Khách Trung Quốc, Đài Loan mượn danh du lịch để kết hôn

Khách du lịch Trung Quốc, Đài Loan vào Việt Nam bằng thị thực du lịch tăng cao, song nhiều người lại đi kiếm mối làm ăn hoặc kết hôn, môi giới kết hôn.

Ngày 13-12, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đã kiểm tra Đảng ủy Sở Du lịch TPHCM về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU (năm 2016) của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch TPHCM đến năm 2020.

Sở Du lịch TP cho biết, trong thời gian qua, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc, Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch tăng cao, song thực tế nhiều trường hợp tìm kiếm đối tác kinh doanh hoặc kết hôn, môi giới kết hôn.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan xuất nhập cảnh đã tạm giữ nhiều thị thực, xử phạt hành chính và trục xuất về nước.

Khách Trung Quốc, Đài Loan mượn danh du lịch để kết hôn ảnh 1 Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM). Ảnh mang tính minh họa.
Ngoài ra, theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2017, số người nước ngoài vi phạm pháp luật trên địa bàn TPHCM cũng tăng mạnh, với 646 trường hợp. Trong khi đó, số vi phạm trong các năm 2015, 2016 lần lượt chỉ là 83 và 245 trường hợp.

Đặc biệt, cũng trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TPHCM có 30 vụ vi phạm hình sự có liên quan đến 69 người nước ngoài. Vi phạm chủ yếu là hoạt động cá cược qua mạng, trộm cắp tài sản, gây mất an ninh trật tự công cộng, hoạt động sai mục đích nhập cảnh, nhập cảnh trái phép…

Sở Du lịch TP dẫn từ số liệu tổng hợp của Công an TPHCM và cho biết trong 9 tháng năm 2017, ngành công an TP đã tiếp nhận 59 vụ xâm phạm tài sản người nước ngoài (cùng kỳ năm 2016 có 87 vụ), gồm 42 vụ cướp giật tài sản và 17 vụ trộm tài sản. Công an cũng khám phá 38 vụ (26 vụ cướp giật và 12 vụ trộm cắp), bắt 45 đối tượng.

Trong thời gian qua, tình trạng chèo kéo, đu bám du khách tăng gần 5.800 vụ so với năm 2016. Lực lượng trật tự viên du lịch của Thanh niên Xung phong đã ngăn chặn được khoảng 8.750 vụ chèo kéo khách.

“Tình trạng bán hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách tăng là do TPHCM tổ chức nhiều sự kiện, khai trương phố đi bộ Bùi Viện; đồng thời, TPHCM còn tập trung công tác lập lại trật tự lòng, lề đường”, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, phân tích nguyên nhân.

Tuy vậy, Thanh tra Sở Du lịch TP cho biết chỉ có thể ngăn chặn, xua đuổi và chưa thể giải quyết triệt để nạn bán hàng rong, chèo kéo, đu bám du khách.

Do vậy, Thanh tra Sở Du lịch TPHCM kiến nghị UBND TP có văn bản chỉ đạo các quận trung tâm kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng bán hàng rong. Trước mắt thực hiện ở các quận trung tâm như quận 1, quận 3 và quận 5 với một số giải pháp cụ thể như chỉ đạo các đơn vị cơ quan cấp phường đặt biển cấm buôn bán hàng rong tại các điểm tham quan, tuyến du lịch tại các địa bàn trung tâm của phường.

Ngoài ra, UBND quận huyện mở “chiến dịch”, huy động công an phường, dân quân tự vệ, TNXP, học sinh, sinh viên tình nguyện giải quyết, xử lý triệt để tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường rồi giao về cho các phường duy trì nề nếp trật tự vừa thiết lập.

Đặc biệt, Thanh tra Sở Du lịch còn kiến nghị áp dụng biện pháp mạnh tay như kiên quyết xử phạt hành chính, tịch thu các phương tiện, vật dụng liên quan đối với những người bán hàng rong, bán vé số, đánh giày.

Đối với tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý cần nghiên cứu giải pháp quản lý, xử lý phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ra dẫn chứng cụ thể trong việc quản lý người bán hàng rong, chèo kéo du khách ở nước ngoài mà theo đồng chí là “rất đơn giản nhưng rất hiệu quả”.

Theo đó, ở nước ngoài họ tổ chức những quầy, điểm cho người kinh doanh, buôn bán hàng rong theo giờ. Với cách làm này, công việc mưu sinh của người dân không bị ảnh hưởng nhưng hoạt động bán hàng rong được quản lý một cách trật tự, không xô bồ, không gây phiền hà cho du khách.

Mở rộng ra, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm gợi ý, trong các hoạt động du lịch cần phải tính toán đến giải pháp để người dân cùng tham gia. Có thể sự đóng góp về giá trị vật chất của từng người không nhiều, song một khi người dân tham gia thì họ sẽ coi “đó là một phần của họ” và người dân sẽ có trách nhiệm, cùng tham gia giữ gìn, bảo quản và phát triển du lịch, thu hút du khách.

Tin cùng chuyên mục