Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á

Thưa Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới,

Thưa các vị Lãnh đạo Chính phủ,

Thưa Quý vị,
 
Trước hết, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Quý vị đã đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo, quan chức chính phủ và đông đảo các học giả, doanh nghiệp hàng đầu thế giới, đây sẽ là một diễn đàn quan trọng để chúng ta trao đổi về những định hướng chiến lược nhằm đưa các nền kinh tế Đông Á tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh, cân bằng, bền vững thời kỳ hậu khủng hoảng.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 diễn ra tại Việt Nam đúng vào dịp chúng tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và chắc chắn sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định chính sách, phương hướng hợp tác ở khu vực trong những năm tới. Đây cũng là một vinh dự lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh đất nước chúng tôi đang chuẩn bị kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại, đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thưa Quý vị,

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm nay - “Nâng cao vai trò của Châu Á”, là rất phù hợp với bối cảnh hiện tại của khu vực chúng ta. Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống thế giới, nhưng cũng làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn.

Ở Đông Á, c
ác nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á, chứng tỏ ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp các nước trong khu vực.  Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Với quy mô kinh tế tăng nhanh, Đông Á sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và do đó có điều kiện để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế. Vai trò toàn cầu của Đông Á đã được thể hiện qua các nước thành viên tại các cơ chế hiện nay như Liên hợp Quốc, G20, WTO v.v. Đặc biệt, với 4 thành viên và đại diện ASEAN tại G20, Đông Á có khả năng đóng góp tích cực và đáng kể cho việc kiến tạo một cấu trúc mới hiệu quả hơn, dân chủ hơn cho nền quản trị toàn cầu.

Một điều hết sức tích cực là trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hợp tác khu vực ở Đông Á có xu hướng được đẩy mạnh, thông qua nhiều cơ chế như: ASEAN+3, ASEAN+1, Cấp cao Đông Á, các cơ chế hợp tác tiểu vùng, các tam-tứ giác phát triển, và các hiệp định mậu dịch tự do đa phương hoặc song phương. ASEAN đã luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm, vị thế chủ đạo, đóng góp hiệu quả đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực ở Đông Á và các thể chế liên khu vực ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, cũng cần phải thấy rằng các nền kinh tế Đông Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bao gồm các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên v.v. Với đặc điểm nổi bật là hướng ngoại, kinh tế Đông Á cũng dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế toàn cầu. Điều đó, đòi hỏi từng nền kinh tế Đông Á cần tăng cường chất lượng quản trị, đổi mới mô hình phát triển để tăng trưởng nhanh, cân bằng và bền vững, mặt khác phải dành nhiều ưu tiên hơn và tham gia nhiều hơn nữa trong hợp tác quốc tế để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Nói cách khác, Đông Á cần phải có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Thưa Quý vị,

Bối cảnh quốc tế của giai đoạn hậu khủng hoảng đòi hỏi các nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên cho giai đoạn sắp tới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc và đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn. Những câu hỏi lớn mà chúng ta cần tìm lời giải đáp là:

Thứ nhất, ở cấp độ quốc gia, để duy trì được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, chúng ta cần có những điều chỉnh gì đối với mô hình phát triển hiện tại? Mô hình phát triển của Đông Á đã được thử thách và chứng tỏ sức sống qua cuộc khủng hoảng vừa qua. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ cần có nhiều điều chỉnh về chiến lược để phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Thứ hai, ở cấp độ khu vực, liên kết khu vực cần được thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế và làm cơ sở cho vai trò toàn cầu ngày càng lớn hơn của Đông Á? Đông Á là khu vực gồm nhiều nước có chế độ chính trị khác nhau, có sự khác nhau đáng kể về trình độ phát triển, văn hoá, giá trị xã hội, tôn giáo,v.v. Do đó, tăng cường hợp tác khu vực phải trên nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng”. Đây cũng chính là nguyên tắc đã phát huy hiệu quả hợp tác khu vực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định được những yêu cầu, hình thức, phạm vi mới cho hợp tác khu vực, để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Thứ ba, ở cấp độ toàn cầu, Đông Á cần có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với các vấn đề chung của thế giới? Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của cán cân quyền lực và sức mạnh kinh tế hậu khủng hoảng, vai trò và trách nhiệm toàn cầu của Đông Á trong giai đoạn mới này cần được nhận thức và đánh giá lại một cách  thoả đáng. Để đảm đương được vai trò mới, to lớn hơn ở cấp độ toàn cầu, trong khi tăng cường hợp tác khu vực, Đông Á cũng cần phát huy được vai trò của mọi lực lượng từ chính phủ đến doanh nghiệp và toàn xã hội ở khu vực, trong việc thực hiện các trách nhiệm toàn cầu ngày một lớn này. Mặt khác, Đông Á cũng cần mở rộng hợp tác với các đối tác ở khu vực khác như các diễn đàn hợp tác APEC, ASEM...

Thưa Quý vị,

Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bình quân 7-8%/năm trong nhiều năm; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; chính trị xã hội ổn định. Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã đối phó có hiệu quả với các tác động tiêu cực của khủng hoảng; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao: 5,32% (2009) và dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5% đến 7% trong năm 2010. Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng nhanh trong nhiều năm qua và đóng góp rất quan trọng đối với sự thành công trong phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã có được một nền kinh tế thị trường năng động với nhiều tiềm năng phát triển to lớn và đầy hứa hẹn.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để hoàn thành được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đường lối Đổi Mới một cách nhất quán, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy và sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực, cả trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững. Với việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO năm 2007 và tham gia hầu hết các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế một cách đầy đủ và sâu rộng.

        Thưa Quý vị,

Bước vào thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, vận hội mới thực sự đã tới với Đông Á, và đây là lúc Đông Á có thể tự tin gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Chúng tôi hiểu rằng, để có thể có một vai trò lãnh đạo quan trọng và xứng đáng hơn trong hệ thống chính trị - kinh tế toàn cầu, mỗi thành viên của cộng đồng Đông Á cần nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của mình, với tầm nhìn xa trông rộng và hành động nhạy bén, trước hết là ở tầm quốc gia và khu vực. Chúng ta đã có những bước tiến quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới, sự sáng tạo và tư duy đột phá. Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực.

Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị về Đông Á 2010. Xin chân thành cảm ơn lãnh đạo chính phủ các nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, và các vị đại biểu đã quan tâm và tham dự sự kiện này. Xin chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp. Chúc Quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Xin chân thành cảm ơn.


Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp Nhóm Lãnh đạo trẻ và Nhóm Doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu dự WEF Đông Á

Thưa quí vị và các bạn,

Tôi rất vui mừng được chào đón các bạn tại Thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Cuộc gặp mặt  hôm nay có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã qua đi, với nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, nhiều vận hội và ước vọng mới đang ở phía trước. Tôi tin rằng hôm nay chúng ta sẽ có nhiều nội dung hữu ích và trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở.

Thưa các bạn, thế giới của chúng ta đã có bước tiến dài trên con đường phát triển. Đó là kết quả không ngừng phấn đấu qua nhiều thế hệ của nhân loại vì một thế giới tốt đẹp hơn-hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thương mại thế giới đã phát triển mạnh theo hướng tự do hóa; Cách mạng thông tin đã bùng nổ; Giao lưu văn hóa được thúc đẩy ở khắp mọi nơi trên thế giới làm cho hàng loạt rào cản trong đời sống con người đã được xoá bỏ. Nhưng, thế giới vẫn còn nhiều thách thức. Căng thẳng, xung đột, bất ổn tiếp tục đe dọa ở nhiều khu vực. Một hệ thống thương mại toàn cầu thực sự tự do và công bằng vẫn còn cách khá xa chúng ta. Các thách thức an ninh phi truyền thống đặc biệt về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, tài chính vẫn chưa có giải pháp ứng phó hữu hiệu và triệt để. Đói nghèo, bệnh dịch, thất học… tiếp tục đè nặng trên vai các quốc gia đang phát triển.

Những thách thức phát triển đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới và lịch sử đang tiếp tục đặt trên vai các nhà lãnh đạo trẻ, các doanh nghiệp tiềm năng những trọng trách mới. Với những kiến thức phong phú và sự năng động nhạy bén của tuổi trẻ, với tinh thần sáng tạo và lòng nhiệt huyết, các bạn đang có được những tiềm năng to lớn và nhiều cơ hội mới mà thế giới đang mở ra. Tôi tin rằng các bạn sẽ hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình. Niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở. Nó bắt nguồn từ những điều các bạn đã làm được, những thành công đã khiến các bạn nhận được sự tôn vinh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới như những đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới của thế giới, như những doanh nghiệp đầy tiềm năng sẽ hợp thành một động lực phát triển mới. Thời gian qua, nhiều tấm gương điển hình về sự thành công của các thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ, các doanh nghiệp tiềm năng trên khắp thế giới đã góp phần làm cho thế giới phát triển nhanh chóng, cho thấy các bạn đã, đang, và sẽ góp phần định hình, sáng tạo, đi tiên phong và khơi nguồn cảm hứng cho tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại.

Từ diễn đàn này, tôi muốn nhắn nhủ các nhà lãnh đạo trẻ, các doanh nghiệp tiềm năng: Hãy phát huy tối đa sức sáng tạo và sự quả cảm của mình để đem đến những cách tiếp cận mới mẻ hơn, hiệu quả hơn cho các vấn đề của toàn cầu; hãy là những người đi tiên phong trong thúc đẩy hội nhập và kết nối nền kinh tế toàn cầu; hãy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và tầm nhìn chiến lược của mình với chính quyền các cấp; hãy làm giàu cho mình và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội; hãy tiến lên và làm cho thế giới phát triển nhanh và bền vững hơn. Các bạn là những người đi đầu trong đổi mới. Chúng tôi là những nhà lãnh đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự đổi mới.

Một trong những thay đổi to lớn đang diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Cuộc khủng hoảng vừa qua đã thực sự buộc chúng ta phải suy nghĩ về mô hình tăng trưởng mới. Từ kinh nghiệm của Việt Nam, chúng tôi cho rằng cho dù hình dạng của mô hình tăng trưởng mới như thế nào, thì mô hình đó cần bảo đảm 2 nhân tố hết sức quan trọng là tính hướng ngoại và chất lượng.

Với niềm tin đó, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực các nỗ lực toàn cầu, khu vực và đẩy mạnh cải cách trong nước để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng.  

Trên bình diện khu vực, với vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng tôi đang thúc đẩy quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và thúc đẩy chương trình kết nối đầy triển vọng giữa các nước thành viên ASEAN và với Đông Á về giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không và công nghệ thông tin viễn thông.      

Trên bình diện quốc gia, cuộc khủng hoảng không làm cho chúng tôi chỉ phát triển hướng nội mà tiếp tục thúc đẩy một nền kinh tế mở và chất lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Nhờ đó, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng, năm 2009, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,32%, mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 22,6 tỷ USD. Cộng đồng quốc tế tiếp tục thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam khi cam kết 8 tỷ USD ODA cho Việt Nam trong năm tài khóa 2010. 

Về dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào nguồn lao động rẻ và tài nguyên dồi dào mà phải dựa vào năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Với nhận thức và niềm tin đó, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Với nỗ lực không mệt mỏi trong đổi mới và cải cách, đất nước chúng tôi là một trong những minh chứng sống động về sự đổi mới và phát triển. Mảnh đất của chiến tranh 35 năm trước giờ đây là một đất nước hoà bình và rất ổn định, với nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu ở khu vực. Quốc gia từng bị bao vây, cô lập giờ đây đã có quan hệ hợp tác với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quốc gia từng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực 20 năm trước giờ là nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, giảm tỷ lệ nghèo từ gần 60% (năm 1993) xuống còn 11% hiện nay và đã hoàn thành sớm hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ Liên Hợp quốc đến năm 2015.

Song chúng tôi không có ý định dừng lại ở đó. Chúng tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam, không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xóa đói giảm nghèo, quê hương của lúa gạo… mà còn là một Việt Nam hội nhập, phát triển nhanh, cân bằng, bền vững và thịnh vượng. Từ diễn đàn này, tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy đến với Việt Nam để có thêm những câu chuyện kinh doanh thành công mới của mình trong thế kỷ 21.

Chúng tôi hoàn toàn tự tin về những gì Việt Nam có thể mang lại cho các bạn. Đó là những lợi thế về một dân số lao động vàng, một nền chính trị và xã hội ổn định, an toàn, một nền kinh tế thị trường liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, một nguồn tài nguyên phong phú, một thị trường nội địa tiềm năng của gần 90 triệu dân và một vị trí cửa ngõ vào thị trường khu vực rộng lớn với hơn 600 triệu người và thậm chí hơn 2 tỷ dân nhờ sự hình thành các khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc và ASEAN-Nhật, ASEAN-Hàn Quốc v.v. Đó là những lợi thế  hết sức quan trọng về một lịch sử hào hùng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc, một khát vọng vươn lên và một quyết tâm đổi mới mạnh mẽ. 

Vì thế, đây chính là lúc Việt Nam cần sự hiện diện của các bạn. Sức sáng tạo, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, vốn và công nghệ của các bạn sẽ là một sự bổ sung quý báu cho nội lực của đất nước Việt Nam và giúp Việt Nam tiến nhanh trên con đường đổi mới. Chúng tôi mong muốn các bạn sẽ là một phần trong sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn cơ hội của Việt Nam sẽ trở thành cơ hội của các bạn.

Thế hệ thanh niên và doanh nhân trẻ Việt Nam đang được tạo mọi điều kiện để phát huy sức sáng tạo, khả năng của mình và họ đã và đang góp phần tích cực xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và phát triển hơn. Thanh niên Việt Nam cùng chia sẻ với thứ ngôn ngữ chung với các bạn, đó là ngôn ngữ của khát khao đổi mới và phát triển. Tôi mong rằng, từ diễn đàn này, các bạn hãy kết nối với nhau để tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và thành công của chúng ta. Tôi xin ngừng lời ở đây và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các bạn và trao đổi với các bạn về những vấn đề các bạn quan tâm.

Chúc các bạn sức khỏe và thành công. Xin cám ơn.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi ăn trưa làm việc về hợp tác tiểu vùng Mê Công


Thưa các Ngài Thủ tướng,

Thưa Ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới,

Thưa Quý Bà,  Quý Ông,

Tôi vui mừng được gặp lại Quý vị tại buổi ăn trưa với chủ đề hết sức quan trọng về Tăng cường vai trò lãnh đạo và tăng trưởng trong tiểu vùng Mê Công. Từ bao đời nay, dòng Mê Công kỳ vĩ đã bồi đắp nên một vùng châu thổ rộng lớn và màu mỡ, trở thành cái nôi cho nhiều nền văn minh rực rỡ.

Ngày nay, với diện tích  2,6 triệu km² và khoảng 325 triệu dân, Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) bao gồm các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Đây là khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, một điểm đến đầy tiềm năng và cơ hội đầu tư rộng mở với tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, thủy điện và khai thác khoáng sản…

Với những nỗ lực to lớn gần đây của các nước trong vùng trong việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển kinh tế thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa dạng, lưu vực Mê Công đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều đối tác phát triển, trong đó có các nền kinh tế lớn Đông Á như Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác như Mỹ và Châu Âu.

Hội nghị Cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần đầu tiên tại Tokyo tháng 11-2009, sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thành lập Diễn đàn Hạ lưu Mê Công – Mỹ, và Cấp cao mở rộng đầu tiên của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế với sự tham gia của Trung Quốc và Mianma tại Hua Hỉn tháng 4-2010 là những minh chứng sống động cho sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác.

Thưa Quý vị,

Vấn đề đặt ra cho những nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này là cần phải làm gì để nhanh chóng biến các tiềm năng thành nguồn lực tăng trưởng thực tế, sao cho trong một thập kỷ tới, lưu vực Mê Công trở thành một động lực tăng trưởng mới bền vững cho Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung?

Tôi cho rằng các nước chúng ta cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sự chủ động và vai trò lãnh đạo của mình trong việc phát triển khu vực này. Không thể có tăng trưởng bền vững nếu như không nâng cao vai trò lãnh đạo một cách chủ động và sáng tạo. Trên tinh thần đó, theo chúng tôi, có bốn ưu tiên hàng đầu như sau:

Một là, chúng ta cần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài, bao gồm ASEAN, ACMECS, CLV, CLV+, Tam giác phát triển, Mê Công cộng các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Sông Hằng – Sông Mê Công, Ủy hội Mê Công Quốc tế, GMS, v..v. Có cơ chế hài hòa hóa các diễn đàn hợp tác này để tránh trùng lặp và tạo tính bổ sung và cộng hưởng lợi ích lớn nhất.

Hai là, cần nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mê Công, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới xây dựng một Mê Công phát triển Xanh trên cơ sở nâng cao vai trò, hiệu quả và mở rộng hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công là một vấn đề sống còn. 

Ba là
, bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ nguồn vốn và sự trợ giúp của các tổ chức tài trợ quốc tế cũng như các đối tác phát triển ở Đông Á và trên thế giới chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công – tư (PPP), đặc biệt cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, đầu tư và thương mại.

Bốn là, chúng ta cũng cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, giao thông vận tải, nhất là các hành lang kinh tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành dịch vụ then chốt như tài chính – ngân hàng, viễn thông, các nguồn năng lượng mới và tái tạo được. Ở đây, vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển cân bằng, bền vững và đều khắp cả ở cấp quốc gia và khu vực phải là một ưu tiên hàng đầu.

Thưa Quý vị,

Tương lai của các nước lưu vực sông Mê Công là tươi sáng và nó nằm trong tay của chúng ta. Tôi tin rằng với sự lãnh đạo sáng suốt của các chính phủ trong khu vực, chúng ta sẽ bảo đảm được một sự tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và thân thiện với môi trường cho các nền kinh tế nằm dọc theo con sông vĩ đại này.

Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Xin chân thành cảm ơn.

Tin cùng chuyên mục