Ngành giáo dục mầm non TPHCM: Gỡ khó nhờ xã hội hóa

Mặc dù quy mô trường lớp tại thành phố không ngừng tăng nhanh qua mỗi năm, nhưng hệ thống trường mầm non công lập chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu đi học của trẻ 5 tuổi, 30% còn lại phải học ở các cơ sở ngoài công lập. Làm sao giải quyết khó khăn đó?
Ngành giáo dục mầm non TPHCM: Gỡ khó nhờ xã hội hóa

Mặc dù quy mô trường lớp tại thành phố không ngừng tăng nhanh qua mỗi năm, nhưng hệ thống trường mầm non công lập chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu đi học của trẻ 5 tuổi, 30% còn lại phải học ở các cơ sở ngoài công lập. Làm sao giải quyết khó khăn đó?

Các cháu ở Trường Mầm non Sơn Ca 5, quận 12 nghe cô đọc truyện. Ảnh: MAI HẢI

Thành công từ một mô hình

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, nhiều giáo viên ở Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) không khỏi bùi ngùi. Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy học hơn 4 tỷ đồng (vay từ Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM), Trường Mầm non Vàng Anh bắt đầu đưa vào sử dụng từ học kỳ 2 năm học 2001 -2002, hoạt động theo cơ chế tự thu, tự chi. Những ngày đầu chiêu sinh, trường gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía phụ huynh do mức học phí cao hơn trường công gấp nhiều lần (học phí trường công khi đó chỉ ở mức 40.000 - 50.000 đồng/học sinh/tháng, trong khi Vàng Anh thu đến 200.000 đồng/học sinh/tháng). Ngoài các khoản tiền cơ sở vật chất, phụ huynh lại phải đóng thêm tiền xây dựng trường (còn gọi là tiền kích cầu) 100.000 đồng/học sinh/tháng. Trầy trật thuyết phục, lý giải nguồn gốc các khoản thu, cuối cùng cũng có 250 phụ huynh đồng ý đăng ký cho con học ở Vàng Anh, mặc dù ngay trên địa bàn phường 2 quận 5 khi ấy đang có 2 trường mầm non công lập khác. Sau một học kỳ, số học sinh tăng lên 700 em, con số ngoài sức tưởng tượng của nhà trường. Sau 5 năm hoạt động, đến tháng 10-2007, phụ huynh không phải đóng tiền kích cầu nữa do trường đã hoàn thành việc trả vốn vay trước thời hạn 3 năm (theo đề án xây dựng, trường sẽ dứt điểm hoàn trả vốn vào năm 2010). Như vậy sau 5 năm kêu gọi phụ huynh chung tay đóng góp, đến nay địa phương đã có một công trình phúc lợi dành cho con em trên địa bàn.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao một khu vực đã có nhiều trường công lập đang hoạt động với bề dày thành tích nhưng một trường mới toanh, có mức thu học phí khá cao như Vàng Anh vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình? Theo giải thích của một cán bộ Sở GD-ĐT TP, do trường tọa lạc ngay ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ, một trong những vị trí đắc địa của thành phố, phụ huynh từ các quận 1, 5, 6, 8 đều thuận tiện đưa đón con. Ngoài ra, trên nền diện tích xây dựng hơn 1.500m2, trường có 4 dãy phòng ốc rộng rãi, khang trang, sân chơi đẹp, có hồ bơi, phòng tập thể dục, âm nhạc… Đội ngũ nhân sự từ ban giám hiệu đến giáo viên phụ trách lớp đều là những người có bề dày thành tích, đạt nhiều giải thưởng giáo viên giỏi cấp quận và thành phố. Thêm vào đó, trường còn hoạt động với một số quy định “được lòng” rất nhiều phụ huynh, như có thể đón con trễ hơn so với giờ quy định, mỗi lớp có từ 2 - 3 giáo viên và 1 nhân viên vệ sinh, giáo viên không trực tiếp nhúng tay vào việc cho trẻ đi vệ sinh mà chỉ chuyên tâm vào việc giảng dạy và chăm sóc… Nhờ không ngừng nỗ lực, Vàng Anh đã tạo được uy tín đối với phụ huynh, được Sở GD-ĐT TP công nhận trường chuẩn quốc gia và là một trong những ngôi trường xây dựng theo hình thức xã hội hóa hoạt động thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Để công - tư cùng phát triển

Trong vài năm trở lại đây, UBND TP đã ban hành thêm nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho việc phát triển giáo dục bậc mầm non. Trong đó riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, thành phố đã ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng trường, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay để hỗ trợ tối đa đơn vị đầu tư… Đây được xem là một trong những động thái tích cực, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào việc phát triển hệ thống giáo dục mầm non. Nhờ những chính sách “mở cửa” đó, chỉ trong hai năm 2013 và 2014, TPHCM đã triển khai 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng quỹ đất hơn 46.000m2, giải quyết gần 6.000 chỗ gửi trẻ cho con công nhân. Đặc biệt, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, thành phố đã hỗ trợ vốn vay cho 72 dự án xây dựng từ nguồn vốn kích cầu, với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, bày tỏ: “Không nên đẩy hết trách nhiệm nuôi giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi cho trường công vì như thế sẽ quá tải và không tạo ra môi trường cạnh tranh với những điều kiện chăm sóc trẻ tốt nhất”. Đại diện các quận, huyện đều cho biết đang kêu gọi các cá nhân, tổ chức tư nhân tham gia vào việc xây dựng trường. Song để làm được điều đó, cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi về thuế và đất đai để phát huy tối đa các nguồn lực xã hội hóa, phục vụ cho phát triển giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục các cấp nói chung.

Từ năm 1975 đến nay, TPHCM đã xây thêm 939 trường mầm non, chiếm tỷ lệ 47,6% so với tổng số 1.972 trường tăng thêm ở tất cả bậc học. Cùng với việc mở rộng quy mô trường lớp, trong 40 năm qua, số lượng giáo viên đã tăng thêm 19.548 người, trung bình mỗi năm tăng 488 giáo viên.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, hiện nay toàn thành phố có 144 cơ sở giáo dục mầm non đang hoạt động do các cơ sở tôn giáo quản lý, thu hút 37.628 trẻ đang theo học. Riêng đối với Đề án nuôi giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi, 8 quận, huyện đã tham gia thí điểm từ năm 2014 và 4 quận, huyện sắp triển khai vào năm 2015 đều có sự chung tay đóng góp của các cơ sở ngoài công lập. Theo bà Phạm Thị Phước, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, ngay từ đầu năm học 2014-2015, dù Tân Bình không phải một trong 8 quận, huyện đầu tiên được chọn tham gia thí điểm, nhưng đã có 12 cơ sở ngoài công lập (trên tổng số 36 cơ sở) mở lớp giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi.

THU TÂM 

Tin cùng chuyên mục