Cách mới tiếp thị nông sản

Câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh in hình nông sản gồm: mía, khóm, lúa - gạo, cá, bưởi trên tấm danh thiếp đã “ghi điểm” khá ngoạn mục đối với nhiều người ở ĐBSCL trong những ngày đầu năm 2014.
Cách mới tiếp thị nông sản

Câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh in hình nông sản gồm: mía, khóm, lúa - gạo, cá, bưởi trên tấm danh thiếp đã “ghi điểm” khá ngoạn mục đối với nhiều người ở ĐBSCL trong những ngày đầu năm 2014.

        Giới thiệu đặc sản trên danh thiếp

Hẳn đây không phải là hình thức, tấm danh thiếp mang nhiều thông điệp mà ông Trần Công Chánh muốn gởi gắm trong đó. Ngoài giới thiệu các mặt hàng nông sản mang thương hiệu “đặc sản” của Hậu Giang đến những người khách, đối tác trong và ngoài nước, nó còn ẩn chứa niềm trân trọng và tri ân đối với những người nông dân cực nhọc “một nắng, hai sương” sản xuất ra.

“Trong thời gian đảm trách vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tôi trăn trở nhứt trên ba lĩnh vực - có thể nó đeo đẳng suốt quá trình khi tôi còn phục vụ tại tỉnh - đó là: nông nghiệp, y tế, giáo dục” – ông Trần Công Chánh tâm sự.

Bưởi hồ lô, một đặc sản của Hậu Giang.

Bưởi hồ lô, một đặc sản của Hậu Giang.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đưa vị trí “nông nghiệp” lên trăn trở hàng đầu, bởi nông nghiệp đã và đang là tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang. Ông không chỉ nói “trăn trở” suông. Cách đây vài năm, khi từ vị trí người lính (Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang) nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp lặn lội nắm bắt tâm tư, và đối thoại thẳng thắn với nông dân vùng trồng cam sành ở Ngã Bảy, nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp, trồng khóm Cầu Đúc ở Vị Thanh… để tìm phương kế sản xuất sao cho có hiệu quả.

Ở mỗi buổi tiếp xúc với nông dân, ông đều chia sẻ sự trân trọng với đất. Ở những buổi tiếp xúc đó, nhiều nông dân không kiềm chế được đã “chửi” khá nặng đối với một số doanh nghiệp địa phương, ông Trần Công Chánh đã tế nhị “hóa giải” những bức xúc, đưa nông dân và doanh nghiệp thông hiểu nhau hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

        Đồng hành cùng nông dân

Có lẽ, những lần ông Trần Công Chánh lặn lội đối thoại cùng nông dân đã tạo tiền đề để tỉnh chọn 5 cây (lúa, mía, cây ăn trái, khóm, rau màu) và 5 con (trâu, bò, heo, gia cầm, thủy sản) làm mũi đột phá. Có thể nói, đây là bước tạo bạo của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Bởi thời điểm đó, nhiều địa phương rất “ngại” khuyến cáo nông dân trồng cây gì, nuôi con gì. Giờ đây, khi nhìn lại sự chọn lựa “5 cây, 5 con” của Hậu Giang như mũi đột phá cho tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp…

Những quyết sách đột phá của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang là nền tảng để ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua 4,79%/năm. Hình thành các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao 32.000ha; vùng mía 14.000ha; vùng khóm 1.500ha; vùng cây ăn trái đặc sản 10.000ha; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha…

Những ngày đầu năm 2014, tỉnh Hậu Giang đã đăng báo công khai mời gọi các nhà khoa học, các chuyên gia cơ khí tham gia để cơ giới hóa khâu thu hoạch mía ở Hậu Giang nhằm hạ giá thành sản xuất. Với diện tích 14.000ha mía, Hậu Giang là tỉnh dẫn đầu vùng nguyên liệu mía ở ĐBSCL. Cả nông dân và lãnh đạo tỉnh đều trăn trở về đầu ra cây mía khi giá luôn bấp bênh.

Nông dân Hậu Giang là những người giỏi nghề, trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha, cao nhất nước. Nhưng giá thành mía hiện nay dao động từ 700 - 800 đồng/kg. Trong đó, khâu thuê nhân công thu hoạch chiếm từ 150 - 180 đồng/kg. Việc hạ giá thành cho mía nguyên liệu là một trong những yếu tố sống còn của nông dân ở đây.

Câu chuyện vị “nhạc trưởng” tỉnh Hậu Giang in hình nông sản lên tấm danh thiếp rất đáng trân trọng. Bởi nó đã nói lên được những “trăn trở, tâm quyết” của lãnh đạo địa phương rất gần gũi với nỗi niềm của nông dân.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục