Không thể mãi “giải cứu”

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia thị trường, trong bối cảnh các sở ngành nước ta hết “giải cứu” cà chua, thanh long, hành tím rồi đến thịt heo… 
Hiện nay người dân đang vào cuộc "giải cứu thịt heo". Trong ảnh: Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo vận chuyển từ các lò giết mổ trước khi đưa vào chợ
Hiện nay người dân đang vào cuộc "giải cứu thịt heo". Trong ảnh: Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo vận chuyển từ các lò giết mổ trước khi đưa vào chợ
Không loại trừ, nhiều khả năng “giải cứu” xong đợt này sẽ phát sinh các đợt “giải cứu” khác nữa. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc “giải cứu” chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài, các bộ ngành, doanh nghiệp (DN), các kênh phân phối, bà con nông dân nên ngồi lại với nhau để tìm hướng ra cho thị trường nông sản. 
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính riêng trên địa bàn TPHCM, hàng loạt DN đã “xắn” tay vào cuộc, nỗ lực “giải cứu” thịt heo cho bà con nông dân trước tình trạng mặt hàng này đang bế tắc đầu ra. Nhìn rộng trên cả nước, các bộ ngành cũng đã thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các DN, người tiêu dùng về việc tích cực hỗ trợ, sử dụng thịt heo trong các bữa ăn hàng ngày. Rõ ràng, tinh thần tương thân tương ái này rất đáng được trân trọng, phát huy. Mà gần đây nhất, cuộc “giải cứu” chuối cho bà con nông dân cũng được hàng loạt địa phương trong cả nước tích cực hưởng ứng nhiệt tình. 
Thế nhưng, những nỗ lực trên chỉ nên gỡ khó ngắn hạn, còn về lâu dài rất cần một kế hoạch bài bản để “giải cứu” chung cho những sản phẩm nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất các sản phẩm nuôi, trồng của bà con nông dân bị tắc đầu ra. Dẫn chứng cụ thể hơn, đại diện một DN phân tích, mặt bằng giá heo hơi hiện tại chưa tới 30.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo đến tận tay người tiêu dùng vẫn khá cao ở mức gấp 2-3 lần. Tương tự, vụ việc “giải cứu” chuối vừa rồi cũng thế. Khi giá chuối thu mua tại vườn của bà con nông dân chỉ vài ngàn đồng mỗi ký, thì giá chuối bán tại các cửa hàng, chợ lẻ vẫn cao gấp nhiều lần so với giá thu gom. Thực tế, người tiêu dùng cũng rất hiểu, chia sẻ mức giá bán ra bởi điều đó tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường. Vậy nhưng, nếu phân tích kỹ hơn, thì đằng sau những cuộc “giải cứu”, bà con nông dân chưa chắc đã được hỗ trợ tương xứng, bởi thực tế khâu trung gian (vận chuyển, giết mổ, phân phối…) đang đẩy giá sản phẩm lên đáng kể. Nên chăng, cần rút bớt các khâu trung gian sẽ giúp bà con nông dân cũng như người tiêu dùng cùng hưởng lợi. 
Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hầu như đã và đang diễn ra đối với các sản phẩm nông nghiệp nước ta, từ ngành trồng trọt cho đến chăn nuôi. Còn nhớ, vụ “giải cứu” cà chua ở Lâm Đồng, vải thiều Bắc Giang, dưa hấu Long An… thời gian vừa qua tại TPHCM là những ví dụ sinh động, điển hình về việc cả xã hội đang loay hoay với việc tìm hướng tiêu thụ nông sản cho bà con. Khi trao đổi về vấn đề này, chính các DN thừa nhận đây là thực trạng đau lòng khi bà con nông dân chưa biết cách kết nối, tìm hướng ra cho nông sản, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến thị trường, chịu sự áp giá của thương lái… Ngoài ra, các kênh thông tin về khuyến nông, khuyến lâm ở một số địa phương chưa thực sự trở thành người bạn đồng hành, đáng tin cậy của bà con nông dân nên chính nông dân ở không ít địa phương trở nên lạc lõng. Việc trồng trọt, chăn nuôi mang nặng cảm tính. Vì thế mới xảy ra tình trạng ồ ạt nuôi trồng (gia súc, gia cầm hoặc nông sản) hoặc ồ ạt chặt bỏ (ví dụ cà phê, tiêu…) khi thị trường được giá hoặc mất giá. Điều này vô tình lại tiếp tục đẩy bà con nông dân tới vòng luẩn quẩn không lối thoát: “Được mùa mất giá”.  
Tại một cuộc gặp mới đây bàn về biện pháp tiêu thụ thịt heo giúp bà con nông dân do Sở Công thương TPHCM chủ trì, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, thẳng thắn cho rằng, DN sẵn sàng đồng lòng vào cuộc, giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn trước mắt. Thế nhưng, để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, ổn định, Chính phủ cần nhanh chóng vào cuộc, có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn chiến lược, hướng đi cụ thể để phát triển bền vững ngành chăn nuôi nước ta. Từ đó, tránh cho nông dân gặp phải những thiệt hại không đáng có như vừa qua.

Tin cùng chuyên mục