Vẫn dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quy định các cơ sở giáo dục không được dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tại TPHCM, hè năm nào Sở GD-ĐT cũng ban hành văn bản nhắc nhở các trường mầm non thực hiện nghiêm túc quy định không dạy chữ, yêu cầu giáo viên tiểu học không tham gia các lớp dạy chữ cho trẻ trên địa bàn. Song trên thực tế, hoạt động này mỗi năm đến hè lại nhộn nhịp.
Vẫn dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quy định các cơ sở giáo dục không được dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tại TPHCM, hè năm nào Sở GD-ĐT cũng ban hành văn bản nhắc nhở các trường mầm non thực hiện nghiêm túc quy định không dạy chữ, yêu cầu giáo viên tiểu học không tham gia các lớp dạy chữ cho trẻ trên địa bàn. Song trên thực tế, hoạt động này mỗi năm đến hè lại nhộn nhịp.

Vẫn dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 ảnh 1

Ngành giáo dục khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1

Chưa cấm được thỉnh giảng

Sáng 28-6, trong vai phụ huynh tìm lớp học chữ cho con trước khi vào lớp 1, chúng tôi được cô Kim Vương, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), hiện đang ký hợp đồng thỉnh giảng 3 lớp dạy chữ tại Nhà Thiếu nhi quận 1, tư vấn: “Thời điểm này mới cho bé bắt đầu học chữ là hơi muộn, lớp hè sẽ kết thúc vào ngày 7-8. Qua đầu tháng 9, chị nên đăng ký cho bé học tiếp mới kịp chương trình”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi lớp đã khai giảng từ 1-6, bây giờ mới ghi danh cho bé vào học có theo kịp các bạn không thì nhận được phản hồi, lớp nhận học sinh quanh năm, giáo viên có giáo án riêng phù hợp từng bé nên phụ huynh cho con vào học lúc nào cũng được. Học phí trọn khóa là 440.000 đồng/20 buổi học, học sinh học buổi nào tính tiền buổi đó, buổi nào vắng sẽ được trừ lại học phí cho các khóa sau.

Tương tự, tại Nhà Thiếu nhi quận 5, đảm nhận cả 5 lớp dạy chữ cho trẻ trong độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 4 là một giáo viên từng công tác ở Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), nay đã về hưu. Cô cho biết, các lớp cô đang dạy đều có học sinh đủ mọi độ tuổi, bé 5 tuổi mới bắt đầu tập viết chữ nên ghi danh học lớp 3 buổi/tuần, sau khi có trình độ cơ bản sẽ chuyển qua lớp học 2 buổi/tuần vào sáng thứ bảy và chủ nhật. Học phí dao động từ 250.000 - 370.000 đồng/khóa/8 tuần học, tùy vào thời điểm ghi danh. Riêng ở Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp, lớp dạy chữ khai giảng vào đầu mỗi tháng, mỗi lớp không nhận quá 15 học sinh, do một giáo viên thỉnh giảng ở quận 12 đứng lớp, học phí 200.000 đồng/tháng/8 buổi học.

Trao đổi với chúng tôi, phó phòng GD-ĐT một quận trung tâm cho biết, phòng GD-ĐT chỉ có thể nhắc nhở giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn mình quản lý, riêng đối với giáo viên thỉnh giảng từ các quận, huyện khác đến hợp đồng với nhà thiếu nhi hay tham gia mở lớp tại các cơ sở tư nhân, phòng giáo dục không thể kiểm soát hết. Bên cạnh đó, quy định hiện nay của ngành giáo dục giao toàn bộ quyền kiểm tra, quản lý cho hiệu trưởng các đơn vị. Nếu phát hiện giáo viên trường mình dạy chữ trái quy định, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hiệu trưởng áp dụng các hình thức xử phạt từ nhắc nhở, kiểm điểm đến ra hội đồng kỷ luật. Song, tất cả chế tài trên chỉ có ý nghĩa “răn đe là chính”, bởi hiệu trưởng không thể nào quản lý hết hoạt động giảng dạy ngoài giờ lên lớp của giáo viên, nhất là vào dịp hè. Do đó, dù bậc mầm non siết chặt quy định không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 nhưng vẫn có rất nhiều giáo viên tiểu học mở lớp dạy chữ, khiến hoạt động này vẫn nhộn nhịp ngoài trường học.

Phân biệt giữa làm quen với học trước chương trình

Giáo dục tiểu học nhiều năm qua đã thay việc cho điểm bằng ghi nhận xét nhằm giảm áp lực thành tích, cởi trói tâm lý “phải học trước cho bằng bạn bằng bè” của không ít phụ huynh. Tuy nhiên, do hiện nay hoạt động tổ chức ngày hội “Trường tiểu học của em” giúp học sinh mầm non làm quen với môi trường học tập mới chưa được các trường tiểu học quan tâm đúng mức, khiến nhiều phụ huynh lo lắng không biết chuẩn bị gì cho con trước khi vào lớp 1. Kết quả, nhiều người đã tìm đến các lớp dạy chữ như một hình thức giúp con làm quen nề nếp sinh hoạt, phương pháp dạy học mới ở bậc tiểu học. Chị Thùy Nương, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 một trường tiểu học ở quận 1, cho biết cuối năm học lớp lá, trường mầm non nơi con chị đang theo học tổ chức cho các cháu tham quan một trường tiểu học trên địa bàn quận. Tuy nhiên, buổi làm quen chỉ dừng ở việc quan sát cơ sở vật chất, giao lưu với các anh, chị lớp lớn trong ba mươi phút sinh hoạt ngắn ngủi, hoàn toàn không có các hoạt động “học thử”, “ăn thử” và “ngủ thử” - vốn tổ chức rất khác so với bậc mầm non. Có nơi cả quận không có trường tiểu học nào tổ chức ngày hội này hoặc xem việc tổ chức như một hình thức quảng bá tuyển sinh, giới thiệu chất lượng, quy mô hoạt động của đơn vị nên chỉ tập trung vào những trường mới thành lập, làm mất đi ý nghĩa đúng đắn và hiệu quả tổ chức.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều giáo viên, phụ huynh cần phân biệt rõ giữa việc cho trẻ làm quen nề nếp sinh hoạt với học chữ trước khi vào lớp 1 với việc học chữ. Thực tế đã chứng minh nhiều trẻ biết đọc chữ, biết viết từ đầu năm lớp 1 nhưng vẫn thường xuyên bị giáo viên nhắc nhở do nói chuyện, chạy nhảy trong giờ học, không biết dọn dẹp đồ dùng học tập hoặc tự xúc ăn, tự phục vụ trong giờ nghỉ trưa do chưa được huấn luyện từ bậc học dưới. Ngoài ra, cần xem dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là một hình thức dạy thêm, học thêm sai quy định của ngành giáo dục. Do đó, các trường phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý, đảm bảo tất cả giáo viên nói không với dạy chữ cho trẻ mầm non, kể cả ngoài khuôn viên trường học. Các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, nhà thiếu nhi cần quy định độ tuổi trẻ tham gia học chữ từ 7 tuổi trở lên để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, phụ huynh không còn lo con mình thua kém khi tất cả trẻ vào lớp 1 đều ở cùng vạch xuất phát…

MInh Quân

Tin cùng chuyên mục