Khi học sinh được nói

Hiệu trưởng một trường phổ thông tâm sự rằng, muốn đổi mới giáo dục, việc đầu tiên phải hiểu học trò của mình muốn gì và khi các em giải tỏa được nỗi niềm, tìm thấy sự thân thiện ở trường học thì việc học sẽ nhẹ nhàng, thậm chí chuyển từ chán học sang thích học.

Hiệu trưởng một trường phổ thông tâm sự rằng, muốn đổi mới giáo dục, việc đầu tiên phải hiểu học trò của mình muốn gì và khi các em giải tỏa được nỗi niềm, tìm thấy sự thân thiện ở trường học thì việc học sẽ nhẹ nhàng, thậm chí chuyển từ chán học sang thích học.

Chuyện khơi gợi và khuyến khích học trò các khối lớp được nhận xét, phản ánh về mọi vấn đề liên quan đến học tập trên lớp, phục vụ bán trú, cơ sở vật chất… thì dễ. Nhưng để tác động, thay đổi nhận thức, nếp suy nghĩ cũ của một bộ phận giáo viên, nhân viên để họ năng động và quan tâm đến những gì học trò góp ý lại không dễ. Đưa cho tôi xem những tờ phiếu góp ý về các hoạt động của nhà trường, vị hiệu trưởng này bộc bạch: “Các em nhận xét rất chân thật, thẳng thắn về những tiết học dễ hiểu hay khó hiểu, giáo viên nào chưa hết lòng với giờ dạy hoặc có biểu hiện thiếu công tâm. Không những thế, từ cánh cửa hư, đèn quạt hỏng đến vòi nước hư để chảy nước lãng phí… cũng được các em phản ánh ngay. Thấy lịch học sắp xếp các môn học không hợp lý, các lớp đề nghị ban giám hiệu chỉnh sửa cho phù hợp. Ngay cả việc xếp hạng thi đua giữa các khối lớp cũng cần sự công bằng…”. Sau khi những ý kiến của các trò được hồi âm, giải quyết, học sinh rất vui và mạnh dạn góp thêm nhiều ý kiến với ban giám hiệu. Vị hiệu trưởng này bộc bạch: “Khi có nhiều ý kiến cùng phản ánh giáo viên nào đó dạy chưa hay, có thái độ, hành vi ứng xử chưa đúng với học trò, dùng những từ miệt thị như “học ngu, học dốt” thì ban giám hiệu phải tìm cách góp ý tế nhị để họ điều chỉnh, nhìn lại chính mình”. Cái khó là phải giúp giáo viên thấy được sự cần thiết thay đổi cách dạy, cách truyền đạt để tiết dạy hiệu quả hơn, học sinh thích học hơn.

Tuy mới áp dụng phiếu góp ý nhưng nhà trường đã lắng nghe, thấu hiểu những gì học sinh muốn nói, muốn phản ánh để tạo dựng môi trường học tập thân thiện, phát huy tính tích cực của học trò. Khi được lắng nghe, được chia sẻ đã tạo niềm tin cho các em và đây chính là động lực giúp học trò thích học, học tập hiệu quả hơn.

Đổi mới giáo dục là vấn đề lớn, cần nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học. Nhưng để cả đoàn tàu giáo dục cùng tăng tốc, đòi hỏi mỗi vị thuyền trưởng phải dám nghĩ, dám làm từ những chuyện nhỏ nhất, trong đó phải tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh. Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn rõ ưu khuyết điểm của hoạt động giáo dục tại trường mình thì sao có thể thay đổi, hướng đến học  sinh, xem các em là trung tâm?

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục