Tràn lan phân bón kém chất lượng

Tuần qua, trước tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp với tính chất và quy mô lớn hơn nhiều so với trước, liên Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Công an (CA) và Hiệp hội Phân bón Việt Nam (HHPBVN) cùng phối hợp tổ chức hội thảo để tìm ra giải pháp hiệu quả và có hành động quyết liệt hơn.
Tràn lan phân bón kém chất lượng

Tuần qua, trước tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp với tính chất và quy mô lớn hơn nhiều so với trước, liên Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Công an (CA) và Hiệp hội Phân bón Việt Nam (HHPBVN) cùng phối hợp tổ chức hội thảo để tìm ra giải pháp hiệu quả và có hành động quyết liệt hơn.

        45 địa phương có phân bón kém chất lượng

Phó Chủ tịch HHPBVN Lê Quốc Phong cho biết, nếu như 3 năm trước việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn ra ở quy mô nhỏ, chỉ là nhái nhãn mác và chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa thì hiện nay tình trạng này diễn ra phổ biến và tràn lan. Không chỉ ở các cơ sở hay doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ mà ngay cả đại lý kinh doanh phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật cũng tham gia với thiết bị là… máy trộn bê tông tại nhà, phối trộn ngay với sản phẩm chính hiệu đang bán.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thể, Cục trưởng Cục An ninh, Bộ Công an cho biết, việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hết sức phức tạp. Địa bàn sản xuất trọng điểm là Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Tiền Giang…; các vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, ít người, khan hiếm phân bón vì đi lại khó khăn như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, vùng Tây Nguyên; kể cả các tỉnh, TP công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM. Tính chung có 45 địa phương xuất hiện các đầu nậu sản xuất hay kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Nửa đầu năm 2013, thanh tra trên 7.000 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, phát hiện rất nhiều sai phạm. Chủ yếu sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, đóng bao bì nhãn mác của những thương hiệu mạnh, rồi bán ra thị trường. Trong đó có cả việc trộn bột đá vào để tăng trọng lượng. Nguồn nguyên liệu không có chứng từ nguồn gốc, sản xuất không đúng theo đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép, bao bì. Đáng lưu ý, tình trạng này không chỉ diễn ra trong nước mà đã mở rộng ra nước ngoài. Tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, chủ yếu là phân bón Trung Quốc nhập khẩu kém chất lượng.

Phân bón giả tại Bình Chánh bị Quản lý thị trường phát hiện. Ảnh: Kim Ngân

Phân bón giả tại Bình Chánh bị Quản lý thị trường phát hiện. Ảnh: Kim Ngân

Gần đây có hiện tượng chuyển bao bì của DN uy tín trong nước sang Trung Quốc vô bao rồi đưa về thị trường nội địa tiêu thụ hoặc xuất sang nước thứ 3. Năm 2012 và 6 tháng 2013, xử lý 1.390 vụ vi phạm sản xuất, kinh doanh với số tiền 17 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại trong tổng số 5.372 vụ kiểm tra. Các ngành chức năng thừa nhận, việc ngăn chặn chỉ có mức độ nhất định.

Theo ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, nếu như 3 năm trước các doanh nghiệp “cá lòng tong” “rỉa” bớt lợi nhuận của các DN có thương hiệu mạnh thì giờ đây, “bầy cá” này “sinh sản” đông hơn, làm doanh số, sản lượng, thậm chí thị phần của không ít DN lớn bị ảnh hưởng.

        Sản xuất và kinh doanh phải có điều kiện

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón miền Nam cho biết, NPK là loại phân bón được nông dân sử dụng nhiều nhất, do đó mặt hàng này bị nhái nhãn mác hay làm giả nhiều nhất. Căn cứ vào giá bán sản phẩm cùng loại này, những người trong ngành nhận định chỉ đạt 70% - 80% chất lượng. Như vậy, nông dân chi phí thêm ít nhất 10% cho phân bón kém chất lượng, chưa nói phân bón giả. Với doanh số 4 tỷ USD phân bón hàng năm, con số này là rất lớn: 400 triệu USD!

Một câu hỏi đặt ra là vì sao phân bón kém chất lượng nhưng năng suất cây trồng không giảm? Theo ông Đạt, diện tích đất nông nghiệp Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% của Thái Lan, nhưng Thái Lan chỉ sử dụng khoảng 80% lượng phân bón hàng năm so với Việt Nam. Như vậy, nông dân Việt Nam bón quá nhiều nên tác hại của phân bón kém chất lượng không thể hiện quá rõ đối với năng suất, nhưng làm chi phí giá thành trên cây trồng tăng lên một cách bất hợp lý. Do nông dân không phát hiện hoặc do thói quen tìm mua sản phẩm giá rẻ nên tình trạng này càng có điều kiện phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công thương, việc cấp giấy phép dễ dàng cho các DN sản xuất phân bón làm tình hình thêm phức tạp trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp quy yếu, chưa đồng bộ; khi phát hiện vi phạm xử lý rất khó. Các quy phạm xác định hàm lượng thế nào là giả hay kém chất lượng chưa rõ ràng. Hệ thống quản lý các cấp chuyên ngành chưa hình thành ở các địa phương. Lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra, quản lý mỏng, ít được nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về quản lý, thiếu cập nhật văn bản pháp luật. Đến nay vẫn chưa hình thành thanh tra chuyên ngành phân bón. Công tác quản lý phân bón còn nhiều bất cập giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban ngành.

Trước những bất cập này, liên bộ và HHPBVN đều cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh lại theo hướng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó, phải có cơ sở vật chất và thiết bị cũng như con người có trình độ chuyên môn, đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản cho việc sản xuất, ngay cả việc kinh doanh phân bón cũng phải đảm bảo những điều kiện cần thiết về kho tàng, bảo quản. Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hệ thống văn bản pháp quy làm căn cứ để quản lý, kinh doanh phân bón sát với thực tiễn. Các biện pháp chế tài cần đủ mạnh để răn đe. Ở các nước, mức xử phạt lên đến 50 lần giá trị tài sản. Nhưng điều quan trọng không kém là cần hướng dẫn người nông dân cách nhận biết phân bón kém chất lượng, không nên mua chỉ vì thấy giá rẻ và nên bón phân hợp lý.

CÔNG PHIÊN

Giá phân bón thế giới sẽ giảm?

Nhu cầu sử dụng phân bón các loại cho cây trồng năm 2013 khoảng 10,3 triệu tấn, năm 2012 con số này là 9,6 triệu tấn. Khả năng sản xuất trong nước đáp ứng gần 8 triệu tấn, trong đó, phân NPK và urê gần như doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất đủ. Số còn lại phải nhập khẩu như SA và kali do trong nước chưa sản xuất, DAP có sản xuất nhưng chưa đủ nhu cầu. Nhưng việc nhập khẩu đứng trước nhiều nguy cơ do thị trường thế giới luôn biến động.

Hiện giá DAP thế giới giảm, nếu các DN không có giải pháp phù hợp, một lượng DAP giá thấp hơn sẽ tiếp tục nhập về Việt Nam dù đã nhập đủ nhu cầu năm nay, gây khó khăn cho các DN nhập trước. Lượng nhập khẩu phân kali còn thiếu khoảng 400.000 tấn trong bối cảnh thị trường thế giới biến động, ít nhiều tác động đến thị trường trong nước cả về giá và lượng hàng nhập khẩu những tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014. Tương tự, lượng SA nhập khẩu khá lớn, từ quý 2 trở lại đây giá phân SA thế giới liên tục giảm. Các DN đã phải tranh thủ nhập lô sau giá thấp hơn để gỡ lô trước giá cao, dẫn đến tình trạng lượng nhập về năm nay quá nhiều. Hầu hết các DN nhập SA đều bị lỗ, trong khi giá SA thế giới chưa có tín hiệu dừng giảm giá. Đây là bài học về việc cạnh tranh của các DN về giá khi biến động giảm.

Nhiều nước tiếp tục đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp với công nghệ hiện đại để phát triển mạnh ngành phân bón. Mỹ đã xây dựng nhà máy urê tại Dakota và mở rộng nhà máy sản xuất urê Solagan với tổng công suất 2 nơi lên 1,6 triệu tấn/năm. Các nhà máy phân bón urê hợp tác giữa Sonartach OCI và Sorfert Algeria có thể sản xuất 1,3 triệu tấn vào năm 2014. Nhiều nhà máy ở Bắc Phi và Trung Đông thay thế một loạt công nghệ mới và mở rộng công suất thêm 1,5 - 2 triệu tấn/năm, nên giá urê 2 khu vực này sẽ rẻ hơn 70 - 120 USD/tấn so với công nghệ cũ. Trung Quốc cũng nâng công suất lên 30 triệu tấn urê.

Trong khi đó, năng lực sản xuất kali toàn cầu đang phát triển mạnh ở Canada, Nga, Belarus, Trung Quốc, Jordan, kể cả Lào và Việt Nam. 2 nước Saudi Arabi và Mỹ hợp đồng xây dựng khu liên hợp Phosphat (Lân DAP) lớn nhất thế giới với công suất 3,8 - 4 triệu tấn/năm. Với xu hướng thế giới sử dụng ngày càng nhiều NPK và phân hữu cơ chất lượng cao thay thế dần phân hóa học, những nước đi đầu về sản xuất phân bón có nhiều nguồn lực đang ứng dụng công nghệ cao sản xuất NPK, trong khi phân hữu cơ thế giới phát triển mạnh công nghệ nano, công nghệ tháp cao, enzyme, công nghệ sinh học, công nghệ phân tử với giá thành thấp nên ít nhiều tác động đến phân hóa học. Với bối cảnh này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, không có nhiều khả năng đột biến về giá như năm 2008 và giá phân bón các loại trên thế giới hầu hết đều chựng lại, có thể giảm dần đến 2014 - 2015.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục