Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chương trình giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Chính phủ và của toàn dân. Nhiều phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình, mong muốn đưa con vào trường chất lượng cao hơn là các trường bình thường. Nguyện vọng ấy là rất chính đáng. Nhưng để phụ huynh không thất vọng, ngành giáo dục phải xem xét lại thực chất mô hình này.
Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chương trình giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Chính phủ và của toàn dân. Nhiều phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình, mong muốn đưa con vào trường chất lượng cao hơn là các trường bình thường. Nguyện vọng ấy là rất chính đáng. Nhưng để phụ huynh không thất vọng, ngành giáo dục phải xem xét lại thực chất mô hình này.

Một sản phẩm có chất lượng phải mang ý nghĩa có đáp ứng nhu cầu, làm hài lòng khách hàng hay không? Chất lượng tự nó đã mang ý nghĩa tốt đẹp, tài năng, hảo hạng, ưu tú. Khi đề cập đến chất lượng giáo dục là đề cập đến việc đạt được kết quả mong đợi đối với người học sau khi hoàn tất chương trình giáo dục.

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can quận 8 TPHCM trong giờ học. Ảnh: Mai Hải

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can quận 8 TPHCM trong giờ học. Ảnh: Mai Hải

Theo Ủy ban Văn hóa khoa học giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO), một hoạt động giáo dục có chất lượng phải thể hiện qua các nội dung: Học sinh (HS) được chăm sóc sức khỏe để sẵn sàng tham gia hoạt động học tập, được hỗ trợ, phối hợp bởi gia đình và cộng đồng. Gia đình và cộng đồng không giao khoán con em mình cho nhà trường. Môi trường học tập lành mạnh, an toàn, được bảo vệ và cảm thông về giới tính, cung cấp thỏa đáng về tiện nghi học tập và điều kiện vui chơi giải trí cho HS. Giáo dục toàn diện, không nhồi nhét kiến thức. Nội dung được thể hiện qua tài liệu và chương trình học tập thích đáng, thiết thực để HS thu nhận được những kỹ năng cơ bản, đặc biệt trong lĩnh vực văn học, toán và kỹ năng sống, kiến thức về giới tính, sức khỏe, dưỡng dục, phòng chống HIV vì cuộc sống an lành. Quá trình giáo dục thông qua việc giáo viên được huấn luyện về cách tiếp cận giáo dục lấy người học làm trung tâm trong việc quản lý lớp học, quản lý nhà trường, kỹ năng đánh giá để giúp đỡ HS học tập, giảm cách biệt trong HS, tạo điều kiện cho HS phát triển bản thân, không truyền thụ một chiều. Kết quả giáo dục thể hiện qua mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ của HS, được nối kết với mục tiêu quốc gia về giáo dục và tham gia tích cực trong đời sống xã hội. Kết quả của hoạt động giáo dục là một sản phẩm tích hợp năng lực sống thể hiện qua 4 trụ cột của UNESCO: học để biết, học để làm, học để khẳng định bản thân và học để sống với nhau.

Theo quan niệm trên, chất lượng giáo dục được thể hiện đầy đủ từ trách nhiệm gia đình và xã hội, môi trường học tập, nội dung chương trình, phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá cho đến kết quả cuối cùng, thể hiện qua mục tiêu kiến thức - kỹ năng - thái độ gắn liền với nhu cầu xã hội.

Qua tìm hiểu các trường chất lượng cao, chúng ta thấy các trường này chỉ mới dừng lại ở một vài yếu tố sơ sài như sĩ số học sinh thấp (so với các lớp học thông thường), phòng học máy lạnh, có trang bị máy chiếu, giáo viên dùng máy tính xách tay để giới thiệu bài giảng và học phí cao gấp nhiều lần so với trường bình thường! Các yếu tố này chỉ mới là một vài trong những điều kiện “cần”, còn hàng loạt các điều kiện “đủ” khác thì chưa được đề cập đến; mà nếu có đề cập thì cũng ngoài tầm tay vì bị khống chế bởi chương trình.

Chúng ta cần nhớ, chương trình là pháp lệnh. Mà đã là pháp lệnh thì không được làm khác. Để xây dựng một chương trình giáo dục, việc xác định hướng tiếp cận là vô cùng quan trọng. Xác định hướng tiếp cận khi xây dựng chương trình như kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ quá trình thực hiện và thể hiện yếu tố chất lượng của chương trình.

Chương trình giáo dục bao gồm các thành tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện (tài liệu, thiết bị…), hình thức kiểm tra đánh giá… Chúng ta đều biết rằng chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta được xây dựng theo tiếp cận nội dung. Nếu xây dựng chương trình theo tiếp cận nội dung thì chương trình sẽ lấy việc truyền đạt nội dung làm mục đích chính. Việc kiểm tra - đánh giá cũng sẽ theo hướng tiếp cận ấy. Theo cách tiếp cận này thì chương trình tương đương với nội dung. Do vậy, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học và kiểm tra đánh giá cũng phải đáp ứng tiêu chí “nội dung” trong toàn bộ quá trình thực hiện chương trình. Để hoàn tất chương trình theo tiếp cận nội dung, giáo viên phải làm tất cả mọi cách để nhồi nhét khối lượng nội dung ấy. Cách kiểm tra cũng nhằm mục tiêu bắt HS “trả bài” về nội dung. Vậy thì làm sao đáp ứng được tính toàn diện của một hoạt động giáo dục có chất lượng?

Với nhiệm vụ phải thực hiện một chương trình giáo dục chung trong các trường thuộc bậc học phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) thì dù đội ngũ sư phạm của trường chất lượng cao có nỗ lực đến đâu cũng không thể nào đáp ứng được các tiêu chí như UNESCO đã đề cập. Và chất lượng giáo dục chắc cũng sẽ không thể nào thỏa mãn được mong đợi của bản thân người học, gia đình và của xã hội.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Đảng trước hết phải bắt đầu từ việc đổi mới cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình giáo dục, từ đó mới có một chương trình giáo dục chất lượng, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người học và cộng đồng.

TS NGUYỄN TOÀN
Trường Cao đẳng Công nghệ thủ Đức

Tin cùng chuyên mục