Quận Thủ Đức chật vật quản lý giáo dục mầm non

Quận Thủ Đức chật vật quản lý giáo dục mầm non

Trường tư tăng chóng mặt nhưng nhân sự quản lý không có, tuyển dụng giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các trường; xảy ra tình trạng phụ huynh rút hồ sơ trường công chuyển con qua các điểm giữ trẻ vì thời gian đưa đón không phù hợp; giáo viên bỏ nghề vì làm nhiều tháng mới được lãnh lương… Đó là một số bất cập được nêu ra tại buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM với UBND quận Thủ Đức về một số chính sách quản lý giáo dục mầm non (GDMN) diễn ra vào sáng qua, 6-10.

Một cán bộ quản lý… 104 cơ sở mầm non

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận Thủ Đức, tính đến tháng 9-2016, tổng số cơ sở GDMN đang hoạt động tại 12 phường là 209 đơn vị, gồm 21 trường công lập, 90 trường tư thục và 98 nhóm trẻ độc lập với hơn 26.000 học sinh. Trong khi đó, nhân sự làm công tác quản lý GDMN hiện nay chỉ có một phó trưởng phòng phụ trách bậc học mầm non và một chuyên viên tổ mầm non. Như vậy, nếu chia đều khối lượng công việc, mỗi người phải chịu trách nhiệm quản lý hơn 100 cơ sở, với trên 13.000 học sinh đang theo học. Riêng ở cấp phường, ông Phan Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), cho biết phường chỉ có một cán bộ chuyên trách giáo dục nhưng quản lý đến hơn 3.000 trẻ mầm non, chưa kể phải lo phổ cập ở các bậc học khác. Theo thống kê của quận Thủ Đức, Bình Chiểu hiện là phường có số điểm giữ trẻ gia đình cao kỷ lục với 78 điểm, một số phường khác như Linh Trung (27 điểm), Tam Phú (19 điểm), Linh Chiểu (17 điểm)… Theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, đây là một trong những quận, huyện có nhu cầu chỗ học mầm non cao nhất TP. Mô hình giữ trẻ gia đình nhiều năm qua đã thực hiện theo chủ trương chung của TP là hạn chế, nhưng đến nay vẫn tồn tại 239 điểm giữ trẻ.

Xếp hàng qua đêm bên ngoài cổng trường chờ nộp đơn xin con vào học Trường Mầm non Sơn Ca (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức TPHCM). Ảnh chụp ngày 11-7-2016 


Về giáo viên, sau khi kết thúc hai đợt xét tuyển viên chức năm học 2016-2017, toàn quận còn thiếu 56 giáo viên công lập và 220 giáo viên ở các trường ngoài công lập. Có trường hợp như Mầm non Hoa Đào (phường Linh Xuân) vừa khánh thành đầu năm học 2016-2017 với quy mô 14 lớp nhưng hiện phải dừng tuyển sinh lớp thứ 14 do thiếu giáo viên. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào, cho biết theo đề án giữ trẻ ngoài giờ của UBND TP, các trường thí điểm mô hình giữ trẻ tăng ca sẽ được hỗ trợ thêm một giáo viên/lớp tăng ca. Song hiện nay, “chưa tính giáo viên tăng thêm cho lớp tăng ca, chúng tôi đã thiếu 2 biên chế giáo viên, nên chỉ tổ chức được 13 lớp học. Trong đó, đã có 30 trường hợp phụ huynh đăng ký nhập học cho con rồi lại xin rút hồ sơ, do trường chưa tổ chức được các lớp giữ trẻ ngoài giờ”, bà Hằng buồn rầu cho biết.

Giáo viên mòn mỏi chờ lương

Nhân sự ít ỏi, trong khi khối lượng công việc nhiều nên nhiều đơn vị phải phân công nhân viên y tế, thậm chí nhân viên hành chính xuống hỗ trợ công tác phục vụ. Một số trường phải hợp đồng thêm giáo viên ngoài biên chế để tăng thêm giáo viên. Song, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào, hiện nay ở Thủ Đức đang xảy ra tình trạng giáo viên mới tuyển dụng phải trải qua thời gian tập sự 6 tháng, nhưng làm đến tháng thứ 4 hoặc thứ 5 mới được truy lĩnh lương. Bà Hằng bày tỏ: “Công việc vất vả nhưng hàng tháng không được lãnh lương khiến một số giáo viên chán nản bỏ nghề. Mặc dù đơn vị đã tạm ứng một phần tiền hỗ trợ nhưng về lâu dài, địa phương nên có chế độ trả lương theo từng tháng, kể cả thời gian tập sự, mới giữ được chân giáo viên”. Trong khi đó, theo Nghị quyết 01 về hỗ trợ GDMN ban hành năm 2014 của HĐND TP, giáo viên mới ra trường sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng đối với năm đầu tiên công tác và 70% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ hai. Vấn đề là vì sao quy định đã có từ 2 năm trước, nhưng đến nay giáo viên mới ra trường vẫn chậm nhận được tiền hỗ trợ này?

Với hệ ngoài công lập, theo quy định hiện nay của TP, các quận, huyện phải bố trí ngân sách bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên với số tiền 1,8 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, do hiện nay chưa cân đối được kinh phí chi cho giáo dục nên hoạt động này vẫn dựa vào các nguồn xã hội hóa. Chính những “khoản chênh” về quản lý này đã khiến một bộ phận giáo viên chưa yên tâm công tác, ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục