Dệt may không còn thu hút người lao động?

Dệt may không còn thu hút người lao động?

Dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đứng thứ 2 sau dầu khí, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, nếu không vướng các rào cản thì tăng trưởng sẽ đạt 30%/năm và mục tiêu đạt 10- 12 tỷ USD vào năm 2010 là việc nằm trong tầm tay. Tuy nhiên so với các nước, tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam sau khi bỏ hạn ngạch vẫn còn thấp. Một trong những lý do kìm hãm sự tăng trưởng chính là thiếu lao động và tỷ lệ sản xuất FOB (tự mua nguyên phụ liệu, bán thành phẩm) vẫn còn thấp.

FOB: sân chơi dành cho doanh nghiệp nước ngoài

Dệt may không còn thu hút người lao động? ảnh 1

Các doanh nghiệp dệt may luôn gặp khó khăn vì thiếu lao động. Ảnh: THÀNH TÂM

Chỉ một thời gian ngắn sau khi bỏ hạn ngạch, tốc độ tăng trưởng 20%-30% của ngành dệt may là một con số đáng mừng, vì so với Trung Quốc (80%), Indonesia (48%) được bỏ hạn ngạch trước, Việt Nam vẫn có nhiều thời gian để nâng cao tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam sẽ khó đạt được con số mong ước cho thời gian tới, khi mà hầu hết doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ làm hàng gia công, tỷ lệ làm hàng FOB rất thấp chỉ khoảng 20%-30%, trong tổng sản lượng hàng dệt may xuất khẩu hàng năm. Vấn đề nguyên phụ liệu chính là cốt lõi để giải quyết bài toán FOB. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc vào 80% nguyên phụ liệu của nước ngoài. Đó chính là lý do DN Việt Nam thua DN đầu tư nước ngoài trên sân chơi FOB.

Sở dĩ, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng dệt may cao (80%) vì có được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Hy vọng, với nhiều dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu trong nước vào thời gian tới, các DN dệt may trong nước sẽ chủ động hơn trong việc nâng tỷ lệ sản xuất hàng FOB. Theo dự báo, trong năm 2007, DN trong nước chuyển sang làm FOB sẽ tăng thêm 5%-10%. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 nhận xét, DN có sản xuất hàng FOB thì mới có thể tồn tại và phát triển, đây là con đường sống của DN. Cho dù giá trị xuất khẩu có tăng lên, nhưng chỉ sản xuất hàng gia công thì lợi nhuận vẫn rất thấp. Điều quan trọng bây giờ không phải có nhiều hay ít đơn hàng, mà quan trọng là có nhân lực để sản xuất hay không.

Dệt may: không còn hấp dẫn lao động

“Đầu tư mua trang thiết bị hiện đại dễ dàng hơn là việc tìm được lao động có tay nghề cao”, đây là tâm sự của các DN và cũng là thực tế của ngành dệt may hiện nay. Chưa kể đến lao động có tay nghề, chỉ riêng lao động phổ thông, các DN cũng đang phải đối mặt với khó khăn lớn trước việc thiếu hụt nghiêm trọng lao động nghề may. Cứ sau Tết Nguyên đán, các DN dệt may lại lao đao vì thiếu lao động.

Tại TPHCM hiện nay, dù mức lương bình quân 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng nghề may vẫn không hấp dẫn lao động. Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 xuất khẩu chủ lực vào thị trường Hoa Kỳ với sản phẩm vest nữ, mặt hàng không nằm trong danh mục giám sát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đang có nhiều thuận lợi khi được các nhà nhập khẩu đề nghị nâng sản lượng xuất khẩu từ 80.000 bộ/tháng hiện nay lên 100.000-120.000 bộ/tháng, nhưng cũng đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn lao động. Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cho biết, hiện công ty còn thiếu khoảng 2.000 lao động để lấp đầy 40 chuyền may tại nhà máy số 1 ở huyện Củ Chi (TPHCM), hiện nay chỉ mới có 15 chuyền may hoạt động.

Dệt may không còn thu hút người lao động? ảnh 2

Các DN dệt may luôn gặp khó khăn vì thiếu lao động. Trong ảnh: Dây chuyền may tại Công ty May Việt Tiến. Ảnh: THÀNH TÂM

Ở Quảng Ngãi, có 7 nhà máy may, nhưng hiện đã có 4 nhà máy ngừng hoạt động, nguyên nhân chính là không có công nhân để làm. Hiện có gần 3.000 công nhân làm việc trong 3 nhà máy còn lại, với mức lương bình quân 800.000 đồng/tháng.

Ngoài khó khăn về việc mua nguyên phụ liệu và chi phí vận chuyển ra vào các thành phố lớn, các DN may ở đây cũng gặp khó khăn lớn về nguồn lao động. Dù có hiện tượng lao động ở các thành phố lớn chuyển về các tỉnh, tuy nhiên lao động có tay nghề ở tỉnh vẫn hiếm. Công nhân vẫn chưa quen với tác phong công nghiệp, thường xuyên nghỉ làm, không xin phép.

Hiện cách tuyển dụng vào làm việc ở các nhà máy may Quảng Ngãi rất “thoáng”, chủ yếu là tuyển lao động tay ngang, vừa làm vừa học nghề. Tuy nhiên, nguồn lao động ở đây dường như đã cạn. Mới đây, tại sàn giao dịch lao động tỉnh Quảng Ngãi, Công ty TNHH Thuyên Nguyên rao cần tuyển gấp 1.000 công nhân may làm việc tại KCN Tịnh Phong, nhưng chỉ tuyển được vài chục người. Ông Văn Hữu Thành, Giám đốc Nhà máy may Dung Quất (trực thuộc Vinatex Đà Nẵng) tâm sự, công ty hiện đang cần tuyển thêm 500 công nhân, nhiều lần ông phải vào tận các xã miền núi để “kiếm” người, nhưng thường về tay không. Khó khăn về chi phí vận chuyển đã được tính đến nhưng thiếu lao động là không lường trước được.

Ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế sau khi đã vào WTO, khó khăn lớn nhất của ngành dệt may hiện nay không phải là những đơn hàng, mà vấn đề quan trọng để quyết định sự tăng trưởng xuất khẩu dệt may chính ở nguồn lực lao động và khả năng sản xuất FOB của DN. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục