Điều hành giá xăng dầu: Muốn minh bạch phải giảm độc quyền

Bộ Công thương: Nguy cơ đứt nguồn cung
Điều hành giá xăng dầu: Muốn minh bạch phải giảm độc quyền

Những tranh cãi xung quanh việc điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương vừa qua cho thấy hoạt động kinh doanh xăng dầu còn nhiều điểm “mù” ngay cả với cơ quan quản lý nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó cách điều hành hiện nay còn “gánh” theo quá nhiều mục tiêu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu minh bạch.

Khi kinh doanh xăng dầu còn độc quyền, người tiêu dùng còn phải gánh chịu thiệt thòi. Ảnh: CAO THĂNG

Khi kinh doanh xăng dầu còn độc quyền, người tiêu dùng còn phải gánh chịu thiệt thòi. Ảnh: CAO THĂNG

Bộ Công thương: Nguy cơ đứt nguồn cung

Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ được chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán theo xu hướng thị trường. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 84, việc điều hành xăng dầu vẫn rối, gây nhiều tranh cãi khác nhau. Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thời gian qua mang tính nửa vời và chẳng giống ai, không hẳn là bao cấp cũng chẳng thị trường. Ông Tú cũng cho rằng, nếu giá không theo thị trường, không giải quyết các khoản lỗ cho doanh nghiệp sẽ dẫn đến các nguy cơ vỡ hệ thống, đứt nguồn cung...

Theo TSKH Nguyễn Thị Hiền, định hướng điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 của Chính phủ là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, điều hành giá xăng dầu từ giữa năm 2010 đến nay lại không theo định hướng đó mà có sự can thiệp hành chính quá sâu. Vì vậy cần phải quay lại theo đúng định hướng của Nghị định 84 để điều hành thị trường xăng dầu để kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Song bà Hiền cũng thừa nhận, với mục tiêu kiềm chế lạm phát phải đặt lên hàng đầu và để đảm bảo an ninh năng lượng, Nhà nước phải có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo cho nhu cầu cả nước và bình ổn giá.

Tính minh bạch của giá xăng là điều nhiều người dân mong muốn. Ảnh: CAO THĂNG

Tính minh bạch của giá xăng là điều nhiều người dân mong muốn. Ảnh: CAO THĂNG

Bộ Tài chính: Doanh nghiệp chỉ biết kêu lỗ

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, vẫn chưa thể điều hành theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền. Ba doanh nghiệp đang chiếm trên 90% thị phần, trong đó có Petrolimex (trên 60%). Nếu 3 doanh nghiệp này liên kết với nhau sẽ làm ảnh hưởng các doanh nghiệp khác, người tiêu dùng cũng sẽ chịu thiệt. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui.

Cũng theo ông Huệ, năm 2008, Nhà nước đã trích trên 4.600 tỷ đồng để bù lỗ cho doanh nghiệp nhưng số tiền đó không ai đề cập tới, trong khi doanh nghiệp chỉ biết kêu lỗ mà không biết chia sẻ với người tiêu dùng. Lý giải về quyết định giảm giá xăng dầu vừa qua, ông Huệ cũng cho biết đây là quyết định hợp lý vì dựa trên số liệu khác nhau Petrolimex vẫn lãi 780 đồng/lít xăng.

Để tránh biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, theo TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện nay Petrolimex là đơn vị chiếm tới 50% - 60% thị phần xăng dầu, vì thế để tạo thị trường cạnh tranh thực sự thì nên tách Petrolimex thành 2 công ty nhằm giảm sự độc quyền.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, việc độc quyền của Petrolimex, Nhà nước cũng đã thấy, vì thế mới chủ trương cổ phần hóa Petrolimex. Tuy nhiên, cổ phần hóa mục tiêu trước tiên không phải để tăng sự cạnh tranh mà để tăng tính minh bạch của doanh nghiệp đó và có nhiều thành phần, nhiều tiếng nói tham gia để khách quan hơn. Cổ phần hóa cũng là động tác để thị trường tăng tính cạnh tranh.

Bộ Tài chính cho biết việc điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, lộ trình và liều lượng phải phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trường hợp vì lý do khách quan doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu bị lỗ, Nhà nước sẽ giải quyết và yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ, lưu thông bình thường theo nhiệm vụ được giao để đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và an ninh năng lượng.

  • Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú:

"Khi tôi nói doanh nghiệp đang lỗ tức là lỗ tích lũy lại của doanh nghiệp kể từ khi thực hiện Nghị định 84, do Nhà nước điều hành để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giá cơ sở được tính minh bạch dựa trên công thức tính giá cơ sở do Bộ Tài chính xây dựng và được nêu trong Nghị định 84. Đây là bảng giá cơ sở mà tất cả cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vẫn dùng điều hành. Bảng giá này bất cứ người dân nào quan tâm đều có thể tra tờ Thị trường hàng ngày, luôn đăng bảng giá này. Giá cơ sở là thước đo".

Hà My

Tin cùng chuyên mục