Giáp tết, doanh nghiệp tăng khuyến mãi

Còn đúng một tuần nữa sẽ khép lại mùa kinh doanh cao điểm nhất trong năm. Tại các siêu thị, chợ đều tổ chức các quầy hàng tết rất bắt mắt với bánh mứt, giỏ quà, lạp xưởng, củ hành, kiệu, dưa món, nước giải khát, hoa vải, câu đối, bao lì xì… 
Tăng khuyến mãi là chiến lược của hầu hết hệ thống siêu thị để kích cầu tiêu dùng trong dịp tết năm nay. Ảnh: Bình Diệp
Tăng khuyến mãi là chiến lược của hầu hết hệ thống siêu thị để kích cầu tiêu dùng trong dịp tết năm nay. Ảnh: Bình Diệp

Nhưng theo các nhà kinh doanh, điểm khác biệt của thị trường tết năm nay, đó là sản phẩm nào không đưa vào diện khuyến mãi sẽ không thể bán được hàng. Chính điều này đã đẩy các doanh nghiệp (DN) bước vào cuộc đua khuyến mãi; trong đó, không ít mặt hàng bán dưới giá gốc.

Hàng tết sẵn sàng

Vào thời điểm này, hầu hết DN sản xuất kinh doanh nói chung, DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) trên địa bàn TPHCM nói riêng đã gần hoàn thành kế hoạch hàng tết. Ngoài việc chuẩn bị hàng cung ứng thị trường chung, các DN BOTT còn dự trữ lượng hàng khá lớn để giữ ổn định về cung - cầu, giá cả trong trường hợp thị trường có dấu hiệu biến động.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vissan, cho biết tính đến ngày 1-2, công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường các loại thực phẩm chế biến như lạp xưởng, giò lụa, chả giò, nem nướng… đạt khoảng 80% kế hoạch tết.

Theo đó, sản lượng hàng tiêu thụ đã tăng bình quân 15% - 25%, tùy mặt hàng so với ngày thường và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ mùa kinh doanh tết năm ngoái. Về giá bán, các mặt hàng thực phẩm chế biến của Vissan đều rất ổn định. Riêng nhóm thực phẩm tươi sống như thịt heo, Vissan đang phối hợp với các nhà phân phối thực hiện giảm giá bán 10% - 30% từ nay đến ngày 30 Tết.

Ở nhóm trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, khẳng định nguồn cung thị trường tết rất dồi dào, phong phú. Về sức mua, ông Thiện cho hay, sau ngày 20 tháng Chạp mới có thể dự báo chính xác sức mua sẽ chuyển biến theo hướng tăng hay giảm so với cùng kỳ.

“Trong 3 năm gần đây, DN đã chủ động liên kết với các trang trại phát triển mạnh về tổng đàn nên đã làm chủ hoàn toàn nguồn cung trứng gia cầm. Nhưng điều khiến tôi lo nhất chính là sức mua thị trường chứ không phải thiếu hàng, tăng giá. Mặt hàng trứng rất khó bảo quản, nếu dự trữ quá nhiều mà tiêu thụ không kịp sẽ bị hư hao, đổ bỏ. Hiện chúng tôi đang theo dõi sát sức mua thị trường để đưa ra lượng hàng phù hợp”, ông Thiện nói.

Tương tự, ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng truyền thông và sự kiện Lotte Mart Việt Nam, cho hay sức mua đã bắt đầu tăng nhẹ trong những ngày qua và sẽ tăng cao kể từ đầu tuần này. Hiện tại, sức mua tập trung vào các sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí, sắm sửa và tân trang nhà cửa đón tết như hàng gia dụng, quần áo thời trang, đồ điện tử, hóa mỹ phẩm… Riêng hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá hải sản, khô mực, dưa món, các món ăn chế biến sẵn ngày tết, trái cây chưng, bánh mứt, nước giải khát sẽ tăng cao kể từ ngày 23 tháng Chạp tới.

 Tại các chợ đầu mối và chợ truyền thống, lượng hàng về hàng ngày đã tăng khá cao so với ngày thường. Nhóm hàng được tiểu thương chuẩn bị nhiều là bánh mứt, thực phẩm ngâm chua, quần áo may sẵn, giày dép… Nhiều gian hàng tạp hóa ở các chợ bán lẻ cũng tăng cường nhiều mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, lá dong và lạt giang để gói bánh chưng. Các cửa hàng chuyên bán thực phẩm miền Bắc đã bắt đầu bán thịt đông, hành muối, cá chép kho riềng, gạo nếp, đồng thời thực hiện việc đặt và giao hàng đối với các loại thực phẩm vào những ngày cao điểm tết.

Và “cuộc chiến” khuyến mãi

Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường tết năm 2018 tiếp tục một mùa kinh doanh sôi động với sự có mặt ngày càng nhiều sản phẩm đến từ các nước. Nguyên nhân trong năm 2017-2018, hàng loạt dòng thuế quan tiếp tục được cắt giảm theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước, giữa Việt Nam với khu vực ASEAN. Trong số đó, rất nhiều dòng thuế đã được đưa về mức 0% - 3%, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng khi mua sắm hàng tết.

Cụ thể, tại các siêu thị Mega Market, BigC, Lotte Mart… bánh kẹo, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản xuất hiện ngày càng nhiều trên các quầy kệ và được khách hàng chọn mua vì có niềm tin vào chất lượng, an toàn và sự đa dạng về kiểu dáng, màu sắc. Hiện các sản phẩm này cũng tăng cường khuyến mãi để khuyến khích người tiêu dùng như mua một tặng một, mua một sản phẩm này kèm theo một mặt hàng khác, giảm giá bán; thậm chí, với đơn hàng chỉ 200.000 đồng, khách hàng có thể mua được một sản phẩm với giá chỉ 1.000 đồng, trong khi giá bán thực tế 25.000 - 30.000 đồng…

Phân tích của phó tổng giám đốc phụ trách mua của một hệ thống siêu thị nổi tiếng (đề nghị giấu tên) cho thấy, không chỉ các nhãn hàng nước ngoài thực hiện khuyến mãi, ngay cả các nhãn hàng toàn cầu sản xuất tại Việt Nam cũng liên tục triển khai các chiến lược khuyến mãi lớn nên đã tạo sự thiệt thòi cho các sản phẩm thuần Việt. Vì lẽ, về giá bán các mặt hàng đều phải có giá bán rất cạnh tranh, nhưng để “chạy” các chương trình khuyến mãi, DN thuần Việt chỉ còn cách… giảm lãi. Với hệ thống siêu thị, để hỗ trợ DN Việt bán được hàng cũng chấp nhận giảm chiết khấu để DN sản xuất phối hợp khuyến mãi. Nhưng nếu tình hình này kéo dài, DN Việt sẽ rất “mất sức” vì đồng lời làm ra không đủ để tích lũy tái đầu tư. Mặt khác, để đạt doanh thu mà chỉ dựa vào việc khuyến mãi thì DN sẽ không thể phát triển bền vững.

Đi vào cụ thể các chương trình khuyến mãi dịp tết, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra cũng đã chuẩn bị lượng hàng tết đạt khoảng 80% - 90%; đồng thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ 9 nhóm hàng bình ổn giá, vừa cam kết giảm thêm từ 10%, 20%, 30% đến  50% cho hơn 5.000 mặt hàng gồm một số loại rau củ quả, trứng gia cầm, bánh kẹo, các loại sữa, bánh ngọt, trái cây, giò chả, giò lụa, lạp xưởng, các loại khô, cà phê hòa tan, nước giải khát, nước trái cây có gas, bình đun siêu tốc, nồi cơm điện, sản phẩm thời trang…

Ngoài ra, Saigon Co.op dự kiến sẽ tiếp tục giảm giá tối đa hàng loạt thực phẩm tươi sống vào khoảng 7 ngày cận tết. Tại các hệ thống BigC, Lotte Mart cũng đang có hàng loạt chương trình khuyến mãi với hàng ngàn sản phẩm có mức giảm giá đến 50% từ nay đến tết.

Riêng với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các DN BOTT đã lên kế hoạch phối hợp với các hệ thống phân phối để giảm mạnh giá bán vào 3 ngày cận tết đối với mặt hàng thịt heo, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến… nhằm kích cầu tiêu dùng.

Dự báo của các bộ ngành cho thấy, sức mua dịp tết năm nay sẽ tăng 30% - 50% so với các tháng thường và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Với sự chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm và chu đáo, các sở ngành chức năng hy vọng, thị trường tết tại TPHCM sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng - sốt giá, đảm bảo một mùa tết an lành và đầm ấm.

Hai tuần trước tết cũng là thời điểm “vàng” mà các nhà bán lẻ tung hàng để đẩy doanh số các mặt hàng đặc trưng, phục vụ việc biếu tặng.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, Co.op Food tiêu thụ trung bình khoảng 10.000 giỏ quà tết các loại/ngày. Lượng tiêu thụ này chủ yếu là cá nhân và doanh nghiệp mua biếu tặng đối tác và người lao động. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, Saigon Co.op đã đưa ra thị trường 46 loại giỏ quà thiết kế sẵn và tổ chức gói quà tết theo yêu cầu khách hàng. Giá mỗi giỏ quà dao động quanh mức 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng.

Tương tự, tại hệ thống Lotte Mart, giỏ quà tết cũng bắt đầu được tiêu thụ mạnh. Nhiều khách hàng đã đặt hàng và hẹn giao hàng vào tuần cận tết để biếu tặng trước và trong tết.

Tin cùng chuyên mục