Trường đại học đầu tiên nhận bằng sáng chế của Hoa Kỳ

Bất ngờ lớn
Trường đại học đầu tiên nhận bằng sáng chế của Hoa Kỳ

Lần đầu tiên kết quả đề tài nghiên cứu của một trường đại học Việt Nam được nhận bằng sáng chế do Cục Sáng chế và nhãn hiệu thương mại (Bộ Thương mại Hoa Kỳ - USPTO) cấp. Đó là kết quả từ đề tài nghiên cứu “Thiết bị nâng vận chuyển bệnh nhân (TDTU-001)” do nhóm nghiên cứu Công nghệ hỗ trợ y tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM thực hiện.

Bất ngờ lớn

Đầu tháng 12-2014, USPTO đã gửi bằng sáng chế công nhận đề tài nghiên cứu Thiết bị nâng vận chuyển bệnh nhân do Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM thực hiện. TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng phấn khởi: “Đây là đề tài “made in Việt Nam” hoàn toàn 100% do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công. Chúng tôi muốn đăng ký sáng chế của Mỹ vì đây là thị trường lớn toàn cầu và một khi sản phẩm được công nhận bằng sáng chế thì sẽ có uy tín và giá trị nhiều hơn”.

Đề tài Thiết bị nâng vận chuyển bệnh nhân (TDTU-001) của Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận Bằng sáng chế Hoa Kỳ tháng 12-2014.

Thông tin về sản phẩm của đề tài nghiên cứu, TS Lê Văn Út cho biết: “TDTU-001 ra đời từ trăn trở và xuất phát từ nhu cầu thực tế hiện nay của ngành y tế. Do đó, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu sản phẩm phải có được những tính năng mới, ưu việt trong hoạt động nâng và vận chuyển bệnh nhân tại các trung tâm, bệnh viên trong cả nước”. Từ thực tế đó, TDTU-001 tích hợp hàng loạt các tính năng độc đáo như: Sử dụng phương pháp nâng hạ bệnh nhân bằng các bộ phận truyền động chủ động và độc lập nhằm giúp cho việc nâng, hạ bệnh nhân theo các tư thế khác nhau mà vẫn tạo được sự thoải mái cho người bệnh. Ngoài ra, để vận chuyển bệnh nhân, TDTU-001 hỗ trợ đưa bệnh nhân ngồi ổn định trên thiết bị và an toàn trong vận chuyển.

Theo nhóm tác giả nghiên cứu, điểm nổi bật nhất của TDTU-001 là cho phép điều chỉnh nhiều tính năng nâng, chuyển bệnh nhân ở các tư thế khác nhau như từ tư thế nằm sang tư thế ngồi và ngược lại.

Nhờ tính đa năng nên TDTU-001 còn được sử dụng cho những bệnh nhân khuyết tật. Thông qua các nút điều khiển, bệnh nhân khuyết tật có thể chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi để đi vệ sinh. Nếu bệnh nhân muốn đi vệ sinh chỉ cần ấn vào nút và giường sẽ tự động chuyển sang tư thế ghế ngồi và có chế độ hỗ trợ tiêu, tiểu và tự phun nước làm sạch cho các bênh nhân khuyết tật.

Đưa sản phẩm ra thị trường

Theo TS Lê Văn Út, để có được kết quả trên là nhờ chủ trương và tầm nhìn của ban giám hiệu. Với cơ chế hoàn toàn tự chủ trong nghiên cứu khoa học, phòng khoa học công nghệ tạo môi trường tự chủ, độc lập cao để các nhà khoa học phát huy tinh thần nghiên cứu và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Cái đích cuối cùng mà nhà trường đặt ra là phải có sản phẩm cuối cùng, sản phẩm đó phải sử dụng được và phục vụ nhu cầu thực tế.

Nói về quy trình đăng ký bằng sáng chế, TS Lê Văn Út cho rằng: “Cái khó của việc đăng ký sáng chế tại Hoa Kỳ là rào cản về tiếng Anh. Nếu trình độ ngoại ngữ của các nhà khoa học không đạt thì rất khó để tìm hiểu các quy trình, thủ tục đăng ký. Kế đến là sáng chế đó cần được xem xét có thỏa mãn đủ các điều kiện để được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ hay không. Theo quy định, các điều kiện để một sáng chế được bảo hộ, đó là phải đạt được tính mới, tính sáng tạo và tính hữu ích. Quy trình thẩm định kéo dài từ 1 đến 2 năm”.

Thực tế cho thấy, số lượng sáng chế trung bình được cấp bằng sáng chế hàng năm tại Mỹ cao nhất thế giới, trong đó số lượng đơn quốc tế chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy, việc nhận được bằng sáng chế của Hoa Kỳ là vô cùng cần thiết, nhất là đối với các nhà sáng chế Việt Nam mong muốn khai thác khía cạnh thương mại. “Tính từ năm 1975 đến nay Việt Nam chỉ có 9 bằng sáng chế của Hoa Kỳ, trong đó Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường đại học duy nhất cho đến nay được nhận bằng sáng chế của Hoa Kỳ” - TS Lê Văn Út cho biết.

Theo các chuyên gia, số bằng sáng chế là tiêu chí khách quan để đánh giá nền khoa học của một nước. Tất cả các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển thì số lượng bằng sáng chế đều đứng hàng đầu thế giới. Nghĩa là, các viện nghiên cứu, trường đại học, và các công ty ở những nước đó đều được khuyến khích (hay thậm chí là bắt buộc) đăng ký bản quyền cho những phát minh của mình. Trong rất nhiều trường hợp kết quả của việc thực hiện dự án được đánh giá dựa trên số lượng bằng sáng chế, không có nước nào xem nhẹ tầm quan trọng của bằng sáng chế đối với nền khoa học công nghệ. Vấn đề là làm thế nào để có nhiều bằng sáng chế có chất lượng.

Bỏ qua tính pháp lý, bằng sáng chế có thể được hiểu như là những sáng kiến có tính thương mại cao, có thể ứng dụng vào các sản phẩm thương mại và đem lại những thay đổi to lớn, ít nhất là về mặt kinh tế. Đối với các nhà nghiên cứu ở các nước phát triển, nếu thấy rằng những phát minh của mình có thể đem lại lợi nhuận cao, họ có thể liên hệ với các công ty để “bán” ý tưởng của mình, hoặc có thể đăng ký bằng sáng chế và tự thành lập công ty của riêng mình. Nhìn vào số lượng bằng sáng chế, ta có thể đánh giá sơ bộ nền khoa học của nước đó.

TS Lê Văn Út cho biết, nhóm nghiên cứu đang tính toán và xem xét có thể sản xuất chuyển giao công nghệ hoặc tính đến phương án bán bản quyền sáng chế để cho đối tác sản xuất nhằm đưa sản phẩm ra thị trường.


THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục