Việc nhỏ mà không nhỏ

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về một số lời phê bình, nhận xét có một không hai của các thầy, cô giáo trên bài kiểm tra của học sinh. Trên một số diễn đàn còn thành lập hẳn các topic (chủ đề) tranh luận về việc nên hay không nên phá cách trong việc giáo viên nhận xét bài làm của học sinh. Trong đó, dư luận đặc biệt chú ý đến lời phê hết sức “bình dân học vụ” của một giáo viên tiếng Anh trường giáo dục thường xuyên trên bài làm của học sinh: “Em học quá giỏi, có tố chất bá đạo của học sinh”.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về một số lời phê bình, nhận xét có một không hai của các thầy, cô giáo trên bài kiểm tra của học sinh. Trên một số diễn đàn còn thành lập hẳn các topic (chủ đề) tranh luận về việc nên hay không nên phá cách trong việc giáo viên nhận xét bài làm của học sinh. Trong đó, dư luận đặc biệt chú ý đến lời phê hết sức “bình dân học vụ” của một giáo viên tiếng Anh trường giáo dục thường xuyên trên bài làm của học sinh: “Em học quá giỏi, có tố chất bá đạo của học sinh”.

Hay nhận xét được cho là khá sốc của một giáo viên trường THPT dành cho học trò trong một bài kiểm tra môn Địa lý: “Em là nỗi nhục của Bộ Giáo dục”. Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục lan truyền lời phê bình được cho là xưa nay hiếm của một giáo viên dạy môn lịch sử lớp 11: “Trình bày bẩn, cẩu thả. Xem lại ý thức học ngay nếu thực sự muốn làm con rể cô”. Câu chữ hơn một chút là các lời phê: “Em vẫn duy trì phong độ không học bài”, “Lười học văn, khó thành người tử tế”…

Khoan hãy nói đến ý nghĩa gửi gắm thật sự đằng sau những lời phê bình đó, rõ ràng cách sử dụng từ ngữ của giáo viên trong những trường hợp trên không phù hợp với văn phong của môi trường sư phạm. Nghiêm trọng hơn, một số lời phê có thể khiến người nhận cảm thấy bị xúc phạm. Lỗi lầm qua một bài viết không phải là cơ sở cho giáo viên đánh giá nhân phẩm hoặc năng lực của học sinh. Người viết lời phê, trong một phút nóng vội, thiếu suy nghĩ nào đó chưa lường được hết hậu quả của những phát ngôn đó gây ra. Mặc dù vẫn có ý kiến đồng tình, ủng hộ, cho đó là sự phá cách trong giáo dục nhưng nhìn chung, đa số ý kiến đều lên tiếng phản đối. Môi trường giáo dục cần lắm những phá cách, sáng tạo nhưng đó là phá cách, sáng tạo trong khuôn khổ giới hạn cho phép. Nhận xét cốt yếu là thể hiện mong muốn học sinh hoàn thiện hơn chứ không phải khiến các em sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm. Hơn nữa, chính câu chữ mà giáo viên lựa chọn sẽ thể hiện phần nào trình độ học thức, phẩm chất và năng lực của giáo viên. Sử dụng không đúng liều lượng sẽ khiến khoảng cách giữa thầy và trò trở nên xa cách, học sinh thiếu lòng tin và kính trọng thầy, cô giáo. Đó là điều hết sức nguy hại trong giáo dục.

Trở lại với quy định giáo viên không cho điểm học sinh lớp 1 cách đây không lâu do Bộ GD-ĐT ban hành, dễ thấy lời phê bình, nhận xét của thầy, cô giáo có tác động lớn đến nhận thức và thái độ học tập của học sinh. Dù sau các lời phê bình đó, giáo viên sẽ vẽ thêm biểu tượng mặt cười hay mặt khóc thì câu chữ nhận xét vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định nội dung tiếp nhận của học sinh.

Qua đó cho thấy, viết lời phê bình, nhận xét bài làm của học sinh sao cho ngắn gọn, đủ ý, vừa thể hiện ý kiến đánh giá vừa mang tính động viên, khuyến khích học sinh là điều không phải giáo viên nào cũng làm được. Nói như bày tỏ của hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, quy định không cho điểm học sinh lớp 1 thật ra đã tạo thêm khối lượng công việc và áp lực không nhỏ đối với giáo viên. Mỗi lớp học có từ 40-50 học sinh/lớp, phê bình qua loa, giống nhau sẽ bị cho là khuôn sáo, thiếu đầu tư vào giảng dạy. Nhưng nếu nhận xét quá chi tiết, giáo viên sẽ mất một khoảng thời gian không nhỏ. Đó là chưa kể việc phải cân nhắc sử dụng từ ngữ thế nào cho phù hợp, tránh làm tổn thương hay tạo ra hiểu lầm đáng tiếc cho học sinh. Tiếc là hiện nay, công việc chấm bài đang bị nhiều người xem nhẹ. Làm sao để những hạt sạn như thế không tồn tại? Câu trả lời xin nhường lại cho các chuyên gia và những nhà quản lý giáo dục.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục