Về việc khai thác bauxite và sản xuất alumina, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phù hợp với chiến lược tác động môi trường

Cuộc hội thảo khoa học về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina ở Tây Nguyên đã được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hôm qua 9-4, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội thảo. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng trên 170 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà xã hội học, sử học... cùng tham dự.

Cuộc hội thảo khoa học về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina ở Tây Nguyên đã được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hôm qua 9-4, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội thảo. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng trên 170 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà xã hội học, sử học... cùng tham dự.

Tiềm năng công nghiệp của đất nước
 
Vì đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng nên các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi trọn một ngày, đến tận gần 18 giờ 30 mới kết thúc.

Đại đa số các ý kiến đều cho rằng, phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite và sản xuất alumina - nhôm là cần thiết, tuy nhiên do đây là một dự án lớn nên đòi hỏi phải làm hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều, đặc biệt là phải có báo cáo tác động môi trường...
 
Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những tâm huyết, những đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học. Theo Phó Thủ tướng, dự án này đã được nghiên cứu từ những năm 1990. Tuy nhiên đến nay vẫn mới chỉ dừng ở báo cáo tiền khả thi vì điều kiện triển khai rất khó khăn. Hiện mới chỉ có 2 dự án quy mô nhỏ được triển khai thí điểm. Nhưng ngay cả khi vẫn đang ở báo cáo tiền khả thi thì nhiều ý kiến vẫn còn khác nhau, nhất là về vấn đề công nghệ, hiệu quả dự án, thị trường, biến đổi khí hậu... “Đó đều là những vấn đề hệ trọng, vì vậy rất cần nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để tiếp tục có những giải pháp, quyết sách đúng cho tương lai”, Phó Thủ tướng nhận định.

Về chủ trương phát triển ngành khai thác bauxite và sản xuất alumina, Phó Thủ tướng khẳng định đó là chủ trương đúng đắn, đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng ta. Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên, có tiềm năng để hình thành một ngành công nghiệp khai thác lớn, có khả năng đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Khi có tiềm năng có thể phát huy thì phải phát huy, vì chúng ta không có nhiều lợi thế.

“Cần tận dụng lợi thế để phát triển”, Phó Thủ tướng giải thích về chủ trương khai thác bauxite và sản xuất alumina. Dĩ nhiên, theo khẳng định của Phó Thủ tướng, chúng ta không phải phát triển bằng bất cứ giá nào, để phát triển thành công tiềm năng đó, phải có những giải pháp quản lý, thực hiện hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, chúng ta có những dự án làm chưa tốt như kế hoạch ban đầu. Vì vậy, với dự án này, phải bảo đảm bauxite là tiềm năng công nghiệp của đất nước, nhưng không được biến Tây Nguyên thành đói nghèo như nhiều ý kiến lo ngại. “Chúng ta sẽ phải có giải pháp thực hiện chặt chẽ, phải rút kinh nghiệm từ nhiều dự án khác khi triển khai dự án này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tế
 
Trước các ý kiến cho rằng, việc triển khai dự án là vội vã và quá nhiều tham vọng, Phó Thủ tướng cho biết, khi chuẩn bị quy hoạch là thời kỳ kinh tế thế giới phát triển nhanh, nhu cầu nhôm rất lớn nên chúng ta chuẩn bị nhiều dự án. Vì thế có thể gây lo ngại dự án quá lớn. Hiện nay, khi bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi thì chúng ta sẽ phải tính toán lại, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tế, để hiệu quả dự án là cao nhất. Chúng ta đề ra nhiều dự án.

Nhưng hiện tại đều trong giai đoạn nghiên cứu. Sau này, khi quyết định triển khai, nếu dự án lớn thì phải trình Quốc hội. Còn hiện tại, mới chỉ làm thí điểm 2 dự án với quy mô nhỏ (là Nhân Cơ và Tân Rai) nên Phó Thủ tướng cho biết không thuộc diện phải trình Quốc hội. Việc triển khai 2 dự án này chỉ là để làm quen với công nghệ, với thị trường.
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương nghiên cứu, đánh giá lại tình hình để điều chỉnh quy hoạch khai thác bauxite và sản xuất alumina phù hợp với bối cảnh hiện nay, đồng thời hoàn thiện báo cáo chiến lược tác động môi trường, có tính đến toàn bộ khu vực sông Đồng Nai. Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT được giao lập kế hoạch sử dụng đất, hoàn thổ đất, tiến hành thẩm định tác động của dự án đến đất sản xuất của người dân. Cùng với đó, giám sát vấn đề di dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bảo đảm không lãng phí đất, bảo đảm hiệu quả dự án.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, phải thực hiện công tác giám sát việc triển khai dự án cũng như những tác động môi trường; giám sát chặt chẽ khâu chuyển giao công nghệ. “Phải bổ sung công tác giám sát như một biện pháp triển khai dự án này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần đến việc tăng cường khâu giám sát.
 
Khi chưa có lợi thế về điện, cần tính tới sản xuất alumina để xuất khẩu. Khi có điện giá rẻ rồi, có thể tính tới sản xuất nhôm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp chủ động trong nguyên liệu - Phó Thủ tướng cho biết. Việc sử dụng lao động tại chỗ khi triển khai dự án cũng phải làm thật hiệu quả, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch đào tạo lao động.

Liên quan đến vấn đề gây nhiều tranh luận nhất là hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, Phó Thủ tướng kết luận: Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công thương cần tiếp tục đánh giá lại hiệu quả của dự án, đề xuất các giải pháp bảo đảm hiệu quả dự án, báo cáo Thủ tướng vấn đề lỗ - lãi. Tất nhiên, nếu dự án lỗ thì Chính phủ sẽ không bao giờ cho triển khai. Hiệu quả xã hội, tác động đến vấn đề văn hóa Tây Nguyên cũng cần tính toán kỹ càng, không kém so với tính toán về hiệu quả kinh tế

Theo số liệu được cung cấp tại hội thảo, Việt Nam có trữ lượng  bauxite khoảng 5,4 tỷ tấn, đứng thứ 3 trên thế giới. Nguồn bauxite ở Tây Nguyên được đánh giá có chất lượng tốt, dễ hòa tách, lại nằm ở dạng quặng lộ thiên nên dễ khai thác. Nếu các dự án được thiết kế hợp lý, việc khai thác quặng bauxite và sản xuất alumina tại Tây Nguyên hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bùn thải trong quá trình sản xuất alumina – còn gọi là bùn đỏ, một hỗn hợp chất thải rắn – lỏng – là vấn đề môi trường lớn nhất cần quan tâm; với công nghệ chọn của các dự án hiện nay thì cứ mỗi tấn alumina sản xuất ra sẽ thải ra từ 1,2 – 1,5 tấn bùn đỏ, trong đó chất gây ô nhiễm chính là chất lỏng. Vấn đề ô nhiễm môi trường là có thể khống chế và khắc phục nếu hệ thống quản lý và vận hành sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong khai thác, chế biến.
 

LÂM NGUYÊN - BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục