Bệnh thành tích!

Mấy ngày qua, thông tin về việc hơn 200 giáo viên tiếng Anh của tỉnh nọ đang đối đầu với án kỷ luật cắt hết thi đua, bồi thường kinh phí bồi dưỡng, thậm chí ra hội đồng kỷ  luật nếu thi rớt trong đợt kiểm tra chuẩn tiếng Anh sắp tới đã nhận được nhiều sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ của giáo viên nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cô N.T.M., giáo viên tiếng Anh một trường THCS công lập trên địa bàn TPHCM cảm thán trên trang facebook cá nhân: “Cả đời cầm phấn dạy học trò văn ôn võ luyện, nay lại bị chính căn bệnh thành tích đó truy đuổi. Nghiệt ngã thay!”. Đồng quan điểm, nhiều giáo viên khác cũng bày tỏ ý kiến: Không thể nói giáo viên là người nắm vững phương pháp học, thi hoài vẫn không đạt chuẩn là do thiếu nghiêm túc trong học tập. Bởi dù nắm vững phương pháp nhưng yêu cầu mỗi chuẩn trình độ mỗi khác, chưa kể các vấn đề về tuổi tác, quỹ thời gian bị nhiều công việc khác chi phối nên dù muốn thi đậu cũng lực bất tòng tâm. 

Trước đó, theo yêu cầu của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020), giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học và THCS phải đạt chuẩn trình độ trung cấp (B2), còn giáo viên THPT, hệ giáo dục thường xuyên phải đạt chuẩn trình độ cao cấp (C1).

Giáo viên ở các thành phố lớn còn có đủ trang thiết bị và phương tiện học tập. Nhưng ở các tỉnh nghèo, giáo viên thường chỉ tốt nghiệp cử nhân, gánh nặng áo cơm khiến họ không có đủ thời gian và nguyện vọng học nâng cao kiến thức. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, giáo viên thi đi thi lại cả chục lần vẫn không đạt trình độ theo tiêu chuẩn mới của châu Âu. Suy cho cùng, lỗi duy nhất của họ là sản phẩm của một nền giáo dục đào tạo đại học đã lỗi thời, bằng cấp dù xếp loại khá, giỏi vẫn không theo kịp yêu cầu đổi mới của nền giáo dục hiện đại.  

Tuy nhiên, dù xuất phát từ mục tiêu tốt đẹp là nâng chuẩn giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời đại mới, nhưng với cách làm đẩy quyền lợi và danh dự của họ vào chân tường đã cho thấy áp lực rất nặng từ căn bệnh thành tích. Bất kỳ sự nâng cấp nào cũng cần có thời gian, đặc biệt là nâng cấp về mặt trình độ con người. Không thể trong một sớm một chiều yêu cầu họ phải thay đổi.

Thay vào đó, nên có hình thức động viên, khuyến khích các giáo viên trẻ kịp thời học nâng cao trình độ. Những người già không có khả năng theo học có thể sắp xếp, thuyên chuyển công tác trên cơ sở tôn trọng quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của bản thân các giáo viên. Chỉ khi làm được như thế, mục tiêu của giáo dục mới hoàn thành được cả hai nhiệm vụ, quản lý tốt về mặt con người và nâng cao chuẩn trình độ.

GIA MINH

Tin cùng chuyên mục