WB công bố Chiến lược đối tác quốc gia mới dành cho Việt Nam

Việt Nam là một câu chuyện thành công

Việt Nam là một câu chuyện thành công
  • Việt Nam được vay 4 tỷ USD không lãi suất trong 5 năm tới
Việt Nam là một câu chuyện thành công ảnh 1

Hôm qua, 6-2, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Chiến lược hợp tác quốc gia mới dành cho Việt Nam (giai đoạn 2007-2011). Theo đó, WB sẽ hỗ trợ khoản tín dụng không lãi suất dài hạn trị giá hơn 800 triệu USD/năm trong vòng 5 năm tới cho Việt Nam. Tổng số tiền tín dụng ưu đãi trong giai đoạn 2007 – 2011 mà WB dành cho Việt Nam sẽ là 4 tỷ USD.

Phát biểu tại lễ công bố Chiến lược đối tác quốc gia mới của WB cho Việt Nam, ông James Adam, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: Việt Nam là một ví dụ về mô hình phát triển với hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, trong khi đó lợi ích của nền kinh tế thị trường đã được phân bổ tương đối đồng đều cho mọi tầng lớp xã hội.

Theo ông James Adam, thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế - cơ quan của WB cung cấp tín dụng ưu đãi cho các nước nghèo nhất – WB sẽ tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực quan quan trọng nhất để giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010.

Kế hoạch này nhằm giảm nghèo và đưa đất nước tiến lên thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Chiến lược đối tác quốc gia mới của WB dành cho Việt Nam hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế cần thiết để thúc đẩy và bảo vệ một nền kinh tế phức tạp và đa dạng hơn.

Bốn lĩnh vực mà WB dự kiến tham gia hỗ trợ là: cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy hòa nhập xã hội; quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường tốt hơn; cải thiện quản lý và điều hành. “Thành tựu tăng trưởng và giảm nghèo 15 năm qua của Việt Nam là tiến bộ ấn tượng nhất trong cộng đồng phát triển của thế giới. Chiến lược mới này của WB nhằm tiếp tục thực hiện “câu chuyện thành công” của Việt Nam” - ông James Adam nói.

Khoản tín dụng 4 tỷ USD trong 5 năm là một số tiền lớn. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là gánh nặng trong tương lai của Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhận xét: “Chính phủ Việt Nam rất thận trọng trong chính sách đi vay của mình”. Theo ông, hiện nay tổng nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm khoảng 40% GDP, nhưng phần lớn trong đó là vốn vay ưu đãi: “Chẳng có gì đáng lo ngại cả, bởi những khoản vay này đều không tính lãi”.

Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP “Tại sao WB lại đổi tên “Chiến lược hỗ trợ quốc gia” thành “Chiến lược đối tác quốc gia” dành cho Việt Nam?”, ông James Adam cho biết:

- Trước đây gọi là “Chiến lược hỗ trợ quốc gia” thì được hiểu ngầm là nhà tài trợ chỉ cung cấp nguồn lực. Còn đến nay, gọi là “đối tác” là để nhấn mạnh về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa WB và Việt Nam.

Đó là quyền làm chủ mạnh mẽ hơn của Chính phủ Việt Nam đối với chiến lược đó. Về phía WB, không chỉ thuần túy là cung cấp nguồn tiền hỗ trợ, mà quan trọng hơn là cả hai bên cùng làm việc với nhau trên một chương trình mà Chính phủ Việt Nam đã quyết định là phải ưu tiên. Đây là một sự thay đổi to lớn và kèm với đó là thông điệp thể hiện sự tiến bộ, sự thành công của Việt Nam.

- Phóng viên: Ông vừa nói, Việt Nam là một “câu chuyện thành công”. Vậy theo ông, đâu là yếu tố quyết định cho sự thành công này, xét trên góc độ vĩ mô?

- Ông JAMES ADAM: Việt Nam có một khuôn khổ kinh tế vĩ mô khá tốt, lạm phát thấp. Chính sách đầu tư và mở cửa cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng thông thoáng, giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 8%/năm. Những lĩnh vực đầu tư khác như cơ sở hạ tầng cũng dẫn đến những thay đổi to lớn về bộ mặt và tình hình đất nước, đời sống người dân được cải thiện.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều chính sách phù hợp và hiệu quả, góp phần vào “câu chuyện thành công” của Việt Nam. Tuy nhiên, là một nước có thu nhập thấp, Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Vì thế, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để tiếp tục cải cách các lĩnh vực tài chính công, chống tham nhũng… Sự cố gắng của các bạn khiến chúng tôi cảm thấy rằng, nguồn lực của WB cũng như các nhà tài trợ khác sẽ được sử dụng hiệu quả.

- Sau vụ PMU18, WB có cử một đoàn công tác sang Việt Nam để kiểm tra việc sử dụng vốn tại các dự án của WB. Thưa ông, đến nay đã có kết quả kiểm tra chưa?

Đoàn kiểm tra đã không phát hiện thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tiền của WB bị sử dụng sai trái tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đưa ra nhiều khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam về đổi mới công tác mua sắm, đấu thầu ở các dự án ODA.

- Xin cảm ơn ông.

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục