Dệt may lại đau đầu với... hạn ngạch

Dệt may lại đau đầu với... hạn ngạch

Tại cuộc hội thảo “Ngành dệt may Việt Nam trước ngưỡng cửa WTO” do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng ban Dệt may (Bộ Thương mại) cho biết: nguồn hạn ngạch sang thị trường Hoa Kỳ đã gần hết nhưng không có nguồn ứng trước năm 2007 như thường lệ.

Trong khi đó, vấn đề bỏ hạn ngạch trong năm nay là rất khó; thời điểm 1-1-2007 bỏ hạn ngạch là một phương án tốt nhưng còn tồn tại rất nhiều vấn đề và có thể sẽ muộn hơn. Có thể nói, ngành dệt may Việt Nam (VN) đang đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”...

  • Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: 25 cat. đều “nóng”

Dệt may lại đau đầu với... hạn ngạch ảnh 1

Công ty Hansae (KCN Tây Bắc - Củ Chi) may áo quần thể thao xuất khẩu. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Bộ Thương mại cho biết, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 4,462 tỷ USD, đạt 84,2% mục tiêu xuất khẩu cả năm, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2005.

Kể từ đầu năm 2006, tốc độ tăng xuất khẩu hàng dệt may rất ổn định, luôn đạt xấp xỉ 30%. Xuất khẩu vào Mỹ vẫn dẫn đầu trong 9 tháng qua với giá trị đạt 2,17 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 54,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Khối EU đứng vị trí thứ hai với 819 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng rất mạnh 51,6%. Trong khi dệt may xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU đều có tốc độ tăng trưởng tốt thì xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản chỉ tăng 3,4%, đạt 410 triệu USD.

Ngoài thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản, thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các nước khác như Hàn Quốc, Nga, Canada... cũng đang được mở rộng.

Tuy nhiên, 25 chủng loại hàng (cat.) có hạn ngạch xuất sang thị trường Mỹ đều đã trở thành cat. “nóng”, kể cả các cat. thuộc nhóm II cũng có tỷ lệ thực hiện lên tới 60%-70%.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN lại tỏ ra lo lắng, bởi đây chỉ là “tăng trưởng nóng”, chủ yếu do cấp visa tự động nên các hợp đồng xuất khẩu dồn vào đầu năm và do Trung Quốc đang bị áp đặt hạn ngạch đặc biệt”.

Nếu chủ quan không chuẩn bị lực lượng thì đến năm 2008, Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản, chắc chắn doanh nghiệp dệt may VN sẽ “sốc” nữa.

  • Dệt may gặp khó

Dệt may lại đau đầu với... hạn ngạch ảnh 2

Dây chuyền ủi áo veston xuất khẩu ở Công ty cổ phần May Sài Gòn 2. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Trong những ngày gần đây, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đang đau đầu trước quyết định mới của phía Mỹ về việc sẽ theo dõi lượng hàng dệt may nhập khẩu từ VN và tiến hành điều tra nếu thấy có dấu hiệu bán phá giá.

Động thái này nhằm dỡ bỏ đề nghị ngừng đưa ra dự luật về Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với VN ra xem xét của hai Thượng Nghị sỹ Mỹ Elizabeth Dole và Lindsey Graham.

Theo bình luận của Hiệp hội Dệt may thì “quy định này còn tệ hơn là áp dụng hạn ngạch”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng: đây là cơ hội để phía Mỹ đưa vấn đề PNTR ra bỏ phiếu tại Quốc hội với khả năng thông qua rất cao.

Nhưng thông tin mới nhất từ phía Mỹ cho biết, việc đưa PNTR sẽ chưa được đưa vào kế hoạch họp ngày 13-11. Trong trường hợp, đại hội đồng WTO họp vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11 tới thông qua việc Việt Nam gia nhập WTO trong khi VN vẫn chưa được trao PNTR thì Hoa Kỳ sẽ có tuyên bố chưa áp dụng các quy định trong WTO với VN.

Việc lỡ chuyến tàu WTO trong năm nay đối với cả hệ thống kinh tế – xã hội không có ý nghĩa quan trọng, nhưng riêng đối với dệt may lại là cả một vấn đề “đau đầu” đối với các nhà quản lý và doanh nghiệp.

Vì cho đến thời điểm này, cơ chế điều hành xuất khẩu dệt may sang thị trường Hoa Kỳ vẫn là một câu hỏi lớn, bởi không thể khẳng định được năm 2007 sẽ bỏ hay không bỏ quota.

Ông Nguyễn Đức Thanh nhận định, có thể nói, dệt may VN đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Trường hợp năm 2007 không còn quota thì những tháng cuối năm 2006 này sẽ không có hạn ngạch ứng trước.

Vì vậy, doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng không còn hạn ngạch trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký. Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đang “ngồi trên đống lửa” hoặc “bó tay” ngồi chờ cơ chế 2007 mà chưa thể lên kế hoạch kinh doanh và ký hợp đồng xuất khẩu cho năm sau. 

VIỆT LAN 

Nhiều chính sách nông nghiệp chưa phù hợp quy định của WTO

Hôm qua, 4-10, Bộ Thương mại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo công bố kết quả nghiên cứu những xu hướng chính sách trợ cấp trong thời gian tới khi Việt Nam gia nhập WTO.

Theo kết quả nghiên cứu các chính sách trợ cấp nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua, hầu hết các chính sách hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đều chưa phù hợp với các quy định của WTO như trợ cấp qua lãi suất, thưởng xuất khẩu cho 9 mặt hàng. Các chính sách hỗ trợ này mang tính giải quyết tình thế, chưa dự báo được thị trường cũng như chưa hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân theo quy định của WTO.

Tin cùng chuyên mục