TPHCM đề xuất biên soạn sách giáo khoa riêng

(SGGP).- Ngày 3-12, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình làm Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu kiến nghị để TPHCM được biên soạn bộ sách giáo khoa riêng cho học sinh, phù hợp với tính chất, đặc thù của TP. Mặc dù vậy, theo đồng chí Nguyễn Thị Thu, bộ sách giáo khoa này vẫn bám sát nội dung của Bộ GD-ĐT. Lãnh đạo TPHCM cho rằng, với bộ sách giáo khoa mà học sinh học hiện nay nội dung còn quá nặng về lý thuyết, do vậy học sinh có ít thời gian thực hành, tự nghiên cứu cũng như tham gia các hoạt động xã hội. Thực trạng này còn dẫn đến tình trạng học sinh chỉ tiếp thu kiến thức từ phía nhà trường một cách thụ động, giáo viên nói gì học sinh tiếp thu cái đó mà không có khả năng chủ động sàng lọc các kiến thức đã học để bổ sung thành kiến thức riêng cho mình.

Song song với đề xuất biên soạn bộ sách giáo khoa riêng cho TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cũng kiến nghị cho TPHCM được tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu, TPHCM đã kiến nghị các nội dung này tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gần đây và được đồng chí bộ trưởng đồng ý nhưng khi TP gửi văn bản chính thức thì lại bác. “Bộ GD-ĐT đồng ý cho TPHCM biên soạn bộ sách giáo khoa cho TP, tuy nhiên các em lại phải thi theo chương trình của Bộ GD-ĐT, như vậy chắc chắn tỷ lệ học sinh rớt sẽ rất cao”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu nói, đồng thời cho biết, TPHCM sẽ kiên trì kiến nghị Bộ GD-ĐT cho TPHCM được biên soạn bộ sách giáo khoa và được tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với đặc tính của TPHCM luôn luôn đi đầu, luôn luôn đột phá trong các lĩnh vực với nhiều mô hình được đúc kết, nhân rộng cả nước nên đồng chí Nguyễn Thị Thu bày tỏ mong muốn đoàn giám sát của Quốc hội có ý kiến ủng hộ đề xuất này của TPHCM.         

Đối với chính sách chung trong lĩnh vực giáo dục, phát biểu với đoàn giám sát,  Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho rằng cần có sự ổn định. “Trong trường hợp có thay đổi thì sự thay đổi đó phải theo chiều hướng tích cực, phát triển đi lên. Còn nếu điều chỉnh, thay đổi mà đi lòng vòng, cuối cùng hiệu quả không cao thì đừng nên thay đổi”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu thẳng thắn kiến nghị. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu, đối với lĩnh vực giáo dục không nên có tư duy thay đổi theo nhiệm kỳ, và với tình trạng các chính sách về giáo dục thường xuyên thay đổi như hiện nay thì những người công tác trong lĩnh vực giáo dục rất bức bối. “Những người làm công tác trong ngành giáo dục TPHCM có cảm nhận mỗi lần thay đổi lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì lại có chỉ đạo mới, mà có những chỉ đạo lại rất khó cho cơ sở. Mỗi thay đổi như vậy khó cho người dạy, người quản lý và khó cả cho các em sinh viên, học sinh”, đồng chí Nguyễn Thị Thu phản ánh từ thực tế. 

Ghi nhận kiến nghị của TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng nhìn nhận, việc ổn định chính sách vĩ mô hết sức quan trọng. Đối với lĩnh vực giáo dục, đồng chí Phan Thanh Bình cho rằng, ở Trung ương do muốn đẩy nhanh sự thay đổi, phát triển nên các chính sách cũng thay đổi khá nhanh. Tuy nhiên, đối với sự quản lý cụ thể ở một địa phương với số dân hơn 10 triệu như TPHCM thì sự thay đổi một chính sách tác động rất nhiều đến quá trình triển khai thực hiện. “Đứng ở góc độ vĩ mô về lĩnh vực giáo dục, có lẽ cần phải nhìn nhận lại”, đồng chí Phan Thanh Bình nêu quan điểm. Đi vào cụ thể, đồng chí Phan Thanh Bình đề nghị TPHCM cần đặc biệt quan tâm đến công tác phân luồng giáo dục. Việc phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng phải tính toán đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Theo đó, TP tiếp tục mạnh dạn đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương có hướng giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn đang đặt ra gây cản trở sự phát triển của TP. Tuy vậy, theo đồng chí Phan Thanh Bình, với những khó khăn đang đặt ra đối với TPHCM liên quan đến bộ máy, chính sách, cơ chế thì cần phải giải quyết bằng mô hình chính quyền đô thị.  “Vấn đề này Quốc hội phải nhìn cho ra để cùng với TPHCM giải quyết vì TPHCM là hạt nhân của cả nước”, đồng chí Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục