Hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”:

Giải pháp mới cho giai đoạn mới

Tiếp tục kích thích kinh tế

Nhiều nhận định cho rằng, nền kinh tế nước ta đã vượt qua đáy suy giảm, có khả năng đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay. Vì vậy có thể nói các biện pháp kích thích kinh tế của Việt Nam đã phát huy hiệu quả thực tế. Vậy bước đi tiếp theo của chính sách kích hoạt, phục hồi kinh tế nên như thế nào? Những vấn đề này sẽ được đặt ra tại cuộc hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Lâm Đồng và Báo SGGP phối hợp tổ chức tại TP Đà Lạt vào ngày 28-8.

Tiếp tục kích thích kinh tế

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện công tác điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua, tổng kết những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô thời kỳ sau suy giảm. Hiện nay nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì thế, nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm nay và giai đoạn tiếp sau đó vẫn đối diện với nhiều khó khăn, và khó lường.

Các nguy cơ đối với nền kinh tế như xuất khẩu giảm, nhập siêu cao, tái lạm phát… vẫn đang hiển hiện. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 37,255 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2008. Mức nhập siêu tính đến nay cũng đã tăng lên đến trên 5,1 tỷ USD, đặt gánh nặng lên cán cân thương mại.

Chính phủ xác định thời gian tới vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt và chủ động các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế. Trong đó, việc điều hành chính sách tiền tệ một cách có hiệu quả, linh hoạt đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, các biện pháp kích cầu thông qua chính sách tiền tệ thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Cơ chế hỗ trợ lãi suất nhận được sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp triển khai của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất; là giải pháp kích cầu phù hợp, triển khai kịp thời, nên đã tạo lòng tin và động lực cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất thực hiện các giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Theo báo cáo khảo sát của các địa phương, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã đạt được mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo được việc làm cho người lao động.

Theo kết quả khảo sát 180 doanh nghiệp của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, có 63,3% doanh nghiệp được vay vốn ngắn hạn hỗ trợ lãi suất, 74,86% doanh nghiệp đã thực sự đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, 50,63% doanh nghiệp dùng vốn để duy trì sản xuất, 36,29% doanh nghiệp dùng vốn vay để mở rộng sản xuất, 95% doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, 33,3% doanh nghiệp giảm giá bán dưới 10% và 83,9% doanh nghiệp đã cải thiện được khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 91% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh nhờ sự trợ giúp của các gói kích cầu…

Tìm hướng đi mới

Hiệu quả của việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ thời gian qua có thể thấy rõ, nhưng tình hình mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần được đánh giá, nhìn nhận để có hướng đi đúng.

Ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nông thôn, HTX, làng nghề, hộ sản xuất nhỏ… vẫn gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc được chấp nhận bảo lãnh tín dụng vẫn chưa phủ rộng đối với các doanh nghiệp “khát vốn”, nhất là khu vực nông thôn. Đây chính là đối tượng cần gia tăng hỗ trợ về vốn có lãi suất ưu đãi trong thời gian tới.

Theo một điều tra được VCCI công bố gần đây, các doanh nghiệp ngày càng lệ thuộc vào các khoản vay để phát triển sản xuất kinh doanh (mức độ vay nợ, tần suất vay nợ của các doanh nghiệp tăng lên theo thời gian). Vai trò chính sách tiền tệ như một lực đẩy, hỗ trợ đối với nền kinh tế ngày càng thể hiện rõ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và kinh tế trong nước suy giảm. Ngoài ra, chính sách tỷ giá, lãi suất, tái cơ cấu nợ, đầu tư khu vực nông thôn, làng nghề… cần được điều hành ra sao? Liệu có cần thêm một gói kích cầu bù lãi suất tương tự hay không? Các giải pháp để tránh sốc cho nền kinh tế và các doanh nghiệp ở giai đoạn sau suy giảm cần được hỗ trợ như thế nào là việc cần bàn luận thấu đáo tại cuộc hội thảo.

Để góp phần triển khai chính sách, đồng hành với các doanh nghiệp, hiến kế cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Lâm Đồng và Báo SGGP – SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hội thảo có sự góp mặt của các nhà quản lý, đại diện của một số bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước; các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính…

Hội thảo sẽ đánh giá khái quát những vấn đề cơ bản về khủng hoảng, suy giảm kinh tế, thực trạng các biện pháp chống suy giảm kinh tế của các nước cũng như ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng của nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô cũng như vi mô, các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ cũng thảo luận để kiến nghị những chủ trương mới, giải pháp mới phù hợp với biến động nền kinh tế nước ta cho giai đoạn trước mắt cũng như thời kỳ sau suy giảm.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục