Nỗ lực xây trường cho năm học mới

Năm học 2024-2025 được xem là năm bản lề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu giáo dục giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) là cú hích toàn diện để bổ sung mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu về chỗ học của người dân TPHCM.

Hàng chục công trình xây mới

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, thông tin, năm học 2024-2025, quận Bình Tân đưa vào sử dụng thêm 7 công trình trường học (gồm 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS) với tổng quy mô 204 phòng học.

“Trong vòng 10 năm trở lại đây, đây là năm học quận Bình Tân có nhiều phòng học mới nhất được đưa vào sử dụng. Năm học 2025-2026, địa phương có thêm 9 trường nữa đưa vào hoạt động. Đây là kết quả của việc quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng, ưu tiên đất xây dựng trường học”, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho biết.

F1b.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Tân Bình) trong ngày khánh thành trường mới vào tháng 1-2023. Ảnh: MINH THƯ

Nhờ có thêm 7 công trình trường học xây mới, dự kiến trong năm học tới, bậc tiểu học sẽ giảm sĩ số học sinh/lớp, riêng cấp THCS duy trì ổn định sĩ số 45 học sinh/lớp so với năm học trước. Tuy nhiên, địa phương chưa thể thực hiện các mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập (với yêu cầu giảm sĩ số học sinh/lớp). Hiện nay, toàn quận chỉ mới có 13/24 trường mầm non, 1/24 trường tiểu học và 1/14 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng trường tiên tiến hội nhập gặp khó do phải ưu tiên đáp ứng chỗ học cho người dân.

F4b.jpg
Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) là một trong những dự án cải tạo, xây mới để bổ sung thêm phòng học trong năm học 2024-2025. Ảnh: MINH THƯ

“Phương án di dời học sinh qua các trường ở khu vực lân cận được tính đến để giảm sĩ số học sinh/lớp, đảm bảo yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc xây dựng trường mới ở các xã lân cận đang gặp nhiều khó khăn”, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè Lê Thị Oanh xác nhận.

Tương tự, huyện Nhà Bè đang triển khai dự án xây dựng mới một trường THCS ở xã Phú Xuân. Để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Nhà Bè phải đảm bảo tỷ lệ 60% trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 1/7 trường ở khu vực này được công nhận chuẩn quốc gia, phấn đấu có thêm 3 trường nữa được công nhận mới hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tại huyện Củ Chi, năm học 2024-2025, xã Tân Thạnh Đông có thêm một trường THCS mới đưa vào hoạt động. Theo kế hoạch Đề án xây dựng 4.500 phòng học do UBND TPHCM ban hành, huyện Củ Chi có 10 công trình trường học xây mới, đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho người dân. Hiện nay, các dự án đang được ráo riết đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất để khởi công xây dựng trường học.

Với huyện Bình Chánh, từ nay đến năm 2025, địa phương đặt mục tiêu xây dựng mới 27 công trình trường học để hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi). Mới đây, huyện Bình Chánh đã khởi công xây dựng 5 công trình trường học, trong đó có 2 công trình thuộc Đề án xây dựng 4.500 phòng học (gồm 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non). Tuy nhiên, các công trình không kịp đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2024-2025. Trước mắt, tháng 9-2024, huyện Bình Chánh có một trường THCS mới đưa vào hoạt động, góp phần giải quyết bài toán về chỗ học, nâng cao tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên địa bàn.

Trong khi đó, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 Khưu Mạnh Hùng cho hay, từ nay đến năm 2025, địa phương triển khai 6 dự án xây dựng trường học với tổng quy mô 165 phòng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 12 nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu xây dựng mới 800 phòng học, nhưng qua 4 năm triển khai, mới xây dựng được 97 phòng, đạt tỷ lệ quá thấp so với mục tiêu đề ra. Do đó, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường lớp để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Riêng tại các quận nội thành, năm học 2024-2025, nhiều công trình trường học được xây mới như Mầm non 12 (quận 3), THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5), THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6)…

Đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân

Thừa nhận thực tế khó khăn chung của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, đang có mâu thuẫn giữa mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học cho người dân và yêu cầu thực hiện các chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế. Để giải quyết khó khăn đó, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo thành phố yêu cầu các địa phương ưu tiên đảm bảo đủ chỗ học cho người dân, phân bố chỗ học sao cho học sinh được học trường gần nhà, có thể tính đến phương án “hy sinh” trường chuẩn quốc gia.

Về lâu dài, các địa phương cần đẩy mạnh kế hoạch đầu tư xây dựng trường lớp, thực hiện tốt công tác quy hoạch, dự báo trước tình hình tăng, giảm học sinh để có giải pháp “đón đầu” đối với yêu cầu xây dựng trường lớp đảm bảo đủ chỗ học cho người dân. Riêng đối với việc xây dựng trường tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế, khi thực hiện một trường theo mô hình tiên tiến, các quận, huyện và TP Thủ Đức phải đảm bảo khu vực lân cận có đủ trường công lập đáp ứng chỗ học cho học sinh không đủ điều kiện học trường tiên tiến do có học phí cao hơn.

Bên cạnh đó, TPHCM đang đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, toàn thành phố có 110 dự án xây dựng trường lớp từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng quy mô 2.638 phòng học, tổng mức đầu tư 541.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục