Vốn rẻ, doanh nghiệp vẫn thờ ơ - Bài 2: Mở điều kiện vay, tăng kích cầu

Điều kiện cho vay nên linh hoạt
Vốn rẻ, doanh nghiệp vẫn thờ ơ - Bài 2: Mở điều kiện vay, tăng kích cầu

Điều kiện cho vay của ngân hàng khá khắt khe, trong khi hầu hết doanh nghiệp đang kiệt sức sau thời gian dài “thấm đòn” suy thoái kinh tế đã khiến cung cầu khó gặp nhau. Giải pháp cấp thiết hiện nay là các ngân hàng sớm nới lỏng điều kiện cho vay; Nhà nước có các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho…

Nhiều doanh nghiệp cần tiếp cận vốn vay lãi suất hợp lý để đổi mới dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại mang tầm thế giới. Ảnh: Cao Thăng

Nhiều doanh nghiệp cần tiếp cận vốn vay lãi suất hợp lý để đổi mới dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại mang tầm thế giới. Ảnh: Cao Thăng

Điều kiện cho vay nên linh hoạt

Theo đánh giá của Hội Doanh nghiệp TPHCM, với lãi suất và điều kiện cho vay của ngân hàng (NH) hiện nay, đối với các doanh nghiệp (DN) lớn, có uy tín, việc tiếp cận nguồn vốn của các NH tương đối dễ dàng. Còn với các DN vừa và nhỏ do vốn điều lệ thấp, để tiếp cận nguồn vốn không đơn giản, vì có ít tài sản để thế chấp. Mặt khác, hiện không ít DN ngại, không dám tiếp cận vay vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi họ vẫn loay hoay chưa tìm thấy đầu ra cho sản phẩm. Đại diện Hội Dệt may và Thêu đan TPHCM cho rằng, trừ một số rất ít DN trong ngành vay để mở rộng đầu tư, chủ yếu là DN nhà nước, còn lại hầu hết DN trong ngành đều không nghĩ đến chuyện vay để đầu tư vì đầu ra không có, chi phí tăng cao nên chắc chắn lỗ, nếu phải vay vốn để sản xuất thì càng lỗ nặng.

Trên thực tế, trước áp lực khó khăn của thị trường, lại khó tiếp cận vốn ưu đãi, lãi suất thấp, sản phẩm tồn đọng... nhiều DN đã chọn phương án giải thể vì càng kinh doanh càng lỗ; các DN đang cố gắng cầm cự. Điều này thể hiện rõ ở con số 50% DN trong ngành thép đã ngừng hoặc giảm 60% - 70% công suất. Tương tự, trong ngành vật liệu xây dựng hàng loạt DN bán tháo cổ phần, trong đó có khoảng 10 DN trong ngành xi măng đã bán hầu hết cổ phần cho DN nước ngoài. Để giải quyết thực trạng này, nhiều DN cho rằng NH cần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống ngưỡng 10%/năm cho phù hợp với thực lực của DN hiện nay. Đồng thời tạo cơ chế thoáng hơn để các DN nhỏ, vốn điều lệ ít, nhưng có dự án tốt có thể tiếp cận được vốn, thay vì phải thế chấp tài sản. Mặt khác, kéo dài thêm thời gian giãn nợ đối với một số ngành hàng còn đang gặp khó khăn. “Tôi cho rằng, để DN có thể tiếp cận vốn, các ban ngành cùng phối hợp với NH sớm điều chỉnh cách thức định giá tài sản, nới lỏng các quy định cho vay như tài sản đầu tư trên đất thuê... song song với việc cho phép dùng hàng tồn kho để thế chấp vay vốn ngắn hạn. Đây là nút thắt cơ bản cần được thực hiện nhanh để tháo gỡ khó khăn cho DN” - Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hoàng Gia Nguyễn Văn Tâm đề nghị.

Kích cầu, giải phóng hàng tồn

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay có tới 70% DN cho rằng để giải cứu DN trong bối cảnh hiện nay, việc hạ lãi suất là cần thiết nhưng chưa phải là giải pháp quyết định. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là điều kiện vay khó và khả năng hấp thụ vốn của nhiều DN rất hạn chế. Đại diện một số DN cho biết họ không muốn vay do không biết sản xuất hàng hóa ra có bán được hay không. Vì vậy, để giúp khơi thông nguồn tín dụng phải tăng khả năng hấp thụ vốn của DN bằng nhiều giải pháp khác, như thúc đẩy thị trường, tăng cường giải phóng hàng tồn kho…

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, vướng nhất hiện nay của tín dụng là nợ xấu vẫn còn. DN nợ thuế cộng nợ xấu nên NH cũng không dám cho vay. Thời gian qua, việc giải quyết nợ xấu chủ yếu vẫn là cơ cấu về kỹ thuật, còn gốc rễ là phải giải quyết căn cơ cho nền kinh tế bằng việc đưa những yếu tố mới vào, kiên quyết đưa những DN không đủ điều kiện ra khỏi thị trường.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, ít nhất, độ trễ chính sách sẽ có kết quả sau từ 1-3 tháng nữa. Lãi suất hạ chỉ thực sự giúp DN có hoạt động kinh doanh tốt, khả năng tiếp cận vốn vay cao. Do đó, chỉ hạ lãi suất thì không đủ lực để kích thích thị trường. Đơn cử, đối với những DN nhỏ, khó tiếp cận với vốn NH, Chính phủ nên bảo lãnh để tổ chức tín dụng cho những DN đó vay vốn. Bên cạnh đó, tùy tình hình từng địa phương, các ngành chức năng phải triển khai nhiều biện pháp để kích thích tiêu dùng. Hiện DN chỉ mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh khi họ thấy được sự ổn định của chính sách vĩ mô, thị trường đầu ra khởi sắc. Các NH thương mại cũng nên cân nhắc mở rộng điều kiện vay vốn để hỗ trợ DN.

  • Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

"Muốn cứu doanh nghiệp để vực dậy nền kinh tế phải có sự hợp sức của nhiều bộ - ngành. Trong đó, cần nhanh chóng xử lý vòng luẩn quẩn ách tắc tín dụng do nợ lòng vòng, nợ đọng chảy vào hệ thống ngân hàng"

LẠC PHONG

- Bài 1: Doanh nghiệp khổ, điều kiện vay khó

Tin cùng chuyên mục