Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận biểu thuế ưu đãi

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội khai thác những thị trường tiềm năng, ngay khi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) có hiệu lực. Nhưng làm sao để DN tận dụng mức thuế suất ưu đãi tối ưu từ những hiệp định này? 

 

50% số dòng thuế đối với thủy sản xuất khẩu sẽ giảm khi EVFTA có hiệu lực Ảnh: CAO THĂNG
50% số dòng thuế đối với thủy sản xuất khẩu sẽ giảm khi EVFTA có hiệu lực Ảnh: CAO THĂNG

Cơ hội lớn

Bộ Công thương thông tin, sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, thị trường châu Mỹ trở nên hấp dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu. Lần đầu tiên 3 trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ gồm Canada, Mexico, Peru có quan hệ thương mại tự do với Việt Nam. Các nước này cam kết cắt giảm thuế quan cho hàng hóa Việt Nam với tỷ lệ rất cao ngay khi CPTPP có hiệu lực. Chẳng hạn, Canada cắt giảm tới 95%, Peru 81%, Mexico 77%. Tương tự, ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 - 4% như hạt tiêu (hiện nay là 0 -11%); gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về mức 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả, EU cam kết cơ bản xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình từ 3 - 7 năm.

Theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Canada xóa bỏ ngay thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, nông sản chủ lực, gồm: cá tra (tươi, ướp lạnh, philê, chế biến), tôm, cá hồi (tươi, ướp lạnh, philê, chế biến), cá ngừ, cá kiếm, cua, mực; các sản phẩm nông sản gồm chè xanh, chè đen, tiêu, điều, rau hoa quả… Thêm nữa, cũng theo Bộ Công thương, hiện mặt hàng dệt may và da giày đang được DN tranh thủ tận dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada. Trường hợp DN nước ta đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa sẽ được hưởng mức thuế suất 0% (thay vì 18% như hiện nay) và mặt hàng dệt may cũng vậy.

Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhìn nhận khi thực hiện hiệp định này, các nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP (tùy theo cam kết của từng nước). Điều đó có nghĩa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng cam kết. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan lên đến 86,5% dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP trong vòng 3 năm; tuy nhiên vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như đường, trứng, muối và ô tô đã qua sử dụng. 

So sánh biểu thuế

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho hay tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã ký kết và triển khai 10 FTA (Hiệp định Thương mại tự do) khác nhau. Ngoài hiệp định mang tính khu vực, Việt Nam cũng ký những hiệp định mang tính song phương như với Hàn Quốc, Chile hay Nhật Bản. Như vậy, để tận dụng được mức thuế suất ưu đãi, DN Việt phải biết lựa chọn hiệp định phù hợp, biết so sánh biểu thuế để khai báo. Điều này không chỉ yêu cầu DN phải am hiểu quy định mà còn biết cân nhắc, lượng sức mình xem các sản phẩm DN sản xuất có đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ mà đối tác yêu cầu hay không. Bộ Công thương cam kết sẽ có bảng so sánh biểu thuế ưu đãi để DN nắm được và tự quyết định. Dự tính nghị định về biểu thuế xuất khẩu này sẽ được ban hành tháng 6 này. Thời điểm đó, DN đã có tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu vào các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt. Biểu thuế sẽ có lộ trình 4 năm, từ 2019-2022, đây là khoảng thời gian tương đối hợp lý cho doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp DN đã nộp thuế và thuế suất áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai cao hơn thuế suất ưu đãi trong CPTPP thì được xử lý thế nào? Vấn đề này được bà Đào Thu Hường, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, thông tin, tại dự thảo nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để thực hiện CPTPP có quy định về việc xử lý tiền thuế nộp thừa của DN. Cụ thể, trong vòng 12 tháng, tính từ ngày khai đăng ký làm thủ tục thì DN có thể nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan hải quan. Hồ sơ hoàn thuế gồm có công văn đề nghị cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo mẫu quy định tại Thông tư 39 và chứng nhận xuất xứ form CPTPP. Trường hợp hàng hóa được chuyển tải hoặc vận chuyển qua nước thứ ba (không phải thành viên CPTPP) thì người khai hải quan phải nộp bổ sung chứng từ chứng minh hàng hóa giữ nguyên trạng về xuất xứ CPTPP. Trong 5 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp lệ, cơ quan hải quan sẽ đối chiếu với bộ hồ sơ ban đầu, kiểm tra tính chính xác trong các thông tin kê khai. Nếu thông tin đầy đủ, cơ quan hải quan sẽ ban hành quyết định xử lý tiền thuế nộp thừa cho DN.

Tin cùng chuyên mục