Vai trò của hội phụ huynh học sinh đến đâu?

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 2-10, đăng bài “Điệp khúc tiền trường và người trong cuộc”, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi về vai trò, nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh và kiến nghị phải thanh tra giám sát việc vận động, sử dụng Quỹ hội phụ huynh sao cho hiệu quả. Xin trích đăng một số ý kiến sau đây nhằm có cái nhìn đúng, sẻ chia với người trong cuộc.

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 2-10, đăng bài “Điệp khúc tiền trường và người trong cuộc”, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi về vai trò, nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh và kiến nghị phải thanh tra giám sát việc vận động, sử dụng Quỹ hội phụ huynh sao cho hiệu quả. Xin trích đăng một số ý kiến sau đây nhằm có cái nhìn đúng, sẻ chia với người trong cuộc.

  • Ông Trần Thanh Tuân, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3: Chúng tôi không bị ai chi phối

Ai bảo chúng tôi chỉ là cánh tay nối dài của ban giám hiệu nhà trường? Xin thưa rằng chúng tôi hoạt động độc lập và không hề bị nhà trường chi phối hay điều khiển. Những khoản tiền mà phụ huynh đóng góp đều được chi vào những nội dung, mục đích rõ ràng - những công trình hữu ích giúp con em học tập tốt hơn, vui chơi giải trí lành mạnh và phát triển toàn diện hơn. Cụ thể, mới đây thấy nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu, học sinh ngại bước vào, Quỹ hội phụ huynh của trường đã đầu tư tiền sửa sang, nâng cấp… Ngoài phát thưởng cho học sinh giỏi, hỗ trợ các hoạt động văn nghệ thể thao… Quỹ hội phụ huynh còn giúp đỡ những trường hợp học sinh gặp bệnh hiểm nghèo, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất để các em không gián đoạn chuyện học hành. Không những thế, với vai trò đại diện cho cha mẹ học sinh (CMHS), chúng tôi cử người trực tiếp tham gia dự giờ, giám sát việc học của con em mình được dạy dỗ như thế nào để đạt chất lượng cao. Phát hiện việc giảng dạy chưa đạt yêu cầu hoặc thầy cô dạy ở lớp này tốt hơn lớp kia hoặc dạy ở trung tâm kỹ hơn, chúng tôi thẳng thắn góp ý với giáo viên bộ môn, ban giám hiệu để điều chỉnh. Chúng tôi còn tham gia xử lý, giải quyết những trường hợp học sinh chưa ngoan, có hành vi đạo đức chưa chuẩn. Có thể nói để đảm trách nhiệm vụ đại diện hội cha mẹ học sinh, chúng tôi phải thường xuyên “vi hành” tại trường, kiểm tra mọi hoạt động từ vệ sinh bữa ăn, kỷ luật học đường, đôn đốc các phong trào thi đua thực chất, tránh bệnh thành tích giả tạo…

  • Bà Trần Thị Thu Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong quận 5: Quỹ hội phụ huynh đã giúp nhiều học sinh nghèo có cơ hội đến trường

Trường chúng tôi có trên 1.500 học sinh trong đó có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mức sống của gia đình thấp. Vì thế, nhiều năm nay Quỹ hội phụ huynh và Quỹ khuyến học của Ban đại diện CMHS trường luôn hỗ trợ cho trên 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Quỹ hội phụ huynh còn hỗ trợ những hoạt động khác của nhà trường, trong đó năm học mới này đầu tư xây dựng công trình cần thiết là phòng tư vấn tâm lý học đường để tư vấn cho học sinh. Do phần đông phụ huynh của trường không có điều kiện về kinh tế nên việc đóng góp vào Quỹ hội phụ huynh tùy hỷ, tùy tâm và mức đóng góp thấp nhất chỉ một hai chục ngàn đồng, dĩ nhiên ai có điều kiện thì đóng cao hơn. Việc đóng góp này hoàn toàn tự nguyện, chưa bao giờ trở thành áp lực đối với phụ huynh. Trân trọng sự đóng góp chia sẻ của phụ huynh nên nhà trường sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao.

        Một phụ huynh (huyentrang…@gmail.com): “Né” tham gia hội phụ huynh

Nhiều năm tham gia hội phụ huynh của lớp và trường và nay đã “né” không lãnh nhiệm vụ này, tôi nhận thấy công việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này không đơn giản mà cần thời gian, tâm huyết thật sự. Còn vào ban đại diện CMHS chỉ để lấy oai, dễ kết thân với ban giám hiệu, không có tiếng nói riêng, hành động độc lập thì đừng tham gia. Phải thừa nhận do ngán ngại việc thu tiền đầu năm học nên nhiều người không muốn tham gia hội phụ huynh và “nhường” ai đó tiếp tục xung phong làm việc này. Mới đây đi họp phụ huynh cho con gái đang học lớp 11 ở một trường thuộc quận trung tâm, tôi thấy vị đại diện phụ huynh cũ lên nói vài câu chiếu lệ về hoạt động của hội, rồi đi thẳng vào vấn đề thu tiền trường làm cái này, cái nọ. Chưa thấy ai phát biểu ý kiến đồng thuận hay không, vị này tự kết luận và ấn định luôn mức thu quỹ hội, quỹ lớp, quỹ khuyến học, hỗ trợ học sinh tiền photo tài liệu… 1 triệu đồng/người. Việc “ép buộc” tự nguyện đóng tiền quỹ hội khiến nhiều phụ huynh cảm thấy ấm ức, không rõ mình đóng tiền để làm gì? Tất nhiên, ở đây có một phần lỗi của phụ huynh là “né tránh” không tham gia ban đại diện CMHS của lớp, của trường nên khó tìm người có năng lực, trách nhiệm làm công việc này như đòi hỏi.

        Ông Phạm Thành Nam, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM: Phụ huynh có quyền không đóng góp

Từ sau ngày khai giảng năm học mới đến nay, Thanh tra của Sở GD-ĐT TP nhận được 3 trường hợp phản ánh của phụ huynh liên quan đến việc đóng tiền trường. Chúng tôi đang tiến hành thanh tra, kiểm tra sự việc và nếu phát hiện sai phạm, sử dụng những khoản tiền thu thêm không đúng mục đích, tinh thần vận động phụ huynh đóng góp sẽ xử lý, chấn chỉnh ngay. Tất cả các khoản tiền thu được từ nguồn vận động của Ban đại diện CMHS đều phải thực hiện theo các quy định hiện hành và trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận. Vì thế phụ huynh có quyền không tham gia đóng góp nếu không đồng ý với các khoản đóng góp, vận động của nhà trường. Thanh tra sở cũng từng nhận được một số phản ánh của phụ huynh về việc con em họ có hiện tượng bị trù dập do không tham gia đóng tiền trường nhưng khi thanh tra, mời đại diện nhà trường và phụ huynh lên thì sự việc không đúng như phản ánh.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục