PGS Văn Như Cương: Ngành giáo dục phải thực sự “sạch”

Hôm nay 5-8, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết năm học 2011-2012, triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013. Một năm học mới đã bắt đầu. Thời điểm này, hàng triệu gia đình đang có chung mối bận tâm về chuyện học hành của con cái. Trong câu chuyện với PV Báo SGGP, PGS Văn Như Cương (ảnh) chia sẻ một số vấn đề xã hội quan tâm.
PGS Văn Như Cương: Ngành giáo dục phải thực sự “sạch”

Hôm nay 5-8, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết năm học 2011-2012, triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013. Một năm học mới đã bắt đầu. Thời điểm này, hàng triệu gia đình đang có chung mối bận tâm về chuyện học hành của con cái. Trong câu chuyện với PV Báo SGGP, PGS Văn Như Cương (ảnh) chia sẻ một số vấn đề xã hội quan tâm.

* PV: Thưa ông, để chuẩn bị cho năm học mới này, việc nhiều phụ huynh Hà Nội xô đổ cổng trường thực nghiệm để xin cho con học lớp 1 vừa qua chắc để lại nhiều suy nghĩ sâu sắc đối với ông?

* PGS Văn Như Cương:
Tôi tự hỏi phải chăng do người dân mất lòng tin vào chương trình giáo dục, vì vậy họ phải đổ xô tìm một mô hình giáo dục mới đỡ sức ép hơn. Nhiều người cho rằng, lỗi ở ngành giáo dục một phần, nhưng phụ huynh cũng có lỗi khi tạo sức ép, đặt kỳ vọng lên vai con mình nhiều quá. Ngoài ra, còn do tâm lý đám đông. Các năm trước phụ huynh không đổ xô vào trường đó nhiều như thế, nhưng sau khi biết GS Ngô Bảo Châu từng học ở đó thì họ đổ xô vào. Ai cũng muốn con cái hơn mình ngày xưa, muốn cho con học nơi tốt nhất có thể, mà đôi khi không biết năng lực con mình thế nào, nơi học đó ra sao. Nhiều ông bố bà mẹ hiện nay có tâm lý cho con vào học trường điểm, trường quốc tế. Tôi biết một số người thậm chí còn nhập tịch cho con ở Campuchia để đáp ứng yêu cầu học trường quốc tế. Đó là một tâm lý khó hiểu, phải chăng cho con học trường quốc tế thì oai hơn? Có lẽ các bậc phụ huynh cũng cần phải nhìn nhận vấn đề này đúng đắn hơn.

Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 năm học 2012 - 2013 tại Trường THCS Hồng Bàng, quận 5,TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 năm học 2012 - 2013 tại Trường THCS Hồng Bàng, quận 5,TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

* Một điều đáng mừng là năm nay, tuyển sinh đầu cấp đã không còn “nóng” như các năm. Đơn cử ở Hà Nội đã cơ bản không còn tình trạng bố mẹ, ông bà thức trắng đêm xếp hàng xin học mầm non, lớp 1 cho con vì Hà Nội thực hiện bốc thăm? Ông có thấy mừng vì điều đó?

* Đúng thế. Năm nay tuyển sinh cấp 1 ở Hà Nội không có vấn đề gì lắm, trừ vụ việc ở Trường Thực nghiệm. Nhưng tâm lý chạy trường vẫn còn. Đây là bức xúc của nhiều năm nay, chạy vào trường điểm, chạy trường trái tuyến. Thường các trường điểm, mỗi thầy cô được một suất và họ có quyền cho con em hoặc bán suất đó cho người quen, điều đó cũng gây lộn xộn ở nhiều nơi. Điều đáng buồn là việc này đã được coi là bình thường. Phụ huynh biết, giáo viên biết, hiệu trưởng nhà trường biết, phòng, sở và bộ đều biết nhưng ai cũng tặc lưỡi cho qua. Có lẽ ai cũng nghĩ, thôi thì lương giáo viên thấp nên những việc “nho nhỏ” như vậy nên cho qua. Tâm lý phụ huynh bây giờ đều thế, kể cả những ngày lễ tết. Giáo viên cũng không ép phụ huynh, nhưng nhiều phụ huynh thương giáo viên thu nhập thấp nên coi như đó là chút quà bồi dưỡng thêm cho thầy cô. Nếu điều đó chỉ đơn thuần như vậy sẽ là bình thường, nhưng nếu quá lên lại thành chuyện khác.

Tôi vẫn cứ mong muốn ngành giáo dục phải thực sự “sạch”. Nơi cần sạch sẽ đầu tiên phải là ngành giáo dục, trước hơn cả nhu cầu sạch về lương thực, thực phẩm. Trước kia môi trường giáo dục trong sáng lắm. Nhiều giáo viên sẵn sàng dạy phụ đạo cho học sinh không lấy tiền. Nhưng cơ chế bây giờ đã khác. Tất nhiên giáo viên dạy thêm được trả lương lao động, đó là đúng, nhưng dạy thêm bất chấp để kiếm tiền là không chấp nhận được. Không nên để đồng tiền chi phối nhiều ở môi trường giáo dục. Nhất là việc chạy trường.

* Một năm học mới lại bắt đầu. Không ít phụ huynh bắt đầu lo lắng đến các khoản đóng góp đầu năm học. Trong đó có không ít khoản bị lạm thu?

* Tôi vẫn cho rằng có thể cho phép nhận quà biếu, tặng của phụ huynh cho trường. Nhiều phụ huynh biếu tiền cho trường, tôi nhận và công khai cho toàn trường biết, nếu biếu cá nhân thì tôi từ chối. Nhưng ủng hộ trường cũng có khía cạnh khác là bị ép ủng hộ. Nhiều nơi có sổ vàng, sổ hảo tâm. Cái này tuy được phép nhưng lại có biến tướng. Nhiều người ủng hộ tự nguyện nhưng thực chất là bị ép buộc, vì người này phải nhìn người kia mà ủng hộ. Sau khi bị lên án, kiểu sổ vàng này đã đỡ hơn nhưng lại có nhiều hình thức khác như ủng hộ trồng cây, mua ghế đá chẳng hạn. Đó là cách làm không minh bạch. Dù bộ, sở đều nói phải tự nguyện, minh bạch nhưng thực chất có tính ép buộc. Muốn dạy thêm chẳng hạn, nhà trường phát một tờ đơn xin học thêm đã in sẵn cho phụ huynh để ký tên. Những người làm quản lý thừa biết đó tuy tự nguyện nhưng thực ra là bắt buộc. Đó là điều đã diễn ra nhiều năm nay mà chưa giải quyết được.

* Đó là những chuyện gần như mới chỉ là “bên lề” của một chuyện quan trọng hơn mà xã hội rất quan tâm, đó là chất lượng giáo dục bậc học phổ thông hiện nay. Nhiều người luôn lo lắng về điều này. Ông có cho rằng, ngành giáo dục cần sớm tạo sự thay đổi?

Phụ huynh học sinh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2012 - 2013 tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Phụ huynh học sinh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2012 - 2013 tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

* Nghị quyết 11 của Đảng đã chỉ rất rõ phải đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục. Nhưng đã hơn 1 năm rồi mà ngành giáo dục vẫn chưa làm được gì nhiều ngoài các hội thảo và những thay đổi lặt vặt như chỉnh sửa, đổi mới vài điểm trong thi cử vừa qua đã làm. Vấn đề lớn nhất là chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo. Bộ GD-ĐT cho rằng sau năm 2015 sẽ thay đổi chương trình và sách giáo khoa, nhưng đến giờ vẫn chưa làm gì, không lẽ đến lúc đó mới làm? Đâu chỉ thay đổi chương trình, mà là thay đổi cả cấu trúc của hệ thống giáo dục. Ít nhất là về mặt phân luồng, phổ thông học bao nhiêu năm, 10 năm, 11 hay 12 năm phải có quyết định, vì có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên học 11 năm thôi, rồi thi tốt nghiệp. Đại bộ phận thi tốt nghiệp xong thì đi học các trường nghề, vì chúng ta rất cần; còn lại bộ phận nào đó được học lớp 12 thì như dự bị đại học.

Như thế, chương trình phổ thông chỉ là 11 năm. Sau 11 năm, anh nào thi tốt nghiệp phổ thông được ngưỡng điểm nào đó thì được học lớp 12 để vào ĐH; còn lại thi vào trường nghề. Như thế là chúng ta phân luồng ngay từ lớp 11. Ở Đức, ngành giáo dục phân luồng rất rõ rệt: học hết THCS, lên THPT một là chọn phổ thông có dạy nghề, hai là phổ thông không dạy nghề (như ở Việt Nam hiện nay). Học phổ thông không dạy nghề là để định hướng vào ĐH; còn phổ thông dạy nghề là để học nghề chất lượng cao. Ở Việt Nam, chúng ta đến nay chưa bàn đến điều đó thì bàn về viết sách giáo khoa thế nào được?

Chúng ta hiện nay cứ lên THPT là học theo một chương trình như nhau, tức là chỉ có một con đường để vào ĐH. Chương trình phổ thông như thế nào, học những cái gì... tất cả những vấn đề này đều là vấn đề rất lớn nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa định hình rõ ràng. Chưa quyết định thì không thể làm chương trình được, trong khi năm 2015 đã sắp đến. Nếu đến 2015 mà chưa quyết được, lại chỉ là việc cắt bớt chương trình, giảm tải như cách vừa qua làm thì không ổn. Giảm tải như vừa qua đã làm thì hoàn toàn vô nghĩa, vì các trường hầu như vẫn dạy như cũ.

"Đặc biệt, hiện nay thiếu hụt nhất là dạy học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, đối xử. Chương trình hiện nay nặng quá, cần cắt bớt, thay đổi, đồng thời tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Tới đây, khi thay đổi chương trình, giáo dục cần mở hơn, không nên đóng kín như hiện nay"

PGS Văn Như Cương

LÂM NGUYÊN thực hiện

Tin cùng chuyên mục