Nghịch lý mua cao, bán thấp cà phê Đắk Lắk

Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) từ địa bàn khác đến tỉnh Đắk Lắk mua cà phê với giá cao hơn thị trường và sau đó đem bán lại cho các DN xuất khẩu cà phê của tỉnh với giá thấp hơn. Nghịch lý “mua cao, bán thấp” của các DN này đã gây khó khăn cho các DN xuất khẩu cà phê của tỉnh, làm xáo trộn thị trường và thất thu thuế nhà nước.
Nghịch lý mua cao, bán thấp cà phê Đắk Lắk

Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) từ địa bàn khác đến tỉnh Đắk Lắk mua cà phê với giá cao hơn thị trường và sau đó đem bán lại cho các DN xuất khẩu cà phê của tỉnh với giá thấp hơn. Nghịch lý “mua cao, bán thấp” của các DN này đã gây khó khăn cho các DN xuất khẩu cà phê của tỉnh, làm xáo trộn thị trường và thất thu thuế nhà nước.

  • Trốn thuế tinh vi

Các DN này luôn mua với giá cao hơn thị trường từ 800 - 1.500 đồng/kg, sau đó đưa xuống TPHCM bán thấp hơn giá mua từng đó tiền. Những DN này thường hoạt động một thời gian ngắn rồi giải thể, bỏ trốn.

Tại Đắk Lắk có khoảng 20 công ty được thành lập mới, đều do người ngoài tỉnh đến đăng ký kinh doanh và không ít đơn vị làm ăn kiểu này. Trên khoảng 1km của đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ) có tới 4 công ty đăng ký địa chỉ kinh doanh, nhưng người dân đều cho biết chưa bao giờ có công ty nào đến thuê đặt trụ sở. Công ty TNHH Ngô Quý Yên (do ông Ngô Quý Yên, ở tỉnh Thanh Hóa làm giám đốc) lấy số 541 đường Hùng Vương đặt trụ sở, nhưng đây chỉ là một quán cơm bình dân của bà Huỳnh Thị Mỹ. Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu (do ông Nguyễn Hữu Hiếu, ở tỉnh Hải Dương làm giám đốc) lấy địa chỉ 579 đường Hùng Vương làm trụ sở nhưng đây cũng chỉ là nhà dân. Từ tháng 4-2012, Công ty Nguyễn Hữu Hiếu bỗng dưng nổi tiếng ở TX Buôn Hồ vì luôn mua cà phê với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, sau đó bán lại các DN xuất khẩu cà phê.

Công ty TNHH Ngô Quý Yên đăng ký kinh doanh số 541 đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ) nhưng thực tế đây là quán cơm bình dân của bà Huỳnh Thị Mỹ.

Công ty TNHH Ngô Quý Yên đăng ký kinh doanh số 541 đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ) nhưng thực tế đây là quán cơm bình dân của bà Huỳnh Thị Mỹ.

Trên địa bàn TX Buôn Hồ hiện có 8 công ty từ tỉnh khác đến kinh doanh khai man địa chỉ, nhưng đến thời điểm này cơ quan chức năng mới xác định được 4 công ty có lãnh đạo bỏ trốn là công ty Lê Quang Tập, Nguyễn Hữu Hiếu, Thủy Phong Phát và Ngô Quý Yên. Bốn công ty này đã thu mua cà phê trên địa bàn rồi bán lại cho 40 DN ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông... với tổng giá trị lên đến 2.288 tỷ đồng và được nhận phần thuế khấu trừ đầu vào hơn 114 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, lợi dụng sự thông thoáng trong việc cấp giấy phép, các DN đã tổ chức kinh doanh và thực hiện các hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian ngắn (khoảng 3 tháng), chiếm đoạt tiền thuế xong rồi bỏ trốn. Họ thuê nhà dân làm văn phòng nhưng thay đổi liên tục và phần lớn không có tài sản cố định. Giám đốc DN phần lớn là người ngoài tỉnh, không thường xuyên có mặt tại trụ sở, khi cơ quan thuế kiểm tra bị vắng mặt hoặc đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Các DN này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu hoạt động mua bán cà phê, nông sản. Họ mua bán cà phê, nông sản theo hình thức “tay ba”, thanh toán tiền tại cùng một ngân hàng và số tiền chuyển vào, rút ra hàng ngày có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hoạt động mua bán cà phê, nông sản tại Đắk Lắk nhưng đầu vào lại là hóa đơn của các DN ở tỉnh ngoài đã bỏ kinh doanh. Luật sư Tạ Quang Tòng, Trưởng Văn phòng luật sư THT tại Đắk Lắk, cho rằng các DN mua cao, bán thấp rất tinh vi trong việc gian lận thuế. Thứ nhất, họ chiếm đoạt khoản thuế GTGT (5%); thứ hai, mua cao bán thấp, “kinh doanh lỗ”, họ trốn được khoản thuế thu nhập DN. Ngoài ra, theo quy định, các DN mới thành lập được miễn trừ thuế thu nhập DN 2 năm, nên họ cũng chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi biến mất. Chỉ một công đoạn rất ngắn “mua đi bán lại”, “đánh nhanh rút gọn” các DN “ma” này đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng tiền thuế.

  • Xáo trộn thị trường

Nghịch lý “mua cao, bán thấp” trên đây đã làm thị trường cà phê Đắk Lắk bị xáo trộn. Các DN xuất khẩu cà phê tại tỉnh lại phải xuống tận TPHCM để thu mua nguyên liệu. Có 10 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cho biết họ không mua được hàng do tình trạng “mua cao, bán thấp” này. Còn các DN xuất khẩu cà phê lớn của tỉnh như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Anh Minh... cũng phải xuống TPHCM để mua lại cà phê từ những DN khác để xuất khẩu. Ông Phan Hùng Anh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh) cho biết: Kế hoạch niên vụ cà phê 2012 - 2013, DN thu mua xuất khẩu khoảng 100.000 tấn cà phê nhân, nhưng trong 3 tháng đầu của niên vụ, đơn vị mới thu mua được khoảng 20.000 tấn. Công ty rất khó mua cà phê tận gốc, từ nông dân, phải xuống TPHCM mua lại cà phê của các DN khác vì nguồn cà phê ở tỉnh đã bị họ thu mua hết với giá cao.

Trong nhiều năm qua, nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh cà phê, nông sản đã đóng góp khoảng 30% nguồn thu của Đắk Lắk, riêng các huyện trọng điểm cà phê như thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar, huyện Ea H’leo... có thể lên tới 80% nguồn thu địa phương. Vì thế, việc “mua cao, bán thấp” và mua bán hóa đơn bất hợp pháp của các DN “ma” nói trên làm thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của địa phương. Trước tình trạng trên, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập thêm 2 chốt kiểm tra liên ngành trên quốc lộ 14 và 26 để phát hiện, ngăn chặn tình trạng xuất cà phê ra ngoài tỉnh mà không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ đã thông báo đến các địa phương liên quan đề nghị tạm thời không hoàn thuế, khấu trừ thuế những hóa đơn của các DN “ma” khai man địa chỉ và đã đi khỏi địa bàn, để tránh thất thoát ngân sách nhà nước, chờ cơ quan công an điều tra, làm rõ. 

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục