Khi bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Khi nhận được công văn từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì những lý do không hợp lý, chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Khi nhận được công văn từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì những lý do không hợp lý, chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền đăng ký nhãn hiệu là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu được dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ do mình sản xuất và cung cấp. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký nhãn hiệu thường mất từ 12 - 14 tháng để biết kết quả có được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay không. Ngoài ra, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần phải trải qua 2 giai đoạn thẩm định, là thẩm định hình thức đơn và thẩm định nội dung đơn đăng ký. Do thủ tục khá phức tạp, thời gian xem xét hồ sơ dài và có rất nhiều yếu tố để đánh giá nhãn hiệu có đáp ứng điều kiện bảo hộ để được cấp văn bằng, do đó, việc bị từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoàn toàn có khả năng xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của thủ tục đăng ký.

Điều 7 Luật Khiếu nại (KN) năm 2011 quy định khi tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thì có thể nộp đơn KN hoặc khởi kiện vụ án hành chính. Do đó, khi cho rằng quyết định hoặc thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là không đúng với sự thật khách quan và xâm phạm tới quyền, lợi ích của mình, chủ đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp có quyền KN đối với quyết định, thông báo đó theo quy định tại Điều 14 Nghị định 103/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Về hình thức KN, chủ đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải thực hiện việc KN bằng văn bản đối với quyết định, thông báo từ chối cấp văn bằng nhãn hiệu. Nội dung đơn KN phải nêu rõ: Họ và tên, địa chỉ của người KN; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị KN; nội dung KN, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho KN; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan. Người KN nộp đơn KN và tài liệu kèm theo trực tiếp hoặc qua bưu điện đến trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc tại Văn phòng đại diện của cục ở TPHCM hoặc Đà Nẵng - nơi ban hành quyết định hoặc thông báo bị KN trong thời hiệu KN nêu trên.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định thụ lý đơn để giải quyết hoặc từ chối giải quyết KN. Sau khi có quyết định tiếp nhận đơn KN, Cục Sở hữu trí tuệ phải ra quyết định giải quyết KN. Nếu hết thời hạn giải quyết KN lần nhất mà KN không được giải quyết, hoặc khi không đồng ý với quyết định giải quyết KN, người KN có quyền tiếp tục KN tới Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KN lần hai) hoặc khởi kiện tại tòa án. Nếu hết thời hạn giải quyết KN lần hai, hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết KN của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, người KN vẫn có quyền khởi kiện tại tòa án.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục