Hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” vừa được Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 21-5 tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, TS Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhận định, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia tiếp tục leo thang. Trong đó, cạnh tranh Mỹ - Trung đặt trọng tâm vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, sản xuất xanh, chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao… để tạo ảnh hưởng với các đối tác.
“Tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đẩy nhanh xu hướng hình thành cục diện thế giới đa cực. Trung Quốc đang trỗi dậy, Nga vẫn giữ được sức mạnh. Ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia vẫn còn hạn chế. Đến năm 2030 và 2045, ít có khả năng xuất hiện một cường quốc mới dựa trên tiềm lực khoa học công nghệ dẫn đầu cũng như những điều chỉnh về kinh tế và quân sự”, TS Trường nhận định.
Tăng trưởng thương mại thế giới có thể chậm lại trong ngắn hạn. Trong trung hạn, thương mại toàn cầu sẽ có những động lực tăng trưởng mới, nhờ chi phí giảm.
Bản báo cáo tại hội thảo là tài liệu chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2031-2040.
Đáng lưu ý, bản báo cáo nhấn mạnh, xu hướng đầu tư bền vững FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng trong những năm gần đây, vượt đầu tư mới trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Tăng trưởng thương mại đối với hàng hóa xanh (hàng hóa thân thiện với môi trường) dự báo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới. Thị trường toàn cầu về ô tô điện, năng lượng mặt trời và gió, hydro và nhiều công nghệ xanh khác dự báo sẽ đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2030 - gấp 4 lần giá trị hiện nay.
Với Việt Nam, nền kinh tế có cơ hội tăng cường quan hệ với Trung Quốc do chuyển hướng thương mại của Trung Quốc từ Mỹ sang Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Việt Nam cũng có khả năng thu hút mạnh đầu tư và hỗ trợ của Mỹ vào công nghiệp bán dẫn, nhờ vị trí chiến lược của Việt Nam và thành công của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử, tiềm năng về nguồn cung đất hiếm. Đưa ra khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, các tác giả báo cáo cho rằng, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội tích cực từ bên ngoài, hạn chế các rủi ro; xây dựng, phát triển thể chế phù hợp với tình hình mới.