Sổ tay: Luẩn quẩn

Quy định các đại học (ĐH), học viện, trường ĐH không đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), gọi tắt là Thông tư 57, mà Bộ GD-ĐT ban hành là một chủ trương đúng và được giới chuyên môn ví như “chiếc phao cứu sinh” cho các trường trung cấp. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cách thực hiện lại thiếu cơ sở khoa học.

Trước thực trạng các trường trung cấp “chết đuối” sau mỗi mùa tuyển sinh, còn các trường ĐH thi nhau “ôm” đào tạo hệ trung cấp với chỉ tiêu nhiều hơn cả hệ CĐ, ĐH, Bộ GD-ĐT đã thẳng tay loại bỏ hệ đào tạo này từ năm 2012. Quyết định này là đúng. Bởi lẽ, ngay trong Luật Giáo dục cũng quy định rất rõ các trường ĐH chỉ đào tạo từ hệ CĐ trở lên. Về mặt chuyên môn, có thể nói Thông tư 57 sẽ giúp các trường ĐH chuyên tâm vào nhiệm vụ chính là đào tạo ĐH và sau ĐH. Hơn nữa, quy định này cũng “giải cứu” cho các trường trung cấp thoát khỏi cảnh thiếu vắng học viên.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế và phân tích kỹ thì quy định trên của Bộ GD-ĐT có phần hơi nóng vội và vẫn còn theo kiểu không quản được thì cấm. Thực tế trong một thời gian dài, bộ đã buông lỏng quản lý khi vẫn cho các trường chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCCN một cách không kiểm soát. Các trường ĐH cố ôm đồm đào tạo hệ TCCN chỉ với 2 lý do đó là nguồn thu và nguồn tuyển liên thông cho hệ CĐ, ĐH. Ngoại trừ 2 ĐH Quốc gia và một số học viện, hầu như trường ĐH nào trên cả nước cũng đào tạo hệ trung cấp. Do đó, khi quyết định này ban hành đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, nhất là nguồn thu, nguồn tuyển, đời sống của cán bộ giảng dạy… nên các trường sẽ tìm mọi cách để giữ hệ TCCN. Từ thực tế này sẽ thấy được cái thiếu của Thông tư 57, đó là chưa suy xét thấu đáo điều kiện thực tế, đặc biệt là với những ngành nghề đặc thù, đồng thời cần phải có lộ trình để các trường giải quyết hậu quả cho người học hệ TCCN.

Và khi các trường đưa ra những cái khó đang tồn tại, Bộ GD-ĐT lại cho rằng đối với những trường đặc thù, những ngành nghề đặc thù, bộ sẽ xem xét; đồng thời các trường gặp khó khăn thì làm kiến nghị gửi bộ xem xét. Sự thiếu đồng bộ từ một chủ trương đã dẫn đến nảy sinh nhiều hệ lụy. Các trường ĐH, nhất là các trường tư thục nháo nhào lùng sục mua trường TCCN, viết đề án thành lập trường TCCN.

Bên cạnh đó, nhiều trường đã tìm mọi cách lách để “xin” bộ cho tuyển sinh hệ TCCN trong năm 2012 và công khai tuyển sinh. Trong khi đó, các trường TCCN vẫn chưa tìm thấy lối thoát thật sự. Để chủ trương đúng, cơ quan chủ quản cần phải có cách kiểm soát và quản lý đồng bộ, chặt chẽ. Trước đây, các trường từ trung cấp nâng cấp lên CĐ, ĐH nhưng nay quay lại mở hệ trung cấp thì rơi vào vòng luẩn quẩn. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần xem xét, công khai lại một số ngành đặc thù để duy trì nguồn nhân lực và giao chỉ tiêu đúng cho một số trường đặc thù, có thế mạnh thì chắc chắn quy định trên sẽ phát huy được hiệu quả. Khi đó, sẽ không còn cảnh cấm cứ cấm nhưng xin vẫn cứ cho như hiện nay.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục