Chống đô la hóa nền kinh tế và giải pháp khơi thông thị trường

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ tự do, thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực cả ở phương diện tỷ giá lẫn lãi suất. Tuy nhiên đã phát sinh việc người dân, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ chính đáng khó mua USD từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Tìm giải pháp hợp lý để khơi thông dòng ngoại tệ từ dân cư cung ứng nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của người dân là vấn đề quan trọng hiện nay. Kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc giao dịch USD, hoạt động thu đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng giảm hẳn. Ảnh: LÃ ANH
Chống đô la hóa nền kinh tế và giải pháp khơi thông thị trường

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ tự do, thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực cả ở phương diện tỷ giá lẫn lãi suất. Tuy nhiên đã phát sinh việc người dân, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ chính đáng khó mua USD từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Tìm giải pháp hợp lý để khơi thông dòng ngoại tệ từ dân cư cung ứng nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của người dân là vấn đề quan trọng hiện nay.

Kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc giao dịch USD, hoạt động thu đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng giảm hẳn. Ảnh: LÃ ANH

Kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc giao dịch USD, hoạt động thu đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng giảm hẳn. Ảnh: LÃ ANH

Hiệu ứng đô la hóa kéo giảm lãi suất USD

Chống đô la hóa phải mất thời gian khá dài chứ không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, từ khi triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, kiểm soát chặt thị trường ngoại hối, tỷ giá đã ít biến động hơn và có xu hướng giảm dần. Cụ thể ngày 16-3, USD bình quân liên ngân hàng giảm 5 đồng, còn 20.658 đồng/USD, trần tỷ giá áp dụng cho các NHTM chỉ còn 20.865 đồng/USD. Trước đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng liên tục giữ ở mức 20.663 đồng/USD. Đặc biệt, theo NHNN trong tháng 3 xu hướng vay tín dụng bằng VNĐ tăng lên và tỷ trọng vay bằng USD giảm xuống do điều kiện cho vay khắt khe hơn.

Nguồn tin từ NHNN chi nhánh TPHCM cho biết trong tuần qua lượng ngoại tệ của các NHTM huy động có xu hướng tăng. Trước tình trạng này, có khả năng NHNN đang xem xét có nên áp dụng trần lãi suất ngoại tệ. Tuy nhiên, xem ra điều này thực hiện cũng khó hiệu quả và các NHTM vẫn có thể lách được khi có nhu cầu, bởi ngay cả trần lãi suất VNĐ các NHTM vẫn có thể lách để huy động vượt trần.

Thực tế khi tiền gửi ngoại tệ tăng cao, nhu cầu cho vay giảm, các NHTM sẽ chủ động giảm lãi suất huy động USD xuống thay vì can thiệp bằng trần lãi suất USD của NHNN. Cụ thể, ngày 16-3 Kienlong Bank giảm lãi suất huy động USD khá mạnh kỳ hạn dài so với cuối tháng 1. Trước đó, ngân hàng này áp lãi suất huy động USD cao nhất lên tới trên 6%/năm và rút dần về 5,3-5,8%/năm. Theo đó, Kienlong Bank chỉ áp 2 mức 5,3% và 5,5%/năm cho 2 kỳ hạn ngắn 2 và 3 tháng; các kỳ hạn 4 đến 8 tháng áp ở mức 5,1%/năm; các kỳ hạn 1, 9 và 12 tháng 5%/năm; đặc biệt các kỳ hạn dài 18, 24, 36 và 60 tháng chỉ 4-4,3%/năm. Ngày 11-3, Eximbank đã giảm lãi suất huy động USD 0,1-0,25%/năm ở tất cả kỳ hạn. Lãi suất huy động USD cao nhất tại Eximbank chỉ còn 5,3% kỳ hạn 12 tháng. Một số ngân hàng nhỏ cho biết sẽ chủ động giảm lãi suất trước thông tin NHNN chuẩn bị thắt chặt cho vay ngoại tệ.

Thu phí bán ngoại tệ?

"Xu hướng giảm lãi suất huy động USD là hợp lý và phù hợp với lộ trình chống tình trạng đô la hóa nền kinh tế và chủ trương ổn định tỷ giá hối đoái của NHNN. Bởi nếu muốn hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân cần phải tạo một khoảng cách chênh lệch hợp lý giữa lãi suất USD và lãi suất VNĐ. Tỷ giá đang có xu hướng ổn định, nếu kéo giảm dần lãi suất huy động USD người dân sẽ bán USD gửi ngân hàng vì nhận thấy giữ USD không có lợi so với giữ VNĐ".

TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM

Thị trường huy động và cho vay ngoại tệ đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, thị trường mua bán ngoại tệ vẫn còn căng thẳng khi các NHTM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua ngoại tệ của người dân, dù Chính phủ đã chỉ đạo bán ngoại tệ cho cá nhân có nhu cầu chính đáng.

Ghi nhận đầu tuần đến nay cho thấy các NHTM đáp ứng chủ yếu là cá nhân đi du học, còn khách hàng đi công tác hoặc du lịch vẫn khó mua ngoại tệ. Tại TPHCM, hoạt động thu đổi ngoại tệ đã tạm ngưng, phần lớn các tiệm vàng không còn cất trữ ngoại tệ và cũng không nhận mua ngoại tệ từ khách hàng do sợ bị phát hiện.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn ra ngầm, chủ yếu qua hình thức điện thoại, email và trao tiền tận nhà. Đầu tuần này tại Hà Nội đã có cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các NHTM về việc cho phép một số NHTM bán ngoại tệ theo giá niêm yết có thu phí.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, cho rằng nhiều nước trên thế giới hiện nay không khuyến khích người dân giao dịch bằng USD tiền mặt, nên khi khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ mặt họ áp dụng một khoản phí để hạn chế giao dịch. Để chống tình trạng đô la hóa, Việt Nam cũng nên áp dụng một khoản phí phù hợp với giao dịch mua bán ngoại tệ mặt.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, cho rằng nên cho các NHTM thu phí bán ngoại tệ bởi thực tế không phải lúc nào ngân hàng cũng có sẵn ngoại tệ để bán, mà phải mất phí để nhập về. Mức phí phù hợp là 2%. Theo ông Bình, để các NHTM có thể giải quyết nhu cầu mua bán ngoại tệ cho mục đích chính đáng của người dân, không chỉ cần sự điều phối của NHNN mà còn cần sự hợp tác của người dân. Theo đó, người dân đi nước nào mua ngoại tệ nước đó, không nhất thiết phải mua USD. Thực tế có người đi du lịch Singapore, Thái Lan vài ngày nhưng nhất định đòi mua đến 7.000 USD, bằng mức tối đa 1 cá nhân được phép mang ngoại tệ ra nước ngoài, sẽ không ngân hàng nào có thể đáp ứng được.

Thực tế trước đây việc thu phí bán ngoại tệ đã được thực hiện với tên gọi “phí giao dịch hối đoái” với tỷ lệ 0,05%/tổng số ngoại tệ bán (nhưng không quá 1 triệu đồng). Tuy nhiên, sau đó NHNN đã cấm thu khoản phí này. Việc linh hoạt cho thu lại sẽ giúp các NHTM có thể cung ứng ngoại tệ cho nhu cầu hợp pháp của khách hàng cá nhân nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề thu phí ngoại tệ mặt. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng việc thu phí bán ngoại tệ sẽ tạo cửa cho các NHTM lách luật trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ. Chưa kể tạo ra tâm lý thu phí ngoại tệ là tăng tỷ giá, tạo cơ chế 2 giá mà NHNN đang áp dụng nhiều biện pháp triệt tiêu. Hơn nữa, khi mua bán ngoại tệ các NHTM cũng đã thu một khoản phí chênh lệch nhất định giữa giá mua và giá bán, nên không nhất thiết phải thu thêm khoản phí nào nữa.

Có ý kiến cho rằng NHNN nên có cơ chế cho phép một số điểm thu đổi ngoại tệ được phép bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu, thay vì chỉ được mua như hiện nay. Các quầy thu đổi ngoại tệ này trực thuộc các NHTM và chịu sự giám sát của các ngân hàng này.

Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, thu phí bán ngoại tệ tiền mặt nếu cho phép cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì nếu để lâu sẽ biến tướng. Để khơi thông thị trường ngoại tệ chính thức cần triệt tiêu thị trường ngoại tệ tự do cũng như tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ giá lên để đầu cơ. Theo đó người dân sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng và ngân hàng sẽ bán ngoại tệ đúng giá niêm yết cho người dân có nhu cầu ngoại tệ chính đáng.

Thay đổi thói quen thanh toán

"Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta không thể mở rộng kết hối với tất cả doanh nghiệp, nhưng để cân bằng cung cầu ngoại tệ, tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp, NHNN cũng như các NHTM cần có chính sách ưu tiên tín dụng hay lãi suất hợp lý đối với doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc đối với các giao dịch ngoại tệ trái phép như vừa qua là hết sức cần thiết. Bởi thực tế thị trường đầu cơ ngoại tệ còn quá lớn và việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng USD vẫn phổ biến nhưng vẫn chưa được xử lý mạnh tay, đúng mức".

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ

Nếu hệ thống NHTM chưa giải quyết được bài toán cung cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân sẽ rất khó ngăn chặn những biến tướng của thị trường chợ đen. Bởi khi người dân có nhu cầu chắc chắn nguồn cung trên thị trường chợ đen sẽ len lỏi để đáp ứng.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài nhu cầu USD tiền mặt để đi nước ngoài, người dân vẫn còn nhiều cách thức lựa chọn khác trong thanh toán như mua ngoại tệ khác, thanh toán bằng séc, thẻ tín dụng…

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Chính phủ phát đi thông điệp “thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế lạm phát, người dân và doanh nghiệp nên có ý thức hơn trong việc sử dụng ngoại tệ, nhất là khi nước ta đang là nước nhập siêu.

Một vấn đề khác cần giải quyết là lãi suất cho vay USD hiện nay khá thấp so với lãi suất cho vay VNĐ. Điều này tạo xu hướng thích vay bằng USD, là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn thị trường ngoại hối.

Ngoài việc thu hẹp đối tượng cho vay USD, NHNN cần áp dụng biện pháp nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ. Khi đó lãi suất cho vay USD sẽ tăng lên, cầu tín dụng USD tất yếu sẽ giảm. Nếu lãi suất cho vay VNĐ từ 17-18%/năm, lãi suất cho vay USD nên ở mức 10-12%/năm, sẽ hạn chế tín dụng ngoại tệ và triệt tiêu tâm lý kỳ vọng vào sự tăng tỷ giá. Việc giảm dần tín dụng USD và tiền gửi USD là một trong những bước quan trọng của lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế - một nút thắt cần tháo gỡ hiện nay ở nước ta.

Thanh Như - Thiên Ngân

Tin cùng chuyên mục