Tuyển sinh khối trung cấp chuyên nghiệp: “Xám” nhiều hơn “sáng”

Tiếp tục “hụt hơi”...
Tuyển sinh khối trung cấp chuyên nghiệp: “Xám” nhiều hơn “sáng”

Đó là thách thức và trăn trở của tất cả các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TPHCM tại cuộc họp bàn về công tác tuyển sinh và quản lý đào tạo do Bộ GD-ĐT chủ trì ngày 28-2.

Học viên Khoa Cơ khí trung cấp Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành trên máy phay. Ảnh: Mai Hải

Học viên Khoa Cơ khí trung cấp Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành trên máy phay. Ảnh: Mai Hải

Tiếp tục “hụt hơi”...

Vì sao học sinh tốt nghiệp THPT dù học lực trung bình và yếu cũng không chọn trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN)? Câu hỏi không mới nhưng lại làm nóng cuộc họp bàn về công tác tuyển sinh năm nay, cùng nỗi lo lấy đâu nguồn tuyển ngày một khan hiếm như “lá mùa thu” này. Có thể nói hiệu trưởng trường TCCN nào cũng âu lo và như ngồi trên đống lửa khi mùa tuyển sinh đang cận kề.

Đại diện một trường TCCN phân trần nỗi khổ chung cũng như riêng và khẳng định rằng gần đây rất nhiều trường có diện mạo đẹp như mơ, trong đó cơ sở, phòng ốc khang trang, hiện đại nhưng… thiếu người học. Chứng minh thêm thực tế tuyển sinh ngày một èo uột, đại diện Trường CĐ Công nghệ thông tin nói rằng, dù học lực yếu hoặc trung bình nhưng nhiều học sinh vẫn vọng bằng cấp - chỉ thích thi cao đẳng, đại học. Chính cách trả lương của nhiều cơ quan, đơn vị vẫn dựa theo bằng cấp và trả lương cho người có bằng TCCN thấp, kể cả người giỏi nghề khiến họ phải cân nhắc trước lối rẽ chọn nghề, hướng nghiệp.

Một số ý kiến khác cho rằng, sự bất cập trong chọn nghề, chọn trường còn xuất phát từ tâm lý đám đông - chọn nghề hot - thời thượng như dược, y, tài chính, kế toán… Tuy nhiên, đứng trước nhiều cái khó đang bủa vây các trường TCCN, ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành cho rằng, những chính sách vĩ mô của Bộ GD-ĐT thiếu ổn định, thậm chí “nay thế này mai thế khác” đã khiến các trường xấc bấc xang bang và chùn tay không dám đầu tư mang tính chiến lược. Ông Ngọc rầu rĩ nói: “Chủ trương không cho liên thông ra đời đã chặn ngay ý định học TCCN của nhiều học sinh”.

Để đảm bảo quyền học cũng như nhu cầu học lên bậc cao hơn của người dân, ông Quang đề nghị nên rút ngắn quy định sau khi tốt nghiệp TCCN, đi làm được 3 năm mới được thi liên thông xuống còn 2 năm. Bức xúc vì hệ thống TCCN của mình bị coi là “thấp cổ bé họng”, lại thêm bị “đàn anh” cao đẳng, đại học dành hớt hết váng, không ít hiệu trưởng than thở chuyện không thể giữ chân giáo viên có năng lực. Như thế, các trường CĐ, ĐH không chỉ dành thí sinh mà còn “dụ dỗ” giáo viên của họ về phía mình.

Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng - ông Đặng Văn Sáng, đề nghị Bộ GD-ĐT nên có hướng tháo gỡ vướng mắc về quy định đối với chuẩn giảng viên, trong đó cho phép tỷ lệ giáo viên có trình độ TC được hướng dẫn sinh viên thực hành.

Nếu một lượng lớn học viên học nghề chuyển lên học liên thông Đại học thì lấy đâu lao động kỹ thuật làm việc? Ảnh: K.H.

Nếu một lượng lớn học viên học nghề chuyển lên học liên thông Đại học thì lấy đâu lao động kỹ thuật làm việc? Ảnh: K.H.

Khuyến cáo: Tổng cung đã vượt cầu

Lắng nghe giãi bày nỗi lo trước mùa tuyển sinh của các trường TCCN trên địa bàn TPHCM, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (GD-CN) (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cảnh báo rằng “nguồn cung tuyển sinh đã vượt cầu”. Vì thế thách thức tuyển sinh sẽ bao trùm tất cả các loại hình đào tạo, chứ không riêng gì hệ TCCN. Cụ thể, số học sinh tốt nghiệp THPT của cả nước chỉ trên 800.000 nhưng chỉ tiêu tuyển sinh đã lên đến trên 1 triệu người nên dự báo thiếu nguồn cung là tất yếu.

Lý giải về nút thắt liên thông đang gây tranh cãi, ông Vinh nhấn mạnh quyết định điều chỉnh của Bộ GD-ĐT là đúng, vì chúng ta không khuyến khích số lượng lớn lao động chuyên nghiệp, kỹ thuật cần làm việc lại đi học lên bậc cao hơn. Mục tiêu mở hệ đào tạo TCCN là để tạo ra nguồn nhân lực có nghề, chuyên môn kỹ thuật để làm việc. Không những thế, Vụ GD-CN còn nêu bất cập khi có nhiều trường bán rẻ thương hiệu chạy theo liên thông hoặc núp bóng chủ trương này để tuyển sinh, dụ dỗ thí sinh vào học. Hệ quả của tình trạng mở tràn lan này là nhiều doanh nghiệp đã tuyên bố không tuyển sinh viên tốt nghiệp liên thông vì chất lượng không đảm bảo, thậm chí không biết làm việc. Nếu trường nào coi người học là nguồn thu cần phải tận thu là có tội. “Như vậy, chúng ta phải đặt lợi ích của người học và cộng đồng lên trên hết hay vì sự tồn tại của các trường TCCN?” - Vụ trưởng Hoàng Ngọc Vinh đặt ngược vấn đề.

Trước viễn cảnh mùa tuyển sinh TCCN năm 2013 ít hy vọng - màu xám nhiều hơn gam sáng, Vụ GD-CN đưa ra lời khuyên “các trường phải tự đứng lên, tự tìm giải pháp khắc phục” để thu hút người học. Sự sàng lọc của thị trường giáo dục rất chuẩn xác và trường nào ít học sinh vào học thì phải xem lại mình cũng như sức lan tỏa còn hạn hẹp xuất phát từ đâu? Có một thực tế khiến nguồn cung tuyển sinh ngày một giảm là do khủng hoảng kinh tế, đời sống khó khăn, nhiều học sinh các tỉnh, vùng nông thôn đã chọn trường TCCN gần nhà để học thay vì lên TP tốn kém chi phí nhiều hơn.

Để mỗi mùa tuyển sinh bớt lời ca thán và để đầu ra của hệ TCCN đáp ứng nhu cầu của xã hội, rất cần những giải pháp tổng thể như dự báo thông tin về thị trường lao động, chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực, quy hoạch đào tạo nghề gắn với yêu cầu sử dụng lao động… Trước mắt TPHCM phải có chiến lược quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, xác định ngành nghề mũi nhọn để giúp các trường đầu tư, đào tạo đúng hướng.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục