Khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung

Trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) không những góp phần bảo vệ tài nguyên đất, mà còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2. 
Hạn chế sử dụng gạch đất sét nung truyền thống trong xây dựng nhằm giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Ảnh: Phương Hà
Hạn chế sử dụng gạch đất sét nung truyền thống trong xây dựng nhằm giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Ảnh: Phương Hà
Mặc dù vậy, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/2010 phê duyệt Chương trình phát triển VLXD đến năm 2020 (gọi tắt Chương trình 567) về định hướng sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung, nhưng đến nay việc thực hiện chương trình này vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế.
Tiết kiệm 1.000ha đất nông nghiệp
Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu của Chương trình 567 là phát triển sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 30% - 40% vào năm 2020, hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm hécta diện tích chứa phế thải, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung. Việc sản xuất gạch không nung thay thế dần gạch đất nung nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính hàng năm, bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch, giúp tăng sử dụng phế thải công nghiệp. Việc này phù hợp chiến lược của Quỹ Môi trường toàn cầu về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển của Việt Nam về an ninh năng lượng và an ninh lương thực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 
Chính vì thế, việc phát triển loại vật liệu xây mới thay thế gạch đất sét nung bằng VLXDKN đang trở thành vấn đề cấp thiết đặt ra đối với ngành xây dựng. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển gạch không nung nhưng chưa cụ thể nên nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, các địa phương chưa có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để khuyến khích phát triển VLXDKN. 
Còn nhiều hạn chế 
Là đô thị lớn nhất nước, có tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của TPHCM ngày càng lớn. Nhằm phát triển đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị thì việc phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết với ngành xây dựng TP. Để thực hiện Chương trình 567, TPHCM đã tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VLXDKN trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng... Thế nhưng, lũy kế từ năm 2013 đến năm 2016, trên toàn địa bàn TPHCM có 806 dự án, công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng VLXDKN, nhưng chỉ có 163 dự án sử dụng VLXDKN. 
Một trong những nguyên nhân nhiều công trình xây dựng chưa sử dụng VLXDKN được Sở Xây dựng TPHCM nhìn nhận là do TP chưa có giải pháp hiệu quả trong việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất VLXDKN trên địa bàn. Với nhu cầu sử dụng VLXDKN ngày càng tăng, mặc dù số lượng doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXDKN tại TP ban đầu chỉ có 4 cơ sở, nay đã tăng lên 19 cơ sở nhưng số lượng và sản lượng các cơ sở sản xuất VLXDKN tại TPHCM chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, TP cũng chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát chặt chẽ về giá của các sản phẩm VLXDKN và chất lượng của các loại phụ kiện đi kèm khi thi công, để bảo vệ lợi ích và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm này. Bên cạnh đó, chưa nhiều DN sản xuất VLXDKN có hệ thống nhân lực và bộ phận kỹ thuật đủ năng lực, chủ động, tích cực đeo bám công trình, hướng dẫn kỹ thuật thi công vật liệu và phụ kiện, xử lý kỹ thuật kịp thời đối với những trường hợp sự cố nứt, thấm... 
Theo Sở Xây dựng TPHCM, VLXDKN là loại vật liệu mới, thi công đòi hỏi đồng bộ nguyên vật liệu và thiết bị. Trong khi đó, hiện nay, công nhân xây dựng đã quen với việc thi công gạch đất sét nung, chưa thành thạo trong việc thi công VLXDKN, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình cũng như khả năng áp dụng VLXDKN trong thực tế. Tại một số công trình xây dựng đã xảy ra các hiện tượng nứt, gây tâm lý e ngại về việc sử dụng gạch không nung.
“Đối với các công trình xây dựng nhỏ, riêng lẻ, Chương trình 567 chưa thực sự được hưởng ứng do hiệu quả kinh tế chưa cao, nhận thức của chủ đầu tư về loại vật liệu này chưa đầy đủ”, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết.
Để đẩy mạnh phát triển VLXDKN, Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các DN sản xuất VLXDKN vì khi số lượng cơ sở sản xuất VLXDKN còn ít, sẽ dễ dẫn đến tình trạng độc quyền của nhà sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, từ đó có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong việc sử dụng VLXDKN để xây dựng công trình.
Tại hội thảo “Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung” do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức gần đây, các DN cho rằng cần có các cơ chế, chính sách mạnh hơn để khuyến khích phát triển gạch không nung trong thời gian tới. Theo các DN ngành vật liệu xây dựng, hiện các chính sách ưu đãi trong việc sản xuất VLXDKN vẫn ở tầm vĩ mô, việc triển khai ưu đãi vốn cho DN đầu tư sản xuất VLXDKN hay tiếp cận vốn ưu đãi còn khó khăn. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc phát triển VLXDKN, các DN đề nghị cần có chính sách rõ ràng, nhất quán và dứt khoát hơn trong việc hạn chế vật liệu nung để tạo điều kiện cho VLXDKN phát triển.

Tin cùng chuyên mục