Lãnh đạo EVN: Không thể thành lập... 2 công ty mua bán điện

Lãnh đạo EVN: Không thể thành lập... 2 công ty mua bán điện

Chiều 11-6, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời PV Báo SGGP như vậy quanh vấn đề thành lập công ty cổ phần mua bán điện. Lãnh đạo EVN đã trả lời thẳng thắn tất cả các câu hỏi do PV Báo SGGP và một số cơ quan báo chí khác nêu.

  • Sẽ công khai giá mua, bán điện?

* PV: Thưa ông, Ngân hàng Thế giới (WB) và một số chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về việc thành lập một công ty cổ phần mua bán điện sẽ biến độc quyền của ngành điện thành độc quyền doanh nghiệp.

* Ông ĐÀO VĂN HƯNG,
Chủ tịch HĐQT EVN: Tôi không muốn tranh luận về quan điểm của WB. Văn phòng Chính phủ có thông báo số 46, yêu cầu thành lập công ty cổ phần mua bán điện. Mới đây, khi lấy ý kiến rộng rãi đại diện các bộ, ban, ngành, tổng công ty..., hầu hết đều tán thành việc thành lập công ty cổ phần trong lĩnh vực này. Công ty sẽ hoạt động theo 6 nguyên tắc: mua điện theo đăng ký nhu cầu của các công ty phân phối; mua điện từ thấp đến cao theo giá chào bán của các nhà máy điện, hiện là 32 nhà máy và đến 2010 sẽ có trên 100 nhà máy chào giá bán; phải đàm phán mua điện, trong đó 14 cổ đông không được biểu quyết tham gia đàm phán; không được chào quá giá trần vì sẽ gây rối loạn; định mức lãi của công ty chỉ được dao động 5%-10%; trong quá trình đàm phán giá, ban kiểm soát và đại diện của các bộ Tài chính, Công nghiệp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... sẽ tham gia giám sát. Điều hành công ty là đại diện các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Với 14 cổ đông như vậy, sẽ tạo ra thế giằng co rất lớn trong nội bộ công ty. Kết quả đàm phán về giá điện sẽ ở mức hợp lý nhất.

Lãnh đạo EVN: Không thể thành lập... 2 công ty mua bán điện ảnh 1

Nguồn điện ngày càng được bổ sung cho nhu cầu phát triển KT-XH. Trong ảnh: Công ty cổ phần Lilama 18 lắp đặt stato tổ máy 1 Nhà máy thủy điện Đại Ninh, Bình Thuận. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Với việc ra đời công ty này, dư luận, người dân sẽ dễ dàng kiểm soát được các thông tin về giá mua, giá bán. Vì, mức giá chào bán và giá mua sẽ được công khai trên trang web của công ty.

* Công ty này hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Hơn nữa, việc công ty mua điện với giá thấp sẽ kìm hãm đầu tư vào nguồn điện...

* Cổ đông tham gia công ty đều là đại diện của những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước lớn, rất có uy tín, tính trách nhiệm sẽ rất cao. Thành phần cổ đông cũng rất đa dạng, có cả đơn vị bán điện, đơn vị mua điện. Nên, sẽ không có chuyện mua thấp, bán cao gây tổn hại cho nhà đầu tư và người tiêu dùng. Cũng sẽ không có chuyện vì vài tỷ đồng lợi nhuận mà các cổ đông bất chấp luật pháp, đi thông thầu, thông đồng như một số ý kiến suy diễn.

Về ý việc làm kìm hãm thu hút các nhà đầu tư thì theo tôi, đầu tư không phải do mua điện thế này, bán điện thế kia mà chủ yếu nhìn vào thị trường. Nhà đầu tư đánh giá năm 2010, diễn biến tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện, thị trường điện thế nào để quyết định đầu tư.

  • Đến 2009 vẫn một mình một chợ!

* Đến 2009 sẽ không còn công ty cổ phần nhà nước. Công ty này ra đời được hưởng mọi ưu đãi về nhân lực, hạ tầng, công nghệ và vốn của nhà nước. Khi ấy, lợi nhuận sẽ chảy về túi tư nhân. Quan trọng nữa là công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được tự quyết mà không phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của nhà nước.

* Công ty này không thể tự do hoạt động theo ý muốn. Vì giá điện bán cho người tiêu dùng do nhà nước quyết. Công ty không có vai trò trong việc tăng giá điện. Chi phí phân phối, truyền tải đã rõ ràng, cố định, nhà nước cũng đã “chốt” lại rồi. Công ty mua để bán cho công ty phân phối, bán trên cơ sở các công ty phân phối chấp nhận được. Một mình công ty này có dám đối đầu với cả xã hội được không?

Các quốc gia khác thường dùng giá điện lũy tiến. Ví dụ, 30kWh đầu, giá gần như cho không. 50kWh tiếp theo, giá trên trời và 50kWh tiếp theo, giá trên cả trời. Người ta lấy doanh thu đó để bù cho các đối tượng nghèo. Đó là kinh nghiệm để ta học tập.

* Vậy tại sao EVN không lập phương án đến 2009, khi công ty này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, sẽ thành lập một công ty nữa để tránh độc quyền? World Bank mới đây cũng đưa ra một số mô hình công ty mua bán điện, EVN đánh giá tính khả thi của mô hình này ra sao?

* World Bank giới thiệu mô hình nhập công ty trên cơ sở sáp nhập 4 công ty truyền tải hiện nay với trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Công ty như thế này không làm được vì quy mô rất đồ sộ. Còn việc giao một cơ quan nhà nước thực hiện thì cũng không có đủ kinh phí đầu tư từ 4.000 đến 5.000 tỷ đồng/năm để sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp. Mỗi năm cũng phải cấp 1 đến 1,5 tỷ USD/năm cho truyền tải.

Chúng tôi rất muốn có nhiều công ty mua bán điện. Nhưng hoạt động của thị trường điện lực còn khó hơn cả thị trường chứng khoán. Nếu việc ra đời, vận hành công ty này trôi chảy, sẽ rút ngắn lộ trình hình thành. Nhưng, không thể ấn định từ 2009.

* Giả thiết Thủ tướng yêu cầu EVN phải thành lập 2 công ty mua bán điện, EVN có làm được không?

* Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG:
Chúng tôi sẽ trả lời là không trong thời điểm này. Phải đến khi thị trường điện hình thành và nhiều cơ chế, chính sách được hoàn thiện, ban hành thì mới thực hiện được. Hiện nay, giá bán điện giữa các công ty điện lực đang rất khác nhau. Nếu ra một lúc 2 công ty sẽ dẫn đến không xử lý được bù chéo giá điện giữa các công ty điện lực với nhau và sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Trong quá trình làm, chúng tôi rất muốn nhiều công ty tham gia. Nhưng, thực tế từ tháng 7-2005, chúng tôi vận hành thí điểm việc đấu giá phát điện nội bộ mà đã có nhiều yếu tố về văn bản, kỹ thuật... phải xử lý.

* Xin cảm ơn hai ông! 

Ông Richard Spencer, chuyên gia năng lượng cao cấp của WB: Một kiểu thị trường giả

Sau khi WB có khuyến nghị về mô hình công ty cổ phần mua bán điện duy nhất (SB) do EVN đề xuất, trao đổi với báo chí, ông Richard Spencer, chuyên gia năng lượng cao cấp của WB cho rằng việc thành lập SB như thế này không phải là một quyết định khôn ngoan, đúng đắn.

Mô hình SB này có rất nhiều quyền vì nó là duy nhất. Trong thư phản đối mô hình SB, WB khuyến cáo công ty này nên là người đại diện cho Chính phủ để làm trung gian giữa người mua và người bán điện. Tuy nhiên, mô hình mà EVN đề xuất là cổ phần có cổ đông là những nhà sản xuất điện, điều này sẽ tạo ra động cơ để công ty này tăng mức lợi nhuận lên. Muốn như vậy thì hoặc phải giảm chi phí ở phía đầu vào tức là có giá mua điện giá rẻ hoặc là tăng giá bán điện đầu ra cho người tiêu dùng. Tất nhiên EVN có đề ra mức lãi suất là 5% cho công ty nhưng để tính được vì sao lại là 5% thì rất khó và chưa ai biết tính như thế nào.

Việc thực hiện như thế này thì không tạo ra động lực cho các công ty khác tham gia thị trường. Vì đây là công ty mua nhưng đại diện cho người bán, một kiểu thị trường giả, vẫn là 1 người nhưng lại được tách ra làm hai. Vì thế sẽ tạo sức ép lên người tiêu dùng cuối cùng hoặc những người bán khác.

NAM QUỐC 

Tin cùng chuyên mục