáo dục bằng lịch sử Côn Đảo

* Học sinh Côn Đảo càng có động lực học tập và tự hào là người con đất đảo hơn khi mới đây Côn Đảo được Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo theo mục tiêu xây dựng thành Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Theo ý kiến của giáo viên các trường ở Côn Đảo, việc áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp đã mang lại hiệu quả thực chất về chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt là phương pháp bản đồ tư duy được áp dụng ở các trường tại Côn Đảo. Phương pháp dạy học này thực tế đã tạo hứng thú trong giờ học và nâng cao tính tư duy sáng tạo cho học sinh. Bằng cách sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết, với tư duy tích cực của giáo viên và học sinh, giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ lâu. Và hơn hết, vật liệu sử dụng dễ làm nên phù hợp với các trường ở Côn Đảo.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Các trường ở Côn Đảo đã cụ thể hóa phong trào bằng những hoạt động thiết thực gắn với lịch sử, truyền thống của địa phương. Học sinh được tham gia nhiều hoạt động: tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, viếng và làm cỏ ở nghĩa trang Hàng Dương. Đặc biệt, mỗi trường đều đăng ký chăm sóc các khu mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Hàng Dương… Trong các hoạt động ngoại khóa đều lồng ghép các câu hỏi nội dung liên quan đến hệ thống di tích lịch sử, những anh hùng dân tộc…

Ông Nguyễn Thành Đạt, Trưởng phòng giáo dục huyện Côn Đảo, cho biết: “Những hoạt động này đã thu hút được học sinh tham gia với cả tấm lòng nhiệt huyết yêu hòn đảo bởi những câu chuyện thật về những người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Qua đó các em cũng nỗ lực học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, Côn Đảo cũng có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích tinh thần học tập của các em, đối với học sinh có hộ khẩu đều được miễn học phí, những học sinh ở xa trường 13km được hỗ trợ tiền xăng 150.000 đồng/tháng…”.

Lê Linh

Tin cùng chuyên mục